Giới thiệu Ngân hàng mắt

1. Lịch sử hình thành và phát triển

Năm 2005, được sự đồng ý của Bệnh viện Mắt Trung ương, tổ chức ORBIS đã tài trợ Dự án nâng cao năng lực điều trị các bệnh lý giác mạc bằng phương pháp ghép giác mạc  (2005-2010). Dự án được thực hiện tại khoa Kết – Giác mạc của Bệnh viện. Trong đó, việc xây dựng một Ngân hàng Mắt để có thể thu nhận đánh giá, bảo quản và phân phối giác mạc từ người hiến trong nước cho các bác sỹ tiến hành phẫu thuật cho các bệnh nhân bị bệnh lý giác mạc cần phải phẫu thuật ghép giác mạc.

Thời kỳ đầu các bệnh nhân được các bác sỹ như PGS Hoàng Minh Châu, BS Phạm Ngọc Đông, BS Lê Xuân Cung tiến hành ghép các giác mạc từ các Ngân hàng Mắt nước ngoài chuyển về theo chương trình của dự án.

Năm 2006, để phục vụ việc xây dựng Ngân hàng Mắt đầu tiên của cả nước bệnh viện đã tuyển 2 KTV để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động, thu nhận đánh giá bảo quản.

Những ngày đầu xây dựng, Ngân hàng Mắt chưa có các trang thiết bị chuyên dụng mà chỉ là những kinh nghiệm khi các bác sỹ đi tham quan các mô hình ngân hàng mắt nước ngoài đem về: tờ rơi, mẫu đăng ký, tranh ảnh… Hai KTV Sơn và Hoàng đã dịch và thiết kế lại các nội dung tuyên truyền vận động sao cho phù hợp với nền văn hóa VN.

Trong thời gian này, 2 KTV còn được chuyên gia Ngân hàng Mắt Mỹ sang hướng dẫn trực tiếp về kỹ thuật thu nhận giác mạc người hiến trên các nhãn cầu và tiến hành thực hành trên mắt lợn.

Cuối năm 2006, KTV Hoàng được cử đi sang Ấn Độ  học về kỹ thuật thu nhận đánh giá bảo quản giác mạc trên người hiến 3 tháng. Ở ngân hàng lúc này tuyển thêm 1 KTV nữa tên Quang.

Sau 3 tháng tập huấn, KTV Hoàng trở về Bệnh viện và đem các kiến thức đã học được chia sẻ với các đồng nghiệp, nhưng vấn đề lúc này là chưa có người hiến. Lãnh đạo bệnh viện, khoa, các bác sỹ cũng đã tư vấn đóng góp ý kiến để các cán bộ ngân hàng Mắt tuyên truyền: tuyên truyền trên báo chí, trên truyền hình, trên đài phát thanh, hội người cao tuổi…. nhưng người hiến giác mạc vẫn chưa có.

Ngày 5-4-2007 sự kiện đánh dấu bước ngoặt cho việc phát triển Ngân hàng mắt sau này đã diễn ra. Sau rất nhiều cách truyền thông khác nhau, đã có 1 cụ bà 83 tuổi ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình đồng ý hiến tặng giác mạc. Đây là chuyến đi lấy giác mạc đầu tiên ở trong nước của cả tổ . Trên đường đi, mọi người đều rất hồi hộp và luôn động viên nhau. Việc thu nhận giác mạc đầu tiên cũng rất khác so với những gì các cán bộ chuẩn bị: Vượt qua hơn 100km xong  Xe cứu thương phải đỗ từ đầu làng, các cán bộ phải mặc thường phục khi vào nhà đám, khi lấy giác mạc giữa trưa hè nhưng các cánh cửa đều đóng kín mít, trong nhà chỉ có tổ công tác cùng đại diện gia đình, đại diện tôn giáo, và vài người nữa. Công việc cũng hoàn thành rất tốt dù lâu hơn dự kiến 1 chút.

Sau ca lấy giác mạc thành công đầu tiên, các cán bộ Ngân hàng Mắt đã tập trung hơn vào việc tuyên truyền bằng cách tổ chức vinh danh, khám miễn phí và mổ miễn phí cho nhân dân địa phương có người hiến tặng giác mạc. Ngay trong năm 2007 đã có 9 trường hợp hiến tặng giác mạc.

Vừa học tập, vừa xây dựng, đến ngày 28-5-2009, Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương đã được Bộ Y tế ra quyết định thành lập – đây là Ngân hàng Mắt đầu tiên trong cả nước.

Ngày 5-2-2010, Bộ Y tế ra quyết định cấp phép cho Ngân hàng Mắt Bệnh viện Mắt Trung ương hoạt động.

Ngân hàng Mắt đã tập trung tuyên truyền thông qua các hình thức như: tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến đăng ký chờ ghép giác mạc, tư vấn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong và các bệnh viện, các tổ hưu trí, truyền thông thông qua các hoạt động khám mổ miễn phí, tập huấn cho các cộng tác viên , tình nguyện viên. Đặc biệt, năm 2012 có sự tham dự của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự trong lễ vinh danh người hiến tặng giác mạc tại Kim Sơn, Ninh Bình.

Trải qua 10 năm hoặt động kể từ khi lấy được giác mạc đầu tiên, Ngân hàng Mắt đã thu nhận được giác mạc của 361 người hiến ở 14 tỉnh thành trong cả nước, tiếp nhận gần1000 giác mạc từ các Ngân hàng Mắt nước ngoài đem ghép cho gần 2000 người bị bệnh mù do bệnh lý giác mạc gây ra. Số lượng người đăng ký hiến tặng giác mạc và đã hiến giác mạc đã tăng lên theo từng năm.

Được giao nhiệm vụ, Ngân hàng Mắt cũng đã tư vấn để lãnh đạo Bệnh viện Mắt Trung ương cùng Bộ Y tế cho thành lập thêm 2 Ngân hàng Mắt trong nước.

2. Đào tạo

Ngân hàng Mắt đã đào tạo được 30 cộng tác viên có thể thu nhận và bảo quản giác mạc, 110 cộng tác viên truyền thông; tập huấn hàng trăm lượt cho các cán bộ là tình nguyện viên, cán bộ chữ thập đỏ

3. Kết quả

Hàng năm Ngân hàng Mắt có thể cung cấp:

Khoảng 150-200 giác mạc từ tất cả các nguồn cho các bác sỹ ghép cho các bệnh nhân.

Sản xuất và đáp ứng từ 200-300 mảnh màng ối cho phẫu thuật.

Nhiệm vụ chính: Tuyên truyền vận động, thu nhận, đánh giá giác mạc từ người hiến trong nước, tiếp nhận giác mạc từ nước ngoài, phân phối giác mạc bảo đảm cho các bác sỹ và các cơ sở chuyên khoa ghép giác mạc cho bệnh nhân. Sản xuất màng ối từ bánh rau phục vụ cho việc ghép màng ối cho bệnh nhân.

Nhân lực hiện nay: có 3 người

4. Khen thưởng

Các phần thưởng cao quý:

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2012.

- Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình năm 2017.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2017.