Trung thu Trăng khuyết 

Giai điệu ngọt ngào của bài hát “Có phải em là mùa thu Hà Nội” vang lên cho người nghe những xúc cảm lâng lâng, xao xuyến khi thu về. Hà Nội vào thu, tiết trời se se lạnh, những cơn gió heo may thổi nhẹ nhàng, những con đường ngập lá vàng rơi, hương hoa sữa nồng nàn, làn khói sương giăng giăng trên mặt hồ và mang theo những kỷ niệm thương mến thời thơ ấu chợt hiện về nhẹ nhàng, yên bình.

Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?

Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm.

Có phải em là mùa thu Hà Nội?

Tuổi phong sương, ta cũng gắng đi tìm.

Giai điệu ngọt ngào của bài hát “Có phải em là mùa thu Hà Nội” vang lên cho người nghe những xúc cảm lâng lâng, xao xuyến  khi thu về. Hà Nội vào thu, tiết trời se se lạnh, những cơn gió heo may thổi nhẹ nhàng, những con đường ngập lá vàng rơi, hương hoa sữa nồng nàn, làn khói sương giăng giăng trên mặt hồ và mang theo những kỷ niệm thương mến thời thơ ấu chợt hiện về nhẹ nhàng, yên bình.

Hai năm trước đây vào mỗi dịp thu về, đường phố Hà Nội tấp nập người xe qua lại. Đường phố Hà Nội nhộn nhịp hơn, Phố Hàng Lược, Hàng Mã, Lương Văn Can,….đoàn người nối nhau, ngược xuôi nói cười rộn rã, kẻ mua người bán cùng nhau chia sẻ thông tin về những món quà Trung thu cho trẻ nhỏ, có cái được làm bằng máy móc, có cái được làm thủ công từ đơn giản đến tinh xảo như đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù, mũ sư tử, mặt nạ, mũ công chúa, trống, sáo, búp bê,…Và những gian hàng bán bánh trung thu cũng nhộn nhịp không kém: bánh Kinh Đô, Hải Hà Kotobuki, bánh mứt kẹo Hà Nội,…Người Hà Nội và du khách xuống phố đi dạo để ngắm cảnh đẹp mùa thu.

            Năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, đường phố Hà Nội vắng vẻ hơn vào dịp Tết Trung thu. Không còn cảnh dòng người ùn ùn đổ ra đường mua bán đồ chơi hay bánh trung thu nữa. Đây là thời gian Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong toàn quốc áp dụng chỉ thị 16 của Chính phủ, giãn cách nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Những dải phân cách được chăng xung quanh những nơi công cộng trên những con đường quen thuộc để hạn chế người qua lại. Các cháu học sinh được Nhà trường tổ chức cho học online để đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh này. Thầy cô trong ngành giáo dục cũng rất sáng tạo, đã hướng dẫn các cháu tự chuẩn bị mâm cỗ trung thu của mình trong khả năng có thể và chụp ảnh rồi chia sẻ với nhau qua trang padlet.com trong giờ sinh hoạt lớp để các cháu vẫn có niềm vui Tết Trung thu trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp.

            Dịp Tết Trung thu năm nay trong ngổn ngang và nặng nề của tình hình dịch bệnh, gần 100 nhân viên còn chi viện chống dịch nơi xa, nguồn thu phúc lợi của Bệnh viện rất hạn hẹp…  Lãnh đạo, Ban chấp hành Công đoàn Bệnh viện Mắt Trung ương cũng cố gắng trích tặng 200.000 đồng cho mỗi cháu là con cán bộ viên chức, người lao động của Bệnh viện với hy vọng món quà này sẽ đem đến cho các cháu niềm vui tinh thần và có một Tết Trung thu ấm áp. Đặc biệt hơn, các cháu có bố hoặc mẹ đang công tác miền Nam đã được Bệnh viện cử người mang quà đến nhà tặng cho các cháu. Chẳng thể nào so sánh với hạnh phúc đủ đầy của Trung thu của ngày xưa, cũng không thể bù đắp được những nhớ nhung hụt hẫng của những đứa trẻ xa mẹ cha đã hơn tháng trời hay những chiếc hôn, cái ôm riết cha mẹ chúng ở nơi xa kia muốn gửi cho chúng…Chúng tôi những người ở lại, chỉ làm được có vậy.

Mong rằng cả nước sớm vượt qua đại dịch để những ước mơ bình dị như học sinh được đến trường, được về nhà ăn cơm cùng cha mẹ, ông bà, hay được hàn huyên cùng bạn bè, đồng nghiệp, được cùng nhau đi du lịch, hay hòa mình vào nhịp sống sôi động ngày thường…sớm trở thành hiện thực. Để cho dù bình minh hay lúc hoàng hôn, dòng người vẫn xuôi ngược và ta cảm nhận được hơi thở của mùa thu, thoáng chút nao lòng.

Ths. Phạm Thị Kim Đức – Phòng CTXH

8664 Go top