Giới thiệu - Khoa Glôcôm

 

Ngay từ những ngày đầu thành lập Viện Mắt trung ương (nay là bệnh viện Mắt trung ương), khoa Glôcôm nằm trong khoa B. Từ năm 1973, khoa Glôcôm tách ra thành một khoa riêng biệt và mang tên là khoa Tổng hợp. Ngoài chức năng chính là khám, theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh Glôcôm, khoa còn nghiên cứu điều trị nhiều loại bệnh khác như đục thể thuỷ tinh, bong võng mạc, ghép giác mạc, lắp giác mạc nhân tạo, mổ lấy ấu trùng sán trong dịch kính …


Từ năm 2003, khi Viện Mắt trung ương đổi tên thành bệnh viện Mắt trung ương thì khoa Tổng hợp cũng được đổi lại tên thành khoa Glôcôm như ngày nay.
Hàng năm các bác sĩ trong khoa đã tiến hành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến cải tiến, ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khám và điều trị cho bệnh nhân. Các bác sĩ còn tham gia đào tạo cho các đối tượng đến học tại viện và tham gia nhiệt tình trong công tác chỉ đạo tuyến, cử cán bộ xuống các cơ sở nhãn khoa ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như Sơn la, Lai châu, Hà giang, Bắc cạn, Nghệ An, Bình Phước … góp phần không nhỏ trong sự nghiệp giải phóng mù loà và phát triển chuyên môn cho tuyến dưới.

Các thành tựu khoa học :
Lần đầu tiên tại Việt Nam, phương pháp phẫu thuật mổ lấy thể thuỷ tinh, đặt thể thuỷ tinh nhân tạo đã được GS Nguyễn Trọng Nhân áp dụng tại khoa Tổng hợp vào năm 1978.


Từ cuối năm 1980, GS Nguyễn Trọng Nhân đã đề xuất kỹ thuật phẫu thuật kẹt củng mạc dưới vạt củng mạc. Đây là một kỹ thuật có nhiều ưu điểm như hạ nhãn áp tốt và lâu dài, ít gây tổn thương cho cấu trúc của nhãn cầu vì vậy phương pháp phẫu thuật này đã được các đồng nghiệp ở các nước như Nga, Pháp, Bỉ, Mỹ và Nhật hoan nghênh và ứng dụng.

Từ năm 1983, GS Nguyễn Trọng Nhân và các bác sĩ trong khoa đã tiến hành ghép giác mạc và lắp giác mạc nhân tạo điều trị các trường hợp sẹo giác mạc nặng, đặc biệt những trường hợp bỏng mắt do hoá chất. Kết quả đạt được từ những ca phẫu thuật này đã gây được tiếng vang lớn và đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành Nhãn khoa Việt nam.

Vào những năm 1990, BS Lã Huy Biền và các bác sĩ trong khoa Tổng hợp đã là những người đầu tiên ứng dụng phương pháp mổ lấy thể thuỷ tinh ngoài bao, đặt thể thuỷ tinh nhân tạo và sau đó là phương pháp mổ tán nhuyễn thể thuỷ tinh bằng siêu âm (Phacoemulsification).

Ngoài ra, trong nhiều năm, PGS Trần Nguyệt Thanh, TS Trương Tuyết Trinh, PGS Vũ Thị Thái, PGS. Đào Thị Lâm Hường và các bác sĩ trong khoa  còn tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh. Nhiều nghiên cứu đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển chung của ngành Nhãn khoa như Nghiên cứu chỉ số nhãn áp trung bình của người Việt Nam trưởng thành bằng nhãn áp kế Goldmann; nghiên cứu chiều dày giác mạc của bệnh nhân Glocom; nghiên cứu tốc độ dòng chảy của động mạch trung tâm võng mạc trên mắt bị Glôcôm; nghiên cứu tác dụng hạ nhãn áp của phẫu thuật tán nhuyễn thể thuỷ tinh, đặt thể thuỷ tinh nhân tạo trên mắt glôcôm góc đóng …

Các bác sĩ trong khoa cũng đã ứng dụng những kỹ thuật mổ tiên tiến để điều trị các trường hợp bệnh khó như mổ tán nhuyễn thể thuỷ tinh trên mắt đục thể thuỷ tinh chín trắng, trên mắt có hội chứng giả bong bao hoặc đục thể thuỷ tinh sau viêm màng bồ đào…, mổ tán nhuyễn TTT còn trong hay mổ đặt TTT nhân tạo Phakic để điều trị tật cận thị nặng. Ngoài ra, nhiều tình trạng bệnh lý phức tạp khác cũng đang được nghiên cứu và điều trị có hiệu quả tại khoa Glôcôm như quang đông thể mi và đặt valve trong tiền phòng để điều trị các trường hợp glôcôm “bất trị“  …

Năm 2007, tập thể khoa Glôcôm tiến hành thực hiện đề tài cấp bộ :” Xây dựng hệ thống quản lý bệnh nhân Glôcôm tại một số cơ sở Nhãn khoa “.chủ nhiêm đề tài là PGS.TS Đào Thị Lâm Hường đã góp phần từng bước xây dựng một hệ thống tuyên truyền, phát hiện sớm, quản lý và điều trị toàn diện cho các bệnh nhân bị bệnh Glôcôm, nhờ đó  hạ thấp tỷ lệ mù lòa do căn bệnh nguy hiểm này gây ra. Đề tài đã được nghiệm thu thành công năm 2012.

Trong nhiều năm trở lại đây được sự phân công của Ban lãnh đạo bệnh viện, khoa Glôcôm đã tổ chức thành công thường niên tuần lễ Glôcôm thế giới bao gồm tuyên truyền, khám và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân, nhằm nâng cao nhận thức của bệnh nhân cũng như của cộng đồng về bệnh Glôcôm.

Các trưởng khoa tiền nhiệm:

1. GS Tôn Thất Hoạt
2. GS Nguyễn Trọng Nhân
3. BS CK II  Lã Huy Biền
4. PGS Trần Thị Nguyệt Thanh

5. PGS.TS. Vũ Thị Thái

6. PGS. TS Đào Thị Lâm Hường

 

Trưởng khoa đương nhiệm: TS. Đỗ Tấn

Phó Trưởng khoa: TS. Vũ Anh Tuấn

Điều dưỡng trưởng: CN. Trần Thanh Trúc
Đội ngũ cán bộ hiện nay: 31 cán bộ, 9 BS  biên chế thuộc khoa, 20 điều dưỡng và 02 hộ lý. Ngoài ra còn có 7 bác sĩ biên chế thuộc các phòng ban khác trong viện đến làm việc 50% thời gian tại khoa.
Trình độ: 2 PGS, 05 tiến sĩ,  9 thạc sĩ
Chức năng, nhiệm vụ chính: Khám, phát hiện và điều trị bệnh glôcôm ở mắt (glôcôm bẩm sinh, glôcôm nguyên phát, thứ phát, các hình thái glôcôm phức tạp..).  Tiến hành điều trị phẫu thuật các bệnh lý về mắt khác như: phẫu thuật đục thể thuỷ tinh,  phẫu thuật bong võng mạc, điều trị các bệnh nội khoa như viêm màng bồ đào trước, viêm mủ nội nhãn sau phẫu thuật, viêm mủ nội nhãn nội sinh... Các biến chứng trong và sau phẫu thuật từ các tuyến dưới chuyển lên. Theo dõi và điều trị ngoại trú bệnh nhân sau mổ của khoa, bệnh nhân glôcôm điều trị nội khoa.
Các danh hiệu thi đua khen thưởng:

Tập thể:
- Hai lần được Nhà nước tặng thưởng huân chương lao động hạng ba, năm 1985 và 2005.

- Bộ Y tế tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” năm 2008, 2009

- Bằng khen của Thủ tướng chính phủ năm 2012 và được Bộ Y tế tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”

Nhiều năm liền đạt tổ đội lao động xuất sắc

Cá nhân:
- Anh hùng lao động Nguyễn Trọng Nhân (1985)
- Thầy thuốc nhân dân: GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân và PGS.TS. Trần Thị Nguyệt Thanh.
- BS CK II, Thầy thuốc Ưu tú Lã Huy Biền: Huân chương Quyết thắng hạng I;          Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng III; Huy chương Giải phóng hạng I và hạng II; Bằng “ Lao động sáng tạo “..
- PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Trần Thị Nguyệt Thanh: Huân chương lao động hạng III; Bằng khen của Thủ tướng chính phủ

- PGS. TS . Thầy thuốc Ưu tú Vũ Thị Thái: Bằng khen của Bộ Y tế

- PGS. TS.  Thầy thuốc Ưu tú Đào Thị Lâm Hường: Bằng khen của Thủ tướng chính phủ và của Bộ Y tế

Nhiều cán bộ được nhận huân chương lao động và huy chương vì sức khoẻ nhân dân, và nhiều bằng khen của Bộ y tế, của ngành