Viêm bờ mi là một tình trạng viêm mãn tính của bờ mi, có thể ảnh hưởng đến da mi, kết mạc, lông mi hay các tuyến Meibomius của sụn mi –tuyến này tiết ra một lớp chất dầu, bao phủ bề mặt lớp nước mắt, hạn chế sự bay hơi của nước mắt. Viêm bờ mi có thể do các yếu tố vi sinh: vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng (demodex, rận mi) thường ở chân lông mi (gọi là viêm bờ mi trước) hoặc do rối loạn chức năng tuyến sụn mi thường hay gặp ở người cao tuổi (gây tắc tuyến, chắp,..) gọi là viêm bờ mi sau. Khi viêm bờ mi bệnh nhân sẽ thấy mắt bị đỏ, ngứa mắt, vảy bám chân lông mi, thường kèm theo khô mắt, nhất là khi mới ngủ dậy, đôi khi có dính bờ mi. Các phương pháp điều trị viêm bờ mi: Với viêm bờ mi trước (viêm chân lông mi): bệnh nhân nên đến cơ sở nhãn khoa để làm xét nghiệm vi sinh tìm nguyên nhân gây bệnh để dùng thuốc điều trị đặc hiệu. Trong đó việc vệ sinh bờ mi rất quan trọng, bệnh nhân có thể làm sạch mi tại các cơ sở nhãn khoa hoặc tự vệ sinh bờ mi bằng các miếng gạc có tẩm sẵn thuốc (như Ocusoft hay TTO SWAB), hay đơn giản hơn là sử dụng miếng bông tẩy trang tẩm nước ấm sạch để vệ sinh mi ngày 2 lần sáng – tối. Cách vệ sinh mi: mắt nhắm nhẹ, rửa sạch tay bằng xà phòng, quấn miếng gạc vào ngón tay và lau dọc theo bờ mi từ trong ra ngoài 5-6 lần.

Với viêm bờ mi sau (rối loạn chức năng tuyến sụn mi): cần làm thông thoát tuyến sụn mi bằng việc chườm ấm và massage mi. Có thể chườm ấm mi bằng dụng cụ chuyên biệt như Eyegiene, hoặc cục bông sạch tẩm nước ấm rồi vắt khô và áp lên mắt trong ít nhất 10 phút để các ống tuyến Meibomius giãn nở ra, rồi massage mi nhẹ nhàng với các ngón tay đã rửa sạch, theo chiều vuốt xuống với mi trên, và vuốt lên với mi dưới, ép nhẹ vào bờ mi để các chất tiết trong lòng các ống tuyến Meibomius được đổ ra ở bờ mi, giúp cải thiện chất lượng lớp nước mắt do được bổ sung thêm lớp dầu hạn chế sự bay hơi của nước mắt. Việc chườm ấm và massage mắt cũng nên được thực hiện 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Ngoài ra, tùy tình trạng viêm bờ mi, bác sỹ có thể kê đơn có các thuốc kháng sinh, chống viêm và nước mắt nhân tạo. Mẹo nhỏ điều trị chắp: Chắp được hình thành khi ống tuyến Meibomius bị tắc nghẽn trong hình thái viêm bờ mi sau, khi bị bội nhiễm vi khuẩn sẽ gây sưng đau mi. Ngoài việc dùng thuốc kháng sinh chống viêm theo chỉ định của bác sỹ, bệnh nhân có thể dùng một quả trứng gà rửa sạch, luộc lên, để nguyên vỏ, lúc nóng nhiều dùng khăn giấy sạch bọc lại cho đỡ nóng, kiểm tra độ nóng trên mu bàn tay rồi chườm lên vùng chắp đang sưng đau, nhưng tuyệt đối không được day, ấn, bóp nặn chắp để tránh tình trạng khối viêm lan rộng. Việc chườm ấm tích cực trong những ngày đầu ngay khi mới bị chắp kết hợp dung thuốc đúng cách sẽ khiến chắp có thể tan đi hoàn toàn, không cần phải chích, rạch. Vì vậy khi bị viêm bờ mi bạn nên đi khám sớm để có chẩn đoán và điều trị hiệu quả bạn nhé.
BSCK2. Trần Huyền Trang - Bệnh Viện Mắt Trung Ương