
Ban tổ chức Hội thi mong muốn những tình huống giao tiếp trong thực tiễn và vận dụng kỹ năng ứng xử giữa thầy thuốc với người bệnh, giữa các đồng nghiệp với nhau thông qua các hoạt động nghệ thuật quần chúng, các thông điệp tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng giao tiêp ứng xử tại các cơ sở y tế sẽ được chuyển tải mềm mại hơn. Đồng thời, qua các cuộc hội thi, hội diễn tăng cường sự đoàn kết, giao lưu, phối hợp sáng tạo nghệ thuật, cùng nhau chia sẻ những áp lực công việc thường nhậtgiữa các đồng nghiệp, động viên cùng vượt qua những thử thách, khó khăn.
Hội thi “Giao tiêp ứng xử của điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sỹ” năm 2025 với sự góp mặt của gần 80 “nghệ sỹ” đại diện cho các khoa, phòng và sự cổ vũ nhiệt tình của “khán giả” chính là hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Mắt Trung ương.

Với 10 tiểu phẩm tham dự, mỗi một tiểu phẩm là hàng loạt những tình huống ứng xử thực tế rất đời thường, diễn ra hàng ngày giữa người bệnh và thầy thuốc. Những tình huống éo le, khó xử cũng như nhiều hiểu lầm đáng tiếc cùng những áp lực các bên phải đối diện: áp lực của bệnh nhân và người nhà khi đến khám, điều trị; áp lực của người thầy thuốc khi vừa phải nâng cao trình độ chuyên môn, lại vừa là “người mẹ hiền” chăm sóc, tư vấn, động viên người bệnh, và những tâm sự trong nghề “làm dâu trăm họ” đã được các “nghệ sỹ nghiệp dư” là chính các thầy thuốc tự biên tự diễn, gửi gắm qua các vai diễn…Không ai hiểu bệnh nhân bằng thầy thuốc, không ai hiểu những người thầy thuốc bằng chính đồng nghiệp. Các y, bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương đã mang đến Hội thi những tiếng cười hài hước, nhẹ nhàng mà thâm thúy và cả những khoảng lặng buồn, giọt nước mắt của sự yêu thương, nhân ái, sẻ chia…

Đặc biệt, tiểu phẩm thứ 11 với Hội thi của chính Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương Phạm Ngọc Đông, vừa trong vai nhân viên đón tiếp, vừa trong vai lãnh đạo Bệnh viện, lại vừa trong vai bác sỹ điều trị đã mang đến bất ngờ và thú vị của Hội thi năm nay.
PGS.TS Phạm Ngọc Đông chia sẻ: nội dung của tiểu phẩm này là một tình huống có thật xảy ra ngay trước giờ Hội thi khai mạc, do người bệnh bức xúc phản ánh qua đường dây nóng mà chính ông phải trực tiếp giải quyết, về vấn đề thủ tục hành chính khâu đón tiếp, và áp lực của nhân viên y tế trước số lượng đến khám bệnh tăng nhanh. Trong không khí sôi động của Hội thi, ông muốn chuyển hóa, tái hiện tình huống này thông qua tác phẩm, xem như món quà tặng Hội thi và mọi người cùng chiêm nghiệm, suy ngẫm.
Nhẫn nại, lắng nghe nhiều hơn và chia sẻ với người bệnh là thông điệp chính mà tác phẩm thứ 11 của Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương muốn gửi tới tât cả các cán bộ nhân viên y tế qua Hội thi này.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Đông, chỉ một cử chỉ lời nói trong lúc căng thẳng có thể khiến hai bên bị tổn thương trong quá trình phục vụ, nhưng chúng ta, những người thầy thuốc nhãn khoa đã xác định chọn nghề, bám nghề cần nỗ lực hơn nữa, luôn đặt mình trong vai người bệnh để tìm sự sẻ chia thông cảm, luôn lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, chắc chắn sẽ có cách hóa giải và vượt qua.
Kết quả chung cuộc Hội thi:
Giải Nhất thuộc về tiểu phẩm “Ưu tiên” của khoa Khám bệnh & Điều trị ngoại trú và khoa Tạo hình thẩm mỹ.
04 Giải Nhì:
khoa Chấn thương (t/p: “Những chiến sỹ thời bình”); khoa Gây mê hồi sức (t/p: “ Lên mổ”); khoa Dược và khoa Khúc xạ (t/p: “Song kiếm hợp bích”); khoa Xét nghiệm, Chẩn đoan hình ảnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và Dinh dưỡng (t/p: “Sáu mới chẳng chín”).
05 Giải Ba:
khoa Mắt trẻ em (t/p: “Không vội được đâu”); khoa Dịch kính võng mạc (t/p: “Không biết đọc à”); khoa Khám bệnh & Điều trị theo yêu cầu và phòng Kế hoạch tổng hợp (t/p: “Một ngày làm việc của chúng tôi”); khoa Glôcôm (t/p: “ Vị khách đặc biệt”); khoa Kết,Giác mạc (t/p: “Em giấu ở đây”).
Một số hình ảnh trong hội thi












Bài & ảnh: Xuân Hồng- Vũ Long