Chúng tôi quen nhau qua một kết nối tin cậy, đó là chị gái tôi. Rồi mọi chuyện cũng rất tự nhiên, hợp duyên, hợp lẽ qua gần một năm tìm hiểu đám cưới đã được định ngày. Bố vợ tôi mừng lắm vì có rể biết uống rượu, làm ngành y, lại không bị mất đi họ Hoàng của ông (vợ tôi là con một). Câu chuyện giữa hai ông bố, bố vợ và bố đẻ luôn xoay quanh giới văn thơ, những câu chuyện buồn rũ của quá khứ. Bố vợ tôi là anh em kêt nghĩa với nhà thơ Xuân Diệu, gần gũi với Huy Cận…Bao nhiêu biến cố, điển tích của giới nhà thơ nhà văn đều được ông chia sẻ cho bố đẻ tôi. Tuy là bác sĩ nhưng yêu âm nhạc, văn thơ bố đẻ tôi luôn hào hứng và thỏa mãn mỗi khi hai cụ gặp nhau, thường là dịp giỗ Tết, sinh nhật các cháu. Ông chăm sóc mắt cho Văn Cao, hay qua chơi với Huy Du vốn nhà gần với Viện Mắt Trung ương. Một là nhà thơ - nhà văn có chút danh phận, hội viên hội Văn học nghệ thuật Hà nội. Một là bác sĩ có chút tâm hồn. Cả 2 đều con địa chủ, mồ côi mẹ sớm, thiệt thòi khốn khó suốt chiến tranh, hậu chiến rồi thời bao cấp…Mỗi lần gặp nhau hai cụ đều vui, chuyên trò khó dứt. Người chủ động dứt chuyện luôn là bố vợ tôi vốn ăn to- nói lớn đầy chất Nghệ An, ngồi không yên, tuổi ngựa nên chỉ thích ra đường, ông tự nhận như vậy. Bố tôi thì gày yếu, trầm lặng, nghiện thuốc lá nặng. Ông không đàm tiếu nhiều về bất cứ ai, với ông thông gia cũng vậy. Chỉ có hai điều răn tôi về nhà ngoại mà tôi sẽ đem theo cả đời. Một là ông bà yêu cháu, chăm sóc đến hết đời cho các cháu, con phải cư xử với bố mẹ vợ cho phải phép. Thơ của ông ngoại không thật hay nhưng đầy tình người, như tự xự của cuộc đời bằng thơ. Tôi đã cố gắng nhớ lời bố, làm theo lời bố. Thơ của bố vợ tôi chẳng nhớ trọn được bài nào. Ông không gieo vần như người khác mà là thơ thể tự do. Thể lục bát, thất ngôn bát cú như tôi được học ngày xưa, có vần điệu, dễ thuộc, dễ nhớ ông chỉ có vài bài. Thế nhưng bài bố vợ tặng riêng cho tôi như một lời khen, cám ơn trước khi vĩnh biệt cuộc đời thì tôi có nhớ:
“ Trời cho con rể rất hiền
Làm nghề bác sĩ vừa chuyên vừa hồng
Nói năng tiết kiệm vô cùng
Ít lời, hay việc tấm lòng bao dung….
Nghĩ cho thấm thía sâu xa
Khách mà như thế thật là đáng khen”
Bố đẻ mất làm tôi ngẩn ngơ mất vài năm. Nỗi nhớ cuộn lên vào mỗi dịp lễ tết, ngày giỗ, khi đồ dùng hàng ngày của ông đập vào mắt, khi ai đó nhắc về ông. Chấp nhận chia tay người thân là điều phải làm nhưng không bao giờ không bao giờ dễ dàng và ta sẽ chẳng thể nào quên được họ. Mãi rồi tôi cũng phải chia tay người bố thứ 2, người thích rượu ngon, yêu hoa…giống tôi. Ông nhập viện với lý do vớ vẩn là ngã ngồi trong nhà tắm, tưởng là có thể ra viện sau vài ngày. Thế mà không có ngày ra viện và phải ra đi mãi mãi vì tuổi cao, nhiều bệnh nền, ung thư tái phát. Mấy tuần trong bệnh viện của ông nghĩ lại như một giấc mơ: ngắn ngủi, bàng hoàng, tuyệt vọng vì sức khỏe xấu đi từng ngày. Thìa nước cam, miếng bánh tôi bón cho ông chỉ loáng thoáng kiểu đúng phận con rể. Ông nhớ quê hương vật vã, gọi mọi người ra thăm. Bạn thơ, bạn già biết có vẻ đây là chặng cuối của nhà thơ - thương binh - nhiều bệnh tật này…Họ lặng lẽ thăm ông, cùng ông khóc và nhận được lời hứa là khi chết sẽ phù hộ cho họ. Ông đa cảm, đa đoan, bồng bột như ai đó đã nhận định về các thi sĩ nói chung. Ông sợ chết đến cuống cuồng, hối hả dặn dò, chăng trối rồi chìm vào hôn mê sau đó là rời xa cõi tạm này. Điều này trái ngược với bố tôi khi tôi nắm bàn tay gày gò, lạnh lẽo của ông. Vài câu thì thào nhưng đau thấu tâm can: chắc cũng phải chết thôi con ạ, chỉ hai ngày là xong… rồi chẳng nói gì thêm…mãi mãi. Jean Piere ông bố nuôi người Pháp là người chia tay tôi nhẹ nhàng và mãn nguyện nhất. Hai lần ông ngất đổ vật bên tôi, được tôi cho uống nước gừng và bấm huyệt, tỉnh dậy rồi mỉm cười: Mày phải ở đây chữa bệnh cho tao. Làm sao tôi có thể ở bên ông mãi được, dẫu biết là được làm con nuôi ông trong kiếp này là một đặc ân đầy hạnh phúc. Ông líu rúi chia tay tôi ở sân ga, hổn hển: chúa sắp gọi tao về với Người rồi… nhưng ông sẽ sống mãi trong tim tôi, tôi trả lời ông như vậy. Tôi khuyên ông đi khám bác sĩ ngay nhưng ông mỉm cười: họ còn đang đi nghỉ. Nước Pháp của ông là như vậy. Ba ngày sau ông đổ gục, lần này không tỉnh lại được nữa, không cần một ngày nằm viện.
Trên thiên đàng, những người tốt sẽ gặp nhau. Kẻ xấu cũng vậy. Tôi rất tin như vậy cho dù không phải là người theo đạo. Ba người bố trong đời tôi: bố nuôi người Pháp Jean Piere, bố đẻ, rồi bố vợ ra đi lần lượt. Mỗi người mang đi của tôi một miền ký ức, một phần ba nỗi ham sống, buồn rũ và tràn ngập nhớ nhung mỗi khi cơn gió đầu đông tràn về, năm nào cũng vậy. Họ đã gặp nhau trên thiên đường, sẽ kể chuyện về nhiều về tôi, đứa con chung của họ…Phía tôi, tôi thật hạnh phúc khi làm con của mọi người, Chúng ta chia xa nhưng vẫn sống bên nhau như ngày xưa, bình yên và vĩnh viễn, trong trái tim và ký ức trọn đời./.
Bs Hoàng Cương