Tháng năm đi mãi 

Cuộc thi kéo co hoạt náo không gian Bệnh viện, các bác sĩ - học viên xắn tay cùng nhau tranh tài, các bệnh nhân cũng vui thích tạm quên đi bệnh tật của mình vây quanh sân đấu cổ vũ cho các ân nhân đáng kính của họ, một ông Tây chỉ là khách qua đường nhưng giơ cao nhất chiếc iphone của mình quay miệt mài các cuộc đấu...

Niềm vui ngập tràn, người vui với người, trời hửng nắng sau cơn mưa rửa sạch oi nóng của mấy ngày trời, các đội thi quây quần trước tấm pa-no chào mừng 108 năm Thành lập Bệnh viện - 68 năm phục vụ chính quyền cách mạng…Vui nhưng tôi không thể không thảng thốt: Nhanh vậy đấy!

Ngày nào bố đưa cho tôi chiếc áo blouse trắng mới nhất của ông để tôi học nghề Mắt năm 1994. Bố về hưu năm 1998, rời bỏ thế giới này năm 2018… rồi đến tôi thoắt đã đã là bậc cao lão trong Bệnh viện, chẳng mấy dần rồi cũng sẽ nghỉ hưu. Cuộc vui hôm nay có bao nhiêu gương mặt trẻ trung, đỏ gay, mồ hôi ròng ròng, tiếng hò reo trống chiêng vang một góc trời. Các lãnh đạo Bệnh viện, khoa phòng đứng xa một chút để cổ vũ, để nhớ và yêu một thời tuổi trẻ của mình. Trên trời cao là bao bậc tiền bối đang vén trời mây tò mò ngó xuống đám con cháu, trong không gian của khu vườn tượng - đài phun nước cụ tổ của ngành Mắt Việt nam GS. Nguyễn Xuân Nguyên chắc không nỡ trách hậu thế quấy rầy giấc ngủ của cụ. Ai cũng vui! Chúng ta có một bề dầy lịch sử đáng tự hào, đóng góp những danh nhân lẫy lừng cho ngành Y: GS Nguyên, GS Nhân, trải qua hai cuộc chiến gian khổ nhưng hào hùng, đã có những thành tựu được Đảng Nhà nước ghi nhận bằng nhiều huân - huy chương, cùng với đất nước vượt qua nạn COVID, những tưởng chìm nghỉm trong thiếu thốn vật tư - rối rắm pháp lý - kiện tụng dai dẳng… nay đã có lối thoát, có đường ra và hơn nữa là một tương lai có thể định đoạt, sáng rõ hơn. Gần 30 năm sau bố rồi lại chính tôi làm việc trong Bệnh viện, khung cảnh Bệnh viện thay đổi từng ngày, các bậc lãnh đạo cũng không thể cố định, các thầy cũng dần về với tổ tiên… Tất cả không thể nhớ hết nhưng những mốc son lớn, những kỷ niệm, những bức ảnh từ quá khứ luôn dội về cuồn cuộn mỗi khi có dịp gì. Chẳng ai sống đủ lâu để kể về bệnh viện hơn 100 tuổi, 58 năm sau ngày Giải phóng Thủ đô. Cuốn Sử Bệnh viện chúng tôi biên soạn cách đây 10 năm có những bức ảnh đen trắng: Bệnh viện xưa là Nhà Thương dốc Hàng gà bệnh nhân nằm như cá mòi sếp muối, mấy chiếc xích lô trước cổng, là phòng mổ tay trần. Thời tôi là con của bác sĩ Bệnh viện được bố đem đi trực hay mang đến Bệnh viện kỳ nghỉ hè Bệnh viện là dãy nhà 3 tầng vàng rơm cạnh đường Bà Triệu, có nhiều hoa Ti - gôn vươn ra từ những cửa sổ xanh, tay cầu thang gỗ lim bóng loáng nhà A là nơi tôi hay chơi cầu tụt… với những bác Biền - bàn tay vàng, Gs Tân - giọng lơ lớ như Tây, bác Tiến, bác Duy Hòa lẫy lừng một thời. Năm tôi học nghề Mắt 1994 lúc này đã có thêm nhà C 5 tầng cho bệnh nhân nội trú nằm, hội trường liền với Thư viện chỉ có quạt trần nhưng đã có giáo sư nước ngoài sang giao lưu, giảng dạy. Tôi lấy làm buồn cười khi giáo sư Úc sang giảng bài mặc quần sooc, Gs Hoàng Xuân Thanh việt kiều Pháp đội mũ cối tham quan bệnh viện, thuyết trình nhiều buổi. Các cao thủ tiếng Pháp như thầy Tân, thầy Tiến tha hồ đặt câu hỏi, tranh luận rôm rả. Thời mở cửa, mọi thứ thay đổi như vũ bão… Nhà D, nhà H liên tục mọc lên, sinh hiển vi từ mỗi khoa chỉ có một chiếc nay đã là trang bị từng phòng. Phòng mổ, khoa chẩn đoán hình ảnh, hội trường, giảng đường… ngày càng được mở rộng, khang trang với nhiều thiết bị hiện đại. Những kỷ niệm đẹp thời gian khó, màu vôi ve vàng khắp Bệnh viện, cây đào và nhà hầm ở sân viện, cây gạo, cây dừa… những con người cũ chìm dần vào dĩ vãng. Yêu lắm, nhớ nhung biết bao nhiêu mà kể nhưng không thể níu kéo, không thể không thay đổi.

Rồi rất gần đây thôi, không thể quên hay ai cũng nhỡ là tháng năm buồn thảm, căng go của dịch COVID. Giao ban qua Iphone, cách ly, khai báo, 2 cuộc ngậm ngùi tiễn hơn 100 đồng nghiệp chi viện miền Nam, không biết ngày về hoặc có về đủ hay không? Đoạn trường thiếu vật tư, gửi chuyển bệnh nhân, nguy cơ vướng vòng lao lý, kiện tụng triền miên cũng làm nhiều bệnh nhân khốn khó, nhiều bác sĩ nản lòng, có người đã bỏ viện mà đi vì đó… không ít thì nhiều. Nhờ Giời, đa phần đã trụ lại, loay hoay, vượt khó, đi lên để có được ngày hôm nay.

Một lớp lãnh đạo mới, gần 600 con ngưởi trẻ khỏe nhiệt thành như anh em đang kéo co dưới sân kia, cùng cơ ngơi này sẽ dần thay tôi, lớp người như tôi đưa con tàu Bệnh viện Mắt Trung ương đi tiếp. Trong sự bộn bề, hỗn mang và khó đoán định của thế giới này chúng ta luôn có những khoảng trời, những lãnh địa thân yêu cần nâng niu, bảo vệ đó là cơ quan và gia đình. Hãy yêu thương và bảo vệ bệnh nhân, bệnh viện của chúng ta, coi đó là gia đình thứ hai./.

Tháng 7/2025

Bs Hoàng Cương

 

21 Go top