Hội nghị Phòng chống mù lòa và Khoa học kỹ thuật ngành Nhãn khoa Việt Nam năm 2018
Hội nghị ngành Nhãn khoa năm 2018 đón hơn 2000 đại biểu là các bác sỹ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, những người quan tâm đến từ các bệnh viện mắt, trung tâm mắt, trạm mắt, khoa mắt BVĐK của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc....cùng nhiều chuyên gia nhãn khoa quốc tế và các tổ chức quốc tế đến từ các nước Mỹ, Nhật, Đức, Úc, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia Philippines ... tham gia thuyết trình. Với 234 báo cáo, đề tài PCML, nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước sẽ được thuyết trình tại Hội nghị, có thể nói là số lượng báo cáo khoa học lớn nhất trong các Hội nghị ngành Nhãn khoa những năm gần đây.
Trong phần thảo luận hoạt động phòng chống mù lòa ở Việt Nam, Hội nghị có 8 báo cáo về một số vấn đề của phòng chống mù lòa và mục tiêu thị giác 2020. Hội nghị dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa. Lĩnh vực này gồm có trên 200 đề tài nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia nhãn khoa trong nước và quốc tế, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong nhãn khoa hiện nay, được chia thành 11 chuyên đề chính: Thể thủy tinh nhân tạo, khúc xạ; Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; Glôcôm; U, tạo hình, thẩm mỹ; Dịch kính, võng mạc; Chấn thương mắt; Mi và lệ bộ; Màng bồ đào, võng mạc nội khoa; Mắt trẻ em; khúc xạ nội khoa; Kết, giác mạc. Ngoài ra còn có các chuyên đề khác như: Quản lý bệnh viện; Diễn đàn dành cho bác sỹ trẻ, Diễn đàn PCML của các tổ chức phi chính phủ quốc tế...
Tại Hội nghị ngành Nhãn khoa 2018, Hội Nhãn khoa Việt Nam thành lập và ra mắt 2 câu lạc bộ khoa học chuyên ngành: CLB Quản lý bệnh viện và CLB Thể thủy tinh – Khúc xạ.
Trong thời gian Hội nghị, diễn ra các hoạt động triển lãm với 50 gian hàng giới thiệu thuốc điều trị, trang thiết bị nhãn khoa hiện đại của các tập đoàn dược phẩm và thiết bị nhãn khoa trong, ngoài nước. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ sẽ được tổ chức đan xen của cán bộ nhãn khoa trên khắp vùng miền tổ quốc, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ, đoàn kết, chung sức trong công tác phòng chống loà tại Việt Nam.
Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Bệnh viện Mắt TP.Hồ Chí Minh
Trong 40 năm qua, từ những ngày đầu thành lập còn ngổn ngang bao thiếu khó của một vùng hậu chiến, giờ đây Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cùng với ngành nhãn khoa TP. Hồ Chí Minh không ngừng xây dựng, phát triển và trở thành 1 trung tâm nhãn khoa hiện đại, chăm sóc mắt cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.
Bên cạnh đó, hàng năm Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh tổ chức đào tạo, đào tạo nâng cao và chuyển giao kỹ thuật cho hàng trăm y bác sỹ nhãn khoa đến từ các tỉnh thành khu vực phía Nam, phối hợp tổ chức các dự án phòng chống mù lòa tại cộng đồng và hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo ở các tỉnh trong khu vực và ở nước bạn: Lào, Campuchia.
Hội nghị về tinh Nhãn khoa Châu Á Thái Bình Dương APAO
Hội nghị vệ tinh Nhãn khoa Châu Á Thái Bình Dương APAO với 6 đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ các nước: Nhật Bản, Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Hong Kong- Trung Quốc. Đây là hoạt động khoa học quốc tế để chia sẻ và diễn ra trước khi Hội nghị nhãn khoa Châu Á- Thái Bình Dương APAO chính thức được tổ chức.
Hội nghị cận thị quốc tế lần 2
Trước thực trạng cận thị ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới ngày càng gia tăng và phức tạp, Hội Nhãn khoa Việt Nam và Bệnh viện Mắt TW tổ chức Hội nghị Cận thị quốc tế định kỳ 2 năm 1 lần nhằm tập trung thảo luận, chia sẻ các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên sâu về lĩnh vực điều trị cận thị.
Năm nay, Hội nghị Cận thị quốc tế thu hút 11 đề tài báo cáo của các chuyên gia đến từ Úc, Mỹ, Việt Nam và Singapore với những thông tin cập nhật hướng điều trị mới rất đáng quan tâm: Tổng quan về cận thị trên toàn thế giới, kinh nghiệm trong điều trị kiểm soát tăng cận thị, vai trò của các loại kinh và hoạt động sinh hoạt ngoài trời trong điều trị kiểm soát tăng cận thị,....
Hội nghị ngành Nhãn khoa toàn quốc năm 2018 cùng với các hội nghị quốc tế và nhiều hoạt động khoa học sôi nổi. chuyên sâu cùng với nhiều thông tin kiến thức mới được cập nhật trong hoạt động PCML cũng như chăm sóc mắt, chắc chắn không chỉ giúp cho những người hoạt động lĩnh vực nhãn khoa mà là cơ hội để những người quan tâm, các anh chị phóng biên, biên tập viên của các cơ quan thông tấn báo chí có cơ hội để tiếp cận những thông tin này, cùng chúng tôi tuyên truyền lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng về nâng cao nhận thức chăm sóc và bảo vệ đôi mắt, góp phần thực hiện các mục tiêu chương trình PCML ở Việt nam, muic tiêu thị giác 2020 “Quyền được nhìn thấy”.