Tư vấn dùng thuốc đau mắt trên người cao tuổi

Người gửi: Hoàng Lê Hưng (Đồng Nai)   |   Thời gian gửi: 01/03/2021 07:34
Trong: Các bệnh về mắt   |   Trả lời: 1   |   Lần xem: 11505
Chi tiết câu hỏi
Bác tôi năm nay 88 tuổi, bị bệnh Alzheimer. Vừa qua bác bị đau mắt, mắt ra gỉ mắt màu trắng, mắt bị ướt, chảy nước mắt, đặc biệt bác rất ngứa mắt, liên tục đưa tay lên dụi mắt. Gia đình tôi đã nhỏ nước muối sinh lý cho bác nhưng không có kết quả. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi có thể dùng thuốc gì để nhỏ cho bác. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

TS. BS Hoàng Cương

Trước hết xin được  chia sẻ sự vất vả và kiên trì của gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe cho người già nói chung và chăm sóc mắt nói riêng. Bác đã 88 tuổi, lẫn và mất trí nhớ do Alzheimer, theo phỏng đoán của tôi sẽ gần như không thể tự chăm sóc bản thân do vậy gia đình phải là người thực hiện y lệnh điều trị bên cạnh việc vệ sinh, dinh dưỡng , chăm sóc.

Bác có hai vấn đề tuy không thật tách bạch: ra gỉ mắt và chảy nước mắt. Ra gỉ mắt báo hiệu viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu do vi khuẩn, virus, hiếm hơn là ký sinh trùng. Nếu không phải là đau mắt đỏ, lây lan mạnh do virus Adeno thì với người già vệ sinh kém viêm kết mạc mi mắt do cầu khuẩn cũng rất hay gặp. Trong cả hai trường hợp trên ta đều dùng kháng sinh kết hơp với rửa mắt bằng nước muối sinh lý để điều trị. Có nhiều loại kháng sinh tra nhỏ mắt có thể dùng cho bác như Gentamycine 0.3%, Tobramycine 0.3% , phổ biến hơn dung nạp và ngấm sâu hơn là nhóm Quinolone thế hệ II như Oflovid 0.3%, Quinovid thế hệ mới hơn là Cravit, Vigamox…Sau khi dùng nước muối sinh lý tra nhỏ mắt và lau chùi hết gỉ mắt, chất tiết bạn có thể tra nhỏ một trong các loại kháng sinh trên ngày 4-6 lần. Khi đi ngủ để tránh mất nhiều công sức, vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị bạn có thể tra thuốc mỡ có chứa kháng sinh cho bác như mỡ kháng sinh Tobrex, mỡ Oflovid.

Nước muối sinh lý không có kháng sinh chỉ có tác dụng làm ẩm và rửa trôi tiết tố, cặn bẩn trên  mắt nên không thể là vũ khí chính để điều trị cho bác. Cần hỏi cặn kẽ bác xem có ngứa thực sự không, ngứa nhiều hay ít. Kinh nghiệm lâm sàng là đau mắt có kèm ngứa nhiều thì 85% là các bệnh lý liên quan đến dị ứng, rối loạn miễn dịch. Có khi phải làm xét nghiệm tế bào học, xét nghiệm gỉ mắt để xác định. Khi đó ta phải bổ sung thuốc chống ngứa, chống viêm, chống dị ứng, nước mắt nhân tạo thì mới hy vọng bệnh nhanh lui giảm.

Chảy nước mắt nếu đi kèm còn phải bơm thông thăm dò xem bác có bị tắc hay viêm tắc đường dẫn nước mắt hay không? Đôi khi bệnh nhân chỉ có đau mắt thông thường những do đường dẫn lệ bị viêm tắc nên các biểu hiện trở lên lai rai, xu hướng mạn tính hóa. Ta cần điều trị để đường lệ thông suốt( thông, phẫu thuật, đặt sonde hoặc stent đường lệ) kết hợp với thuốc tra nhỏ mắt để điều trị nhóm nguyên nhân này. Kháng sinh, thuốc chống viêm, chống ngứa dùng đường toàn thân( uống và tiêm) cần được cân nhắc cẩn trọng, nên áp dụng khi điều trị nội trú, khi có hơn hai cơ quan biểu hiện bệnh.

Người nhà nên ngăn chặn động tác gãi hay day dụi mắt vô thức của trẻ em hay người già. Động tác này chỉ làm đỡ ngứa nhưng đôi khi gây nhiều hậu họa: trày xước giác mạc, xuất huyết nông, rách mô lại phải đi cấp cứu.

Rất nhiều bệnh nhân cao tuổi chúng tôi kế đơn kháng sinh Oflovid và rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9% các triệu chứng cải thiện nhanh và khỏi bệnh trong 7-10 ngày. Không được như vậy nghĩa là phức tạp hơn, khi đó bạn nên cho bác đi khám tại bệnh viện chuyên khoa mắt.

Chúc bạn thành công và sớm toại nguyện.

Bs Hoàng Cương

BVMTW

01/03/2021 07:35