Ngày hôm đó tôi sẽ được “ting ting” liên tục, không phải vì tiền đến tài khoản mà là của bạn bè, bệnh nhân, có vô danh và khuyết danh. Người lái đò hay khối dịch vụ chúng ta làm sao mà nhớ hết được, cái Iphone cũng không đủ sức chứa. Xin lỗi tôi đã không thể nhớ hết! Có chăng theo năm tháng hành nghề, cống hiến sẽ luôn đọng lại trong ký ức những bệnh nhân đáng nhớ hoặc không thể quên. Mái tóc muối tiêu mặc dù đã chải thuốc nhuộm, dành nhiều đêm suy ngẫm về quá khứ ngày càng nhiều.
Với tôi nghiệp bác sĩ mắt vừa là số phận xô đẩy, vừa là công rèn dũa và định hướng của người thày, người đồng nghiệp già - bố tôi. Cánh bác sĩ ra trường những năm 90 của thế kỷ trước, nam giới, có sức khoẻ ai cũng mê nghề ngoại sản. Nhìn các thày, các đàn anh ở bệnh viện khối ngoại chúng khoái lắm. Các bác sĩ ngoại ăn to, nói lớn, thuốc lá ngoại hút thả khói mù mịt ở phòng trực cấp cứu (hồi đó không cấm hút thuốc lá trong bệnh viện như bây giờ). Họ làm việc quần quật bất kể ngày đêm, máu me phun vào mặt nhưng những lúc giải lao, vui chơi thì cũng thật là vui: rượu uống tì tì, văng tục chửi bậy thoải mái, đánh bài thâu đêm. Tôi thích làm hết mình, vui hết cỡ…nhiều bác sĩ trẻ, nam giới cũng vậy. Thi trượt nội trú, quan hệ hạn hẹp khiến tôi trôi về viện Mắt với bố. Bố tôi vốn cũng thích tôi theo ngành ngoại nhưng vì tình thế nên cũng chốt cho tôi theo nghề mắt với một câu nhưng chiếc đinh đóng sâu vào bộ nhớ của tôi: nghề mắt ai mổ giỏi sẽ nổi danh và có tiền vì đến 60-70% là điều trị ngoại khoa. Con nếu không đam mê, mắt cận không mổ giỏi thì phải điều trị nội khoa cho tốt nếu không nói là thật tốt... Bố tôi không mổ nhiều, tôi không mù quáng theo ông nhưng cũng mổ ít. Bố tôi chơi violon được, vẽ giỏi, chịu học lắm không thể nói là ông không có tay mổ. Có chăng là gày yếu, bé nhỏ, đêm chỉ ngủ vài tiếng thay vào là viết lách, đọc sách, đun nấu thuốc Nam lạch cạch. Công việc, sự nghiệp trầm lắng cho đến lúc nghỉ hưu. Khi có tôi theo học nghề ông kèm cặp tôi đủ phương diện: kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề. Hồi đó chưa có 12 điều Y đức cũng không có môn học dạy yêu nghề. Tự tôi thấy yêu bệnh nhân rồi sau đó là yêu nghề. Nhìn bố chăm sóc bệnh nhân tôi cảm nhận ông cũng yêu nghề này lắm. Từ tình yêu nghề sang đến hành nghề tốt, hiệu quả còn có khoảng cách khó lấp kín. Chẳng có gì khác ngoài học tập, có ngoại ngữ sẽ giúp ta học sâu rộng hơn, kiên trì thực tiễn, duy trì đam mê công việc sẽ lấp kín khoảng trống đó. Kinh nghiệm nữa, có được nhờ tuổi nghề hay chính là tuổi thọ của ta?
Ai đó đã dạy ông, rồi ông lại bảo tôi: phải chịu học, không được dấu dốt con ạ. Ông mất đi rồi sau giỗ 3 năm tôi dọn dẹp lại sách vở của ông. Sổ tay ghi chép có hình vẽ, nhiều tờ giấy nhỏ lẻ ghi chú về bệnh về kiến thức, sách chuyên môn, sách tiếng Anh- tiếng Pháp đặc biệt là cả atlas tiếng Pháp vốn rất đắt và bây giờ vẫn đắt…Ông đã chịu học, chịu mua sách bao nhiêu năm trời? Tôi hoảng sợ khi mới vào nghề vì thấy nghề mắt lại có các chuyên khoa, bậc học thì mãi không hết…năm tháng kèm theo mái đầu bạc cũng giúp ta nắm được kha khá các vấn đề trọng yếu. Không thể nhớ hết nhưng học- tra cứu- so sánh- đúc kết sẽ giúp ta không thể quên những vấn để cốt lõi và sinh tử. Nói như ai đó một cách duy lý sách luôn là bạn tốt và không biết phản bội, rộng hơn là kiến thức
Tận tâm vì công việc, cúi xuống với người bệnh. Bản ngã của tôi không hợp với điều này lắm nhưng theo bố lâu năm tôi cũng thấm dần. Trước bệnh nhân nên trùng giãn thần kinh xuống, bỏ hết uế tạp bên ngoài, để ý chăm sóc họ. Lúc đó trí tuệ sẽ lên được cao nhất, quyết định là sáng suốt nhất, hiệu quả đương nhiên là tốt nhất. Như luật nhân quả, ai đó phải mổ nhanh để còn đón con thì cuộc mổ không thể tốt. Không chịu nghe bệnh nhân trình bày cũng có thể bỏ sót thông tin, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Hãy lắng nghe người bệnh, giảm thiểu quát mắng, trịnh thượng?!
Kinh nghiệm lâm sàng là vốn quí. Kinh nghiệm sẽ thành điều cốt tử nếu ta quay lại soi sáng bằng lý thuyết, sách vở. Tôi rất thích ông thày dạy lái xe ở câu: phải tinh ý, tôi không thể dạy hết…nhưng thấy một trái bóng lăn ra đường thì phải biết một đứa bé có thể chạy theo nó để xử lý kịp thời. Đấy chính là kinh nghiệm lâm sàng đối với cánh bác sĩ! Nghề nghiệp của chúng ta có biết bao tình huống, ca bệnh cần kinh nghiệm và quyết đoán sáng suốt…bệnh nhân sẽ qua khỏi, chúng ta sẽ gặt hái thêm thành công.
Mấy chục năm với những trồi sụt của lương bổng, chính sách. Môi trường làm việc từ lúc còn thiếu thốn đến khi tiện nghi và sạch sẽ, cuộc sống vốn vui ít buồn nhiều làm sao để giữ lửa trong lòng tiếp tục làm tốt công việc? Đó là tình yêu và đồng cảm với người bệnh. Nỗi đau và thương cảm từ ngày đầu vào nghề, cùng bố khám một cháu bé mù bẩm sinh: “con chào bác sĩ đi” bố cháu ra lệnh, nó chớp chớp đôi mắt mờ đục rồi phân trần “nhưng bác sĩ ở đâu” vẫn nguyên vẹn bây giờ. Có chăng nó đã chuyển cho nhiều người bệnh khác, nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh. Mãi không quên cậu thanh niên mù Leber gọi điện rầu rầu thông báo cháu không còn nhìn được gì nữa rồi bác ạ, cô gái giang hồ vào phòng cấp cứu có khuôn mặt đẹp xinh nhưng con mắt lép xẹp - đầy máu do chủ bảo kê chọc chai bia vào, em kỹ sư bách khoa teo thị thần kinh sau mổ não hân hoan nhắn tin: em kiếm được việc massage ở hội người mù rồi - đông khách anh ạ -em biếu anh niêu cá làng Vũ Đại để ăn Tết…Còn ai nữa, tất nhiên nhiều người qua tay tôi đã tìm được ánh sáng, đấy chính là phúc lộc làm nghề của tôi, sang bạn nghề khác cũng sẽ vậy. Họ quên tôi - tôi quên họ, xin phép được lượng thứ!
Tôi để cây đàn, mấy cuốn sổ ghi chép, tủ sách thu gọn, bộ đồ khám mắt trong phòng thờ bố, thêm phong bì có chút tiền tiết kiệm ông dặn để dùng cho giỗ của mình, đến đời các cháu không giỗ thì thôi, ông dặn vậy. Ngày 27/2 to tát hay ý nghĩa rồi sẽ kết thúc vào ngày 28/2. Hãy dốc sức làm việc cống hiến, nuôi giữ tâm hồn trong sạch, có trái tim yêu thương và bao dung con người để làm một công dân tốt, người bác sĩ tốt, người cha- người ông tốt. Cha đồng ý thế nhé!
Bs Hoàng Cương