Gắng nối dài sự sống 

Chẳng biết thằng con đọc ở đâu về toang toang với bố “con thấy người ta bảo là nếu mà chết mà còn còn được người thân nhắc đến ngày tối thiểu 4 lần thì coi như vẫn sống bố ạ”. Tôi cười đáp: vậy là ông Sinh nhà mình vẫn còn sống đấy, vì có bố và mày vẫn nhớ tới ông, nhắc tới ông hàng ngày

Có bao lời, bao câu chuyện ta nhắc về những người đã khuất…Không làm tính cộng hết được. Khi chỉ có một mình tôi cũng chẳng thể nhẩm đếm những kỷ niệm, bao giấc mơ, những khắc thảng thốt, thoáng nhớ nhung đến nghẹt thở, những giấc ngủ không thành vì nhớ họ và nước mắt tràn mi. Nếu theo lý thuyết của thằng con tôi thì bố tôi còn sống. Cũng mong sau này các con cũng sẽ nhớ và yêu bố mẹ chúng để chúng tôi còn có thể sống thêm với chúng!

Tôi sống với cha được 50 năm, thằng con lớn được ở với ông cho đến năm lớp 11. Chúng tôi ôn đều đều về bố tôi (ông nội của nó). Nó cao hứng hay hát những bài hát tếu của ông chêu trọc trẻ con “bà ơi con ngan nhà ta nó què, thịt đi không mai ngày kia nó gày”. Khi cần chăm chỉ học hành hay nỗ lực việc gì đó nó hay buột miệng "xấu đều hơn tốt lỏi" hay "cẩn tắc vô áy náy" ông bảo thế! Kho kỷ niệm và những chuyện răn đời của ông khá nhiều trong tâm hồn còn trong trắng của cu cậu. Nắng vàng rực rỡ, mừng hết mùa COVID. Hai đứa con đều nhớ tới ông, nhắc tới những kỳ nghỉ hè khi còn có ông. Những năm tháng cha mẹ tối tăm mặt mũi vì phấn đầu, công việc chúng có những kỳ nghỉ hè với ông không thể nào quên! Lúc còn khỏe ông cho chúng nó lên ghế mây buộc sau xe đạp, chở chúng đi chơi. Yếu và run lắm rồi, sợ làm ngã các cháu ông đành dắt xe đạp chở chúng đằng sau đi lòng vòng quanh phố. Mỗi ngày nghỉ mấy đứa cháu xơi bim bim của ông chắc phải mấy chục nghìn một ngày. Buổi trưa ông chiêu đãi chúng bằng cơm rang, phở xào, chả xiên mua ở siêu thị. Một tuần ông lại cho chúng lên taxi, dặn chúng không được nói với bố mẹ, đi khảo sát quán ăn, thăm quan phố phường. Người hoài cổ như ông hay về những chốn cũ, kỷ niệm xưa nên các con tôi thuộc làu thực đơn bánh tôm, đùi ếch tẩm bột ở nhà hàng Bánh Tôm Hồ Tây. Biết chúng đã chán phè nên sau này ông đổi cho ăn ở quán Beefsteak, khoai chiên, có hôm ông cao hứng còn mua đem về cho hai vợ chồng tôi. Thức ăn khá ngon, đặc biệt là nước xốt. Một ngày nắng to nào đó ông biểu diễn ảo thuật cho chúng xem bằng cách dùng loupe tập trung chiếu nắng vào giấy làm giấy cháy bùng lên, bọn trẻ thích thú và khâm phục, bây giờ vẫn nhắc. Món đồ chơi nhảy dù của ông bằng túi nilon mỏng, buộc búp bê nhựa cũng làm chúng khoái chí, kể mãi sau này.

Chúng lớn thật nhanh và ông cũng yếu dần. Không thể chơi với trẻ con được nhiều ông chuyển sang nhìn chúng chơi, ngắm chúng ăn uống thích thú làm nguồn vui. Ông tham gia một vài kỳ nghỉ với vợ chồng tôi và các cháu trong những năm cuối đời. Thuốc uống, thuốc xịt hen đầy đủ thêm với xe lăn nhưng ông vẫn mệt nhiều khi phải di chuyển xa. Những đứa cháu chỉ mong đến nơi thật nhanh để còn bơi lội nhưng ông lại hay đề nghị nghỉ giữa đường. Dạy cho cháu phân biệt con trâu với con bò, chỉ cho chúng tên một số loài hoa dại cũng có khi ông mỉm cười hút thuốc lúc nghỉ chân bên khúc đèo có con suối bắt chéo qua. Ông trầm trồ: Đẹp quá mà bọn trẻ con không biết chơi những cái này. Phải rồi chúng làm sao mà cưỡi trâu bò như ông hồi bé, bắt châu chấu chuồn chuồn hay tắm sông, leo đồi, trèo cây như con về quê hồi bé. Tôi và bố đều thấy như vậy nhưng tôn trọng thời cuộc, sự đổi thay và khác biệt tất yếu giữa các thế hệ. Đến nơi nghỉ mát ông không ăn uống được gì nhiều. Một lon bia, ít đồ nhắm, bát soup thế là đủ. Mỗi sáng ông kêu mệt không ăn sáng mà yêu cầu ly cà phê, chút bánh cuốn hay bát phở con. Nhâm nhi điếu thuốc ông ngồi dưới rặng tre xem bọn trẻ đạp xe, đánh cầu lông. Chiều xuống ông hay ngồi ở sân trời tầng 2 nhìn ngắm ra rặng núi phía xa. Ông bảo tôi chỗ này nhiều cây xanh, tao thích quá, có rặng núi xa xa giống núi Phá quê mình. Yêu quê hương, yêu thiên nhiên, yêu ngày xưa của ông cũng lây sang tôi bây giờ. Muốn gần các cháu, chơi và chiêu đãi chúng rồi chỉ còn đủ sức để ngồi tại chỗ nhìn chúng nó chơi. Lúc nằm trên giường bệnh mắt nhắm nghiền với thuốc truyền, mask oxy ông vẫn quan tâm đến ngày sinh nhật của 3 bố con thường tổ chức vào đầu tháng 12, vốn là dịp liên hoan cả nhà mà ông là tài trợ chính. Mắt ông hé mở, thều thào: Không tổ chức sinh nhật cho các cháu nó chơi? Tôi ngậm ngùi: Chờ ông khỏe, chơi mới vui. Ông nhắm mắt và thở dài. Vô vọng quá! Ông không thể khỏe lại, chúng tôi không thể níu kéo ông ở lại thêm với con cháu, thời gian tàn nhẫn đã mang bố tôi, ông của các cháu về một cõi riêng. Ông đã về nơi rất xa, chẳng còn hình hài cùng với tiếng nói và hơi thở, không sờ thấy, chẳng thể chạm vào. Chỉ còn yêu thương của ông sẽ lưu mãi nơi người sống, những kỷ niệm yên bình, hồn thơ, tính cách dí dỏm và thâm trầm.

Mùa thanh minh đã qua! Nhớ tới ông, thỉnh thoảng tôi nhẩm tính xem ông có còn sống theo thuyết của thằng con, có còn được 4 lần được nhắc đến trong một ngày. Thừa và đủ để ông sẽ còn ở với chúng tôi dài dài. Đêm có người ho khạc giống ông quá khiến tôi giật mình nhớ cha, sáng ra tiếng chuông báo thức lanh lảnh - xưa là tiếng gõ cửa kèm lời gọi khẽ khàng của ông “Cương ơi! Dậy đi làm đi”. Khi đi làm về có lúc tôi thử chờ tiếng “chờ tí” kèm theo tiếng lọc cọc mở cổng của ông, đã im bặt hơn 3 năm rồi và chắc là mãi mãi. Cơm tối ai cũng trầm trồ về chiếc muỗng múc canh đã hơn 50 tuổi - có từ ngày ông bà về ở với nhau, thằng con nhìn tôi trong bữa cơm buông lời trêu chọc tôi: Sao ông gày thế mà lại đẻ ra bố béo như “nhợn” thế nhỉ?! Thế là hơn 4 lần rồi!

Thanh minh 2022

Bs Hoàng Cương

312 Go top