Chương V: Thời kỳ đổi mới giai đoạn 1997 - 2007 

Một số khoa phòng như Kết giác mạc, Chấn thương, bệnh nhân luôn phải nằm ghép. Chính vì vậy, từ năm 1998 Viện đã làm luận chứng xin phép được cải tạo cơ sở vật chất. Tháng 8/2000, chúng ta đã khởi công xây dựng khối nhà khám và nghiệp vụ. Viện phải thuê khu nhà số 4 phố Hồ Xuân Hương (của Bộ Ngoại giao) và nhà 27 phố Bùi Thị Xuân (của tư nhân) làm phòng khám và khu điều trị kỹ thuật cao. Được một thời gian khu nhà số 4 phố Hồ Xuân Hương có độ lún quá mức và nghiêng, Viện di dời phòng khám về 16 phố Bùi Thị Xuân đây nguyên là khách sạn 9 tầng. Viện có thể bố trí được cả phòng khám, phòng mổ và trở thành khu bán công hoạt động rất hiệu quả cho đến hết năm 2006.

Chương V

THỜI KỲ ĐỔI MỚI GIAI ĐOẠN 1997 – 2007.

I. CƠ SỞ VẬT CHẤT:

Về phía Viện, bệnh nhân đến khám ngày một đông, cơ sở chật chội và luôn quá tải.

Một số khoa phòng như Kết giác mạc, Chấn thương, bệnh nhân luôn phải nằm ghép. Chính vì vậy, từ năm 1998 Viện đã làm luận chứng xin phép được cải tạo cơ sở vật chất. Tháng 8/2000, chúng ta đã khởi công xây dựng khối nhà khám và nghiệp vụ. Viện phải thuê khu nhà số 4 phố Hồ Xuân Hương (của Bộ Ngoại giao) và nhà 27 phố Bùi Thị Xuân (của tư nhân) làm phòng khám và khu điều trị kỹ thuật cao. Được một thời gian khu nhà số 4 phố Hồ Xuân Hương có độ lún quá mức và nghiêng, Viện di dời phòng khám về 16 phố Bùi Thị Xuân đây nguyên là khách sạn 9 tầng. Viện có thể bố trí được cả phòng khám, phòng mổ và trở thành khu bán công hoạt động rất hiệu quả cho đến hết năm 2006.

Đến năm 2003 cơ bản hoàn thành hai khối nhà 7 tầng. Khi đó Viện có cảnh quan khá khang trang, có vườn, có cây, có gara ô tô, có ghế đá cho bệnh nhân ngồi. Từ năm 2003, Viện đã có dự án nâng cấp phòng mổ cũ thành khu làm việc cho khoa bán công, đến năm 2006 mới được duyệt và đến 2007 chúng ta mới bắt đầu khảo sát và chỉ sau 2 năm nữa thôi, Viện sẽ lại có khối nhà 12 tầng. Tuy vậy, khu nhà 16 phố Bùi Thị Xuân là 1 khách sạn cũ, thang máy luôn hỏng hóc. Viện phải quyết định chuyển toàn bộ khu bán công vào trong Viện. Các khoa phòng phải sắp xếp lại chỗ làm việc, sắp xếp lại khu điều trị. Phía phố Trần Nhân Tông trước đây cho một số cơ sở thuê nay chấm dứt hợp đồng để sửa sang lại phục vụ cho công tác chuyên môn. Từ năm 1999, Viện đã được Bộ Y tế đồng ý cho đi tìm đất để xây dựng cơ sở 2 với ý đồ cơ sở hiện nay sẽ là nơi giành cho đào tạo, giảng dạy, một phần cho phòng khám và điều trị ngoại trú, còn cơ sở 2 sẽ là 1 bệnh viện hiện đại hoàn chỉnh ngang tầm khu vực.

II. PHÁT TRIỂN KỸ THUẬT CAO VÀ CHUYÊN SÂU KẾT HỢP VỚI ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC:

- Lĩnh vực thể thuỷ tinh: Từ năm 1995, khi phẫu thuật mổ thể thuỷ tinh ngoài bao đặt thể thuỷ tinh nhân tạo bắt đầu phát triển, phẫu thuật tán nhuyễn thể thuỷ tinh bằng siêu âm (Phaco-emucification) cũng bắt đầu vào Việt Nam. Ở Viện Mắt lúc đầu chỉ có 1 máy phaco của viện trợ Nhật bản (1994), sau đó Viện đã tìm cách liên doanh với các hãng đặt máy ở khu vực bán công cũng như ở trong Viện. Chỉ trong khoảng 5 năm (từ năm 1995 đến 2000) phẫu thuật Phaco đã phát triển rất nhanh, với ưu thế đường rạch nhỏ, thị lực phục hồi nhanh, mặc dù kinh phí cao nhưng được nhiều bệnh nhân lựa chọn.  Nhiều bác sỹ trẻ và hầu hết các phẫu thuật viên của Viện đã thành thạo kỹ thuật mới, đi đào tạo cho các bác sỹ ở tỉnh khác (Bs. Nguyễn Xuân Hiệp, Bs. Cung Hồng Sơn....). Rất nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực này được tiến hành dưới dạng các đề tài của cao học, nghiên cứu sinh. Khi mới triển khai, phẫu thuật, chỉ được áp dụng trên những hình thái đục thể thuỷ tinh già đơn thuần, nhân mềm. Sau này các nghiên cứu trên các hình thái đục thể thủy tinh chín trắng, đục thể thuỷ tinh do viêm màng bồ đào, đục thể thuỷ tinh do chấn thương, đục thể thuỷ tinh ở trẻ em ... Ngoài ra các hãng cũng tích cực cải tiến đưa các công nghệ mới vào như phaco lạnh, phaco 2 tay ... Có lẽ đây là một lĩnh vực lôi kéo được sự quan tâm nhiều nhất của các bác sỹ nhãn khoa cũng như của xã hội do số lượng bệnh nhân bị đục thể thuỷ tinh khá nhiều và đây cũng là một trong những động lực làm cho số bệnh nhân mổ thể thuỷ tinh tăng cao.

- Trong lĩnh vực khúc xạ : phải nói đến phẫu thuật Lazer Excimer điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị. Năm 2000, Viện ta có máy lazer Excimer đầu tiên của Việt nam do liên doanh với Công ty Vimedimex II (Scan 197) sau đó, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh khác cũng bắt đầu phát triển. Bệnh nhân phần lớn là học sinh, sinh viên do không muốn đeo kính. Cho đến nay riêng ở Viện số bệnh nhân được phẫu thuật gần 20.000 trường hợp.

Có 3 đề tài cấp tiến sỹ được tiến hành với 3 lĩnh vực khúc xạ khác nhau: cận thị, viễn thị và lệch khúc xạ (Bs. Nguyễn Xuân Hiệp, Bs. Cung Hồng Sơn, Bs. Lê Thuý Quỳnh). Năm 2005 Viện lại thay thế hệ máy mới của hãng NIDEK  nên thị lực phục hồi nhanh và ổn định. Các biến chứng như nhăn vạt, xuất huyết kết mạc ... gặp rất ít. Vì vậy bệnh nhân đến càng đông.

- Trong lĩnh vực các bệnh dịch kính võng mạc, bệnh đáy mắt : nhiều kỹ thuật được phát triển mạnh mẽ. Đây là 1 lĩnh vực khó, Viện đã đầu tư khá nhiều máy móc như máy cắt dịch kính, lazer nội nhãn, máy nội soi ... Hầu hết các bác sỹ ở khoa Đáy mắt được đào tạo ở nước ngoài: Bs. Phương, Bs. Thắng, Bs. Sơn, Bs. Nhất Châu.... Viện còn mời nhiều chuyên gia của Mỹ, Canada, Nhật bản tới Viện để đào tạo, trao đổi kinh nghiệm. Nhiều đề tài NCKH đã được thực hiện như cắt dịch kính điều trị xuất huyết dịch kính-võng mạc, bóc màng trước võng mạc, cắt dịch kính trong phẫu thuật bong võng mạc. Đặc biệt để giúp cho điều trị và chẩn đoán, Viện cũng đã đầu tư máy cắt lớp võng mạc (OTC). Nhiều bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời (glôcôm, bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch, một số bệnh của võng mạc và hoàng điểm ...). Các nghiên cứu sâu về hình ảnh cắt lớp võng mạc trong một số bệnh như: tiểu đường, phù hoàng điểm đang được các cán bộ của Viện thực hiện. Trong giai đoạn hiện nay bệnh võng mạc do đái tháo đường được đặc biệt quan tâm. (theo Viện nội tiết ở Hà nội, tỷ lệ bệnh nhân bị đái tháo đường tới 2% dân số). Các nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh này được triển khai tương đối rầm rộ từ chẩn đoán (nghiên cứu hình ảnh chụp mạch huỳnh quang, OTC) đến cắt dịch kính, cắt màng tăng sinh. Tuy nhiên do bệnh nhân khi đến ở giai đoạn muộn nên kết quả điều trị rất hạn chế. Vì vậy, cần thiết phải tuyên truyền cho bệnh nhân đái tháo đường đi khám định kỳ và bệnh võng mạc tiểu đường phải được phát hiện ở giai đoạn sớm. Năm 2006, Viện đã triển khai một đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Ứng dụng các phương pháp chẩn đoán sớm bệnh lý võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường và kết quả điều trị” do PGS. Hoàng Thị Phúc làm chủ nhiệm :

- Trong lĩnh vực bệnh mắt trẻ em : chúng ta còn rất thiếu cán bộ về mắt trẻ em. Chỉ có ở Viện là có khoa mắt trẻ em tương đối hoàn chỉnh. Sau đó là thành phố Hồ Chí Minh, còn ở những nơi khác khi có bệnh Viện Mắt được thành lập thì mới có khoa Mắt trẻ em như: Hà nội, Đà nẵng, Huế ..., còn hầu hết không có chuyên khoa riêng. Vì vậy cán bộ không chuyên sâu. Nhiều bác sỹ của khoa Nhi đã được đào tạo ở Mỹ như: Bs. Thuỷ, Bs. Xuân, Bs. Tịnh, Bs. Ngọc, Bs. Quỳnh, Bs. Hương.... Đặc biệt trong lĩnh vực trẻ đẻ non, nhờ có điều trị laser đúng thời điểm mà hàng trăm trẻ đã thoát khỏi cảnh mù loà. Bs. Nguyễn Xuân Tịnh là người đầu tiên được học sử dụng lazer trong điều trị bệnh võng mạc trẻ đẻ non ở Việt nam , đang làm luận án tiến sỹ về vấn đề này và đã đào tạo các bác sỹ ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở các nơi khác. Hiện nay, chúng ta đang tiến hành thiết lập một hệ thống khám sàng lọc trẻ đẻ non ở Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh và sẽ triển khai ở một số thành phố khác như: Hải phòng, Nam định, Thái nguyên... và đây cũng là một đề tài nghiên cứu cấp Bộ do PGS. Trần An (hiện là Phó Giám đốc) chủ nhiệm đề tài. Các lĩnh vực khác liên quan đến trẻ em như khác xạ, lác, glôcôm bẩm sinh, sụp mi cũng có nhiều đề tài nghiên cứu được thực hiện như điều trị nhược thị do lệch khúc xạ, do viễn thị, phẫu thuật điều trị lác liệt... Các phương pháp điều trị sụp mi. Đặc biệt bệnh viêm nội nhãn, một bệnh nặng mới xuất hiện nhiều ở trẻ em, khoảng 15 năm trở lại đây đã được nghiên cứu cắt dịch kính, đưa kháng sinh vào nội nhãn.

- Trong lĩnh vực glôcôm: thì glôcôm người trẻ, glôcôm tái phát nhiều lần được đặc biệt lưu ý. Các nghiên cứu về phẫu thuật cắt bè củng giác mạc phối hợp với áp 5F.U Mitomicin, tiêm 5F.U dưới kết mạc, cắt củng mạc sâu được tiến hành nghiên cứu giúp cho hướng điều trị các hình thái khó của glôcôm. Các nghiên cứu sử dụng lazer trong glôcôm cũng được triển khai như laser cắt mống mắt chu biên , laser vùng bè, laser tác động vào thể mi điều trị những hình thái nhãn áp không điều chỉnh.

Ths. Vũ Anh Tuấn đang tiến hành đề tài tiến sỹ “Nghiên cứu ứng dụng phương pháp quang đông thể mi bằng laser Diot 810 mm trong điều trị glôcôm đã phẫu thuật lỗ dò nhiều lần thất bại và glôcôm tân mạch”. Rất nhiều bệnh nhân đến Viện muộn, mặc dù được điều trị phẫu thuật nhưng vẫn chịu cảnh mù loà. Vì vậy phải phát hiện sớm, theo dõi bệnh nhân lâu dài, khoa glôcôm đang tiến hành một đề tài nghiên cứu cấp Bộ với tên đề tài: “ Xây dựng hệ thống quản lý bệnh nhân glôcôm  ở một số tuyến cơ sở nhãn khoa” do TS. Đào Lâm Hường làm chủ nhiệm.

- Trong lĩnh vực kết giác mạc: năm 2002 GS. Kanai (Trưởng khoa Mắt của trường Đại học Juntendo, Nhật bản) đã kết hợp với khoa kết giác mạc, trưởng khoa là PGS. Hoàng Minh Châu (nay là Phó Giám đốc) nghiên cứu về biến đổi gen của những bệnh nhân bị loạn dưỡng giác mạc di truyền. Sau nghiên cứu đã có 7 bài báo đăng trên các tạp chí tên tuổi của nhãn khoa thế giới. Ghép giác mạc đã tăng dần về số lượng, về chất lượng. Nguồn giác mạc vẫn là vấn đề nan giải. Đây cũng là vấn đề trăn trở trong nhiều năm, nguồn giác mạc ở các bệnh viện hầu như ngừng hẳn do chưa có luật về hiến mô, tạng. Hơn nữa nhiều bệnh lây lan như HIV, viêm gan B nếu lấy giác mạc không rõ nguồn gốc vì vậy trong một thời gian dài chúng ta chỉ dựa vào nguồn giác mạc của GS. Ladinsky (Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác khoa học Mỹ-Việt) tặng và một số mắt chấn thương bị khoét bỏ mà còn giữ được giác mạc. Với ý đồ thành lập ngân hàng mắt đã lâu, chúng ta đã cử người đi thăm quan tìm hiểu vấn đề này. PGS. Hoàng Minh Châu đã đi Mỹ đến một số ngân hàng Mắt của Mỹ, cũng như sau này sang Ấn độ tìm hiểu tình hình để thành lập Ngân hàng Mắt ở Việt nam. Đến năm 2005 chúng ta bắt đầu thành lập Ngân hàng mắt ở khoa Kết giác mạc,

Sau này, chúng ta có thêm nguồn giác mạc của tổ chức ORBIS, một số nghiên cứu đang được tiến hành dưới dạng các đề tài của các nghiên cứu sinh như đề tài: “Nghiên cứu điều trị viêm loét giác mạc nặng bằng phẫu thuật ghép giác mạc” của Ths. Phạm Ngọc Đông, “Nghiên cứu điều trị loạn dưỡng giác mạc bằng phẫu thuật ghép giác mạc” của Ths. Lê Xuân Cung. Đến 1/7/2007 khi luật ghép mô tạng có hiệu lực, Ngân hàng mắt đã có những giác mạc đầu tiên của người Việt nam tự nguyện hiến để ghép cho bệnh nhân. Nhiều bệnh của kết giác mạc được nghiên cứu như loét giác mạc do Acanthameba, do nấm, đặc biệt có những nghiên cứu sâu hơn về ghép tế bào nguồn, ghép màng ối điều trị bỏng.... Hiện nay, khoa kết giác mạc đang kết hợp với Bộ môn mô học trường Đại học Y Hà nội tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về tế bào nguồn. Một bệnh rất hay gặp ở nước ta là mộng thịt, phẫu thuật ghép kết mạc tự thân điều trị mộng đã có hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ tái phát ít. Hiện nay khoa kết giác mạc đang tiến hành đề tài cấp Bộ để chuyên giao công nghệ cho các tỉnh, đề tài này do PGS. Hoàng Minh Châu chủ nhiệm .

- Trong lĩnh vực chấn thương: phẫu thuật cắt dịch kính được phát triển đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, cắt dịch kính đã trở thành một phẫu thuật kết hợp với điều trị lấy dị vật nội nhãn, bong võng mạc chấn thương, xuất huyết dịch kính do chấn chương... Những nghiên cứu đã chứng tỏ rằng phẫu thuật cắt dịch kính đã ngăn chặn những biến chứng lâu dài như: tạo thành các màng xơ, bong võng mạc do co kéo... Trong điều trị và xử lý các u mi, u hốc mắt cũng đã có nhiều nghiên cứu, các Bs là nam giới trẻ khoẻ đã được đào tạo để thay thế Bs. Hợi, Bs. Đợi, đó là Bs. Quốc Anh, Bs. Thành.... Nhiều chuyên gia của Mỹ, của Canađa đã được mời đến để giúp chúng ta trong lĩnh vực này. Bs. Nguyễn Quốc Anh đang làm luận văn Tiến sỹ với đề tài: Nghiên cứu sử dụng sụn kết mạc trong tạo hình mi sau cắt bỏ ung thư mi.

Hầu hết những công trình nghiên cứu kể trên của Viện và của ngành đều đăng trên Nội san Nhãn khoa,sau này từ năm 2005 được phép nâng cấp lên thành Tạp chí Nhãn khoa.Cả 2 báo đều được phân phối miễn phí tới các hội viên cả nước để anh em có tài liệu cập nhật kiến thức và theo rõi được những thành tựu,những kinh nghiệm chung của toàn ngành. Riêng hội Nhãn khoa TP HCM xuất bản thêm “Bản tin nhãn khoa” cũng rất phong phú tư liệu để thông tin được nhanh chóng.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện và ngành Mắt, GSTS Nguyễn Trọng Nhân cho xuất bản Tuyển tập các công trình nghiên cứu qua những bài báo đã đăng những năm trước đây. Qua 2 tập anh em biết thêm những tư liệu quý về chiến lược và các biện pháp về phòng chống mù loà ở nước ta,những kinh nghiệm khám chữa các bệnh giác mạc và ghép giác mạc, glôcôm, catarăct, dịch kính,bong võng mạc,chấn thương, ấu trùng sán lợn và giun sống ở mắt,ứng dụng interféronogène (một cơ chế miễn dịch không đặc hiệu) trong phòng chữa bệnh mắt do virút,phòng chống khô mắt do thiếu vitamin A,vv…Một số đề tài đã được phát triển thành nội dung luận án của những nghiên cứu sinh đầu tiên trong nước (Lê Hoàng Mai,Hoàng Minh Châu).Tuyển tập gợi lại cho anh em trẻ những kỷ niệm về một thời gian khổ nhưng oanh liệt trong giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, những thành quả khoa học nhờ có tinh thần dám nghĩ dám làm và đầu óc sáng tạo của con người VN trong hoàn cảnh muôn vàn khó khăn.

- Trong công tác đào tạo: Viện kết hợp chặt chẽ với trường Đại học Y Hà Nội trong công tác đào tạo. Bản thân đ/c Giám đốc kiêm Chủ nhiệm Bộ môn mắt, nhiều cán bộ của Bộ môn tham gia vào các vị trí trọng trách của các khoa phòng: PGS. Phạm Khánh Vân phó chủ nhiệm Bộ môn nay kiêm trưởng khoa Kết giác mạc, Thạc sỹ Vũ Anh Tuấn là giáo viên Bộ môn đồng thời là phó trưởng khoa Glôcôm.

Các hình thức đào tạo cũng rất đa dạng: Hàng năm có 4-5 nghiên cứu sinh làm luận án; khoảng 15 cao học, mỗi năm có 2 bác sỹ nội trú. Các lớp chuyên khoa II mỗi năm có từ 5- 7 học viên; Lớp chuyên khoa I có đến 30-40 học viên hàng năm. Chuyên khoa định hướng mỗi năm đào tạo một lớp, khoảng 50 học viên. Các lớp điều dưỡng chuyên khoa mắt đào tạo 1-2 khóa/năm và mỗi khoá từ 50 – 60 học viên. Ngoài ra nhiều bác sỹ từ các địa phương đến học theo những chuyên đề. Các bác sỹ trẻ về học tại Bệnh viện được đi luân khoa và có điều kiện học toàn diện.

Ngoài đào tạo trong nước, nhiều bác sỹ trẻ Bệnh viện đã được đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài. Một trong những chương trình tốt đó là chương trình đào tạo FFI. Các bác sỹ trẻ sau khi được bồi dưỡng về tiếng Pháp được đi học tập và thực hiện chức năng nội trú bệnh viện ở Cộng hoà Pháp. Tất cả những bác sỹ đã qua đào tạo FFI đều phát huy tốt trong công tác và là những bác sỹ giỏi.

Đối với khối điều dưỡng, trong những năm gần đây cũng được cử đi học tập tại Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác…

Hàng năm thường xuyên có nhiều bác sỹ đi tham dự các hội nghị nhãn khoa quốc tế: Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Nhật Bản… Nhiều chuyên gia giỏi từ các nước khác nhau đến làm việc, giảng dạy tại Bệnh viện, giúp cho các bác sỹ có điều kiện tiếp xúc làm việc và nâng cao trình độ chuyên môn, cũng như ngoại ngữ.

Để phục vụ cho công tác đoà tạo- nghiên cứu, Thư viện Bệnh viện thường xuyên cung cấp báo chí, tạp chí chuyên ngành, sách vở và các phương tiện khác hỗ trợ. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Orbis, Trung tâm Hội chẩn và nghe nhìn từ xa được thành lập, bao gồm 1 phòng Wet lab giúp cho các bác sỹ có điều kiện thực hành phẫu thuật, 1 phòng Telemedcine dành cho các bác sỹ có điều kiện trao đổi, hội chẩn với các đồng nghiệm có kinh nghiệm trên thế giới. Trao đổi nhiều nhất là bác sỹ Đỗ Quang Ngọc (khoa Mắt trẻ em) và đã được mời đi Mỹ học 3 tháng.

Để tăng cường trình độ ngoại ngữ, Bệnh viện đã tổ chức nhiều lớp dạy ngoại ngữ cho các đối tượng, với các trình độ khác nhau, luôn quan tâm và động viên cán bộ tích cực học tập nâng cao trình độ. Từ giữa năm 2006, hàng tuần vào chiều thứ tư, Bệnh viện duy trì sinh hoạt khoa học, trao đổi chuyên môn bằng tiếng Anh. Chương trình rất thiết thực và đã thu hút đông đảo cán bộ quan tâm và tham gia nhiệt tình, chất lượng sinh hoạt khoa học và nội dung các chuyên đề ngày càng được nâng cao, phong phú, tạo môi trường rèn luyện kỹ năng tiếng Anh chuyên môn và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo mà đội ngũ cán bộ chuyên khoa mắt ngày càng không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng.

Tại Viện sau đợt phong học hàm năm 1996 đến năm 2002 có PGS. Trần Nguyệt Thanh, PGS. Đỗ Như Hơn, PGS. Hoàng Minh Châu, PGS. Phạm Khánh Vân, sau đó PGS. Trần An (năm 2004) và gần đây PGS. Vũ Thị Thái (2006). Đến năm 2005, PGS. Tôn Thị Kim Thanh được phong Giáo sư. Như vậy ở Viện và Bộ môn tại thời điểm năm 2006 có 2 giáo sư và 6 phó giáo sư đang làm việc.

Trong ngành còn 2 PGS còn hoạt động ở TP. HCM là Lê Minh Thông, Lê Minh Tuấn, ở Huế có PGS. Hoàng Ngọc Chương, ở Viện 108 có PGS. Nguyễn Thị Hồng Giang.

Các tiến sỹ hầu hết được đào tạo trong nước như: TS. Vũ Bích Thuỷ, TS. Nguyễn Chí Dũng, TS. Lê Kim Xuân, TS. Hà Huy Tài, TS. Nguyễn Thu Yên, TS. Nguyễn Hồng Châu, TS. Vương Văn Quý, TS. Nguyễn Đức Anh, TS. Phạm Kim Thanh, TS. Nguyễn Thị Minh được đào tạo ở Liên bang Nga, TS. Phạm Trọng Văn được đào tạo tại Úc. Còn lại hầu hết các bác sỹ trẻ được đào tạo thạc sỹ. Hiện nay tại Viện và bộ môn đang có nhiều bác sỹ đang làm luận án tiến sỹ và 1 số sắp bảo vệ: Bs. Tịnh, Bs. Hiệp, Bs. Lương, Bs. Sơn, Bs. Quỳnh, Bs. Đông, Bs. Cung, Bs. Quốc Anh, Bs. Thẩm Trương KhánhVân, Bs. Bùi Vân Anh, Bs. Nhất Châu, Bs. Tuấn, Bs. Duy Anh, Bs. Thắng, Bs. Vân (Nhãn nhi), bs Hoàng Trần Thanh, Bs. Ngọc (Hà nội)...

Như vậy, mặc dù công việc rất bận rộn nhưng lãnh đạo viện vẫn ưu tiên cho đào tạo để có nguồn cán bộ ngày càng nhiều đảm đương chức năng quan trọng của Viện là đào tạo và nghiên cứu.

Về điều dưỡng cũng đã có cán bộ được đào tạo Đại học và Cao đẳng. Ở Viện không còn y tá sơ cấp mà chỉ có y tá trung cấp và đại học điều dưỡng.

Ngoài đào tạo chuyên sâu, số cán bộ chủ chốt còn được trang bị kiến thức về chính trị và hành chính, các cán bộ từ lãnh đạo khoa phòng trở lên đều được cử đi học trong lĩnh vực này.

 

 

III. CỦNG CỐ TỔ CHỨC, HOÀN THIỆN BỘ MÁY LÃNH ĐẠO CỦA VIỆN VÀ CÁC KHOA PHÒNG:

Trong hàng ngũ Ban Giám đốc, khi Bs. Lê Thanh về hưu, thêm hai phó Viện trưởng là TS. Trần An và TS. Đỗ Như Hơn, cả hai trước đều là bác sỹ nội trú, đều có giai đoạn tham gia quân đội, Viện trưởng là GS. TS. Tôn Thị Kim Thanh và ba Viện phó: DS. Nghiêm Xuân Kiên, PGS. Đỗ Như Hơn, PGS Trần Văn An.

Trong thời gian này số lượng bệnh nhân ngày một tăng, viện luôn luôn trong tình trạng quá tải. Ơ mỗi khoa lâm sàng luôn có 1 trưởng khoa và 2 phó khoa. Ở khoa mắt hột (sau này đổi tên kết giác mạc) sau khi PGS. Đinh Thị Khánh về hưu thì PGS. Hoàng Minh Châu là trưởng khoa, phó khoa là Bs. Nguyễn Xuân Hiệp và PGS Phạm Thị Khánh Vân (phó chủ nhiệm Bộ môn mắt trường ĐH Y khoa). Ở khoa chấn thương Bs. Nguyễn Thị Đợi về hưu, TS. Nguyễn Thu Yên là trưởng khoa, Bs. Quốc Anh và Bs. Thành là phó khoa. Khoa đáy mắt Bs Ngọc trưởng khoa về hưu thì bs. Hạnh là phó khoa lên thay, 2 phó khoa là Bs Cung Hồng Sơn và Bs Nhất Châu. Tuy nhiên, do tình hình sức khoẻ, Bs Hạnh chuyển đến phó khoa phòng khám ngoại trú nên cử Bs. Cung Hồng Sơn phụ trách khoa. Khoa glôcôm khi PGS Trần Nguyệt Thanh trưởng khoa nghỉ hưu thì TS. Vũ Thị Thái nguyên trưởng phòng HL - NCKH về làm  trưởng khoa, Ts Hường và Ths Tuấn (bộ môn mắt) làm phó khoa. Khoa mắt trẻ em Ts. Vũ Bích Thuỷ làm truởng khoa, TS. Lê Kim Xuân và Ths Lê Thúy Quỳnh phó khoa. Khoa phẫu thuật khi Bs. Tuyết về hưu, Bs. Bùi Bạch Liên là trưởng khoa, Bs. Nhị Hà và Bs. Luyến là phó khoa phòng khám và điều trị ngoại trú do Ts. Phạm Văn Tần làm trưởng khoa, Ts. Hạnh làm phó khoa. Các bác sỹ trưởng, phó khoa có trình độ đảm nhiệm công việc điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực của mình.

Các khoa cận lâm sàng: Khoa xét nghiệm Bs. Nguyễn Văn Ấm về hưu thì Bs. Vũ Minh Thu (chuyên khoa huyết học) làm trưởng khoa. Khoa Dược DS. Dương Quỳnh Hương nghỉ hưu thì DS. Nguyễn Bích Mai làm trưởng khoa. Khoa thăm dò chức năng (siêu âm) trưởng khoa Hoàng Hồ về hưu Bs. Hoàng Trần Thanh lên thay. Khoa Xquang trưởng khoa là Bs. Đinh Văn Sỹ. Sau này (năm 2005) sát nhập khoa siêu âm và Xquang thành khoa Chẩn đoán hình ảnh do Bs. Đinh Văn Sỹ làm trưởng khoa, khi Bs Đinh Văn Sỹ nghỉ hưu thạc sỹ Hoàng Trần Thanh là Trưởng khoa.

Đặc biệt đến năm 2000, viện thành lập thêm khoa chống nhiễm khuẩn do Bs. Hà Thị Huynh (bác sỹ phụ trách y xá cơ quan) làm trưởng khoa, có bộ phận giặt là và sấy hấp, hiện nay hoạt động hiệu quả  để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Phòng Hành chính quản trị nhiều năm do DS. Nghiêm Xuân Kiên (phó Viện trưởng) kiêm trưởng phòng. Phó phòng Dương Văn Vin về hưu, KTS Trần Tất Thắng thay và hiện nay là trưởng phòng.

Phòng vật tư kỹ thuật do KS. Phạm Kính làm trưởng phòng, KS. Nguyễn Duy Khoa là phó phòng. Càng ngày trang thiết bị càng nhiều nên đã bổ xung thêm kỹ sư và kỹ thuật viên để có thể đảm đương được khối tài sản vật tư ngày càng hiện đại.

Bên cạnh các khoa lâm sàng hoạt động chuyên môn phải kể đến các phòng kế cận.

Phòng tổ chức cán bộ sau khi anh Hồ Ngọc Châu mất do bệnh nặng, TS.Võ Văn Phi về thay. Và hiện nay là đồng chí Đỗ Việt Hải làm trưởng phòng TCCB.

Phòng Chỉ đạo chuyên khoa sau Bs. Đỗ Văn Phức nghỉ hưu Ts. Nguyễn Chí Dũng lên thay. Công tác chỉ đạo tuyến phát triển mạnh, nhiều chương trình, dự án được triển khai nên phải bổ xung một số cán bộ trẻ, hăng hái để có thể đảm đương được nhiệm vụ, trong đó có Ts. Hà Huy Tài (phó phòng), Ts. Vương Văn Quý, Ths. Vũ Quốc Lương, Ths. Phạm Ngọc Đông, Ths. Vũ Tuấn Anh ...

Phòng Huấn luyện nghiên cứu khoa học (sau này đổi tên là phòng Quản lý khoa học và đào tạo) do Ts. Vũ Thị Thái làm trưởng phòng. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học phát triển, được bổ xung thêm một số bác sỹ trẻ, có ngoại ngữ tốt để giúp cho công tác dịch thuật dễ dàng (Bs. Cung Hồng Sơn, Bs. Bùi T. Vân Anh). Bộ phận thường trực của Hội nhãn khoa Việt nam cũng được gắn vào phòng này. Khi Ts. Vũ Thị Thái chuyển làm trưởng khoa Glôcôm thì Ts. Hà Huy Tài thay.

IV. CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ

1. Về tổ chức:

Về mô hình tổ chức trong 10 năm qua có rất nhiều thay đổi. Năm 1997 có 4 mô hình tổ chức chính:

-         Trạm Mắt và khoa Mắt là hai tổ chức riêng biệt cả về biên chế và kinh phí, chỉ phối hợp về  chuyên môn, trong đó ở 5 tỉnh trạm Mắt trở thành Trung tâm phòng chống mù loà là Nam định, Thái nguyên, Huế, Hà nam, Bình định.

-         Trạm Mắt nằm trong trung tâm y tế dự phòng tỉnh hoặc trung tâm quản lý các bệnh xã hội như ở Tuyên quang, Hà giang, Vĩnh phúc, Phú thọ, Lào cai, Hoà bình, Hưng yên, Bắc cạn, Cà mau, Bình dương, Bình phước, trạm Mắt Đường sắt.

-         Trạm Mắt sáp nhập vào khoa Mắt nằm trong bệnh viện đa khoa tỉnh như ở: Khánh hoà, Quảng ninh.

-         Trạm Mắt sáp nhập với khoa Mắt thành trung tâm Mắt như ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội, Cần thơ.

Cho đến năm 1997 trên toàn quốc có 48 tỉnh không có trạm mắt hoặc trung tâm mắt, trung tâm phòng chống mù loà tỉnh. Vẫn còn 13 tỉnh chưa có trạm mắt, phần lớn là các tỉnh phía nam như An giang, Bến tre, Tây ninh, Kontum, Trà vinh ... như vậy có nghĩa là ở những tỉnh này không có cán bộ chăm sóc mắt ở cộng đồng.

Từ năm 1999 đã có những thay đổi lớn, ở các thành phố lớn có bệnh viện Mắt, lúc đầu là thành phố Hồ Chí Minh, Cần thơ, sau đó đến Hà nội, Đà nẵng, Tiền giang, Huế, Thái nguyên, Nam định, Thanh hoá, Hưng yên... Số lượng các bác sỹ chuyên khoa cũng tăng đáng kể, năm 1997 chúng ta có 754 bác sỹ nhãn khoa, năm 2006 số bác sỹ nhãn khoa là 1080.

2. Những chương trình Phòng chống mù loà trọng tâm:

Chương trình phòng chống bệnh mắt hột:

Từ năm 1996 đến năm 1999 do không còn kinh phí của UNICEF giúp cho nên 1 số tỉnh duy trì công tác phòng chống mắt hột trong trường học, một số tỉnh duy trì ở một số xã... Năm 1997 chúng ta đã điều tra và có những nhận định: tỷ lệ mắt hột hoạt tính ở miền Nam thấp hơn ở miền Bắc. tỷ lệ mắt hột hoạt tính ở thành phố thấp hơn nhiều ở nông thôn. Tỷ lệ mắt hột hoạt tính rất không đồng đều giữa các vùng, các xã trong từng tỉnh, ví dụ: ở Yên bái chỉ có hai huyện có tỷ lệ mắt hột hoạt tính rất cao còn các huyện khác lại thấp. Tương tự như vậy ở Hải dương, Vĩnh phúc và Hà tây.

Năm 1999, tổ chức HKI của Mỹ (Helen Keller International) đã tài trợ cho công tác phòng chống mắt hột cho toàn dân ở 5 huyện có tỷ lệ mắt hột cao thuộc 3 tỉnh: Hải dương, Thái bình và Yên bái.

Đến năm 2001 tổ chức phòng chống mắt hột Quốc tế Iniative Trachoma International (ITI) bắt đầu tài trợ cho chương trình phòng chống mắt hột ở Việt nam. Dự án đầu tiên bắt đầu ở 13 huyện thuộc 8 tỉnh. Đặc biệt của tài trợ này là dùng kháng sinh Azythromycin liều uống một lần để điều trị mắt hột hoạt tính. Chiến lược SAFE được đề ra cũng rất phù hợp với chiến lược phòng chống mắt hột của ta từ trước. Kế hoạch của ngành Mắt Việt nam sẽ là thanh toán mắt hột gây mù vào năm 2010, kế hoạch này đã được WHO chấp nhận. Để tiến tới thanh toán mắt hột vào năm 2010, hàng năm ngoài việc điều trị mắt hột hoạt tính, chúng ta tập trung vào phẫu thuật quặm. Năm 1997, 10.580 phẫu thuật quặm được thực hiện trên toàn quốc thì đến năm 2006 14.000 phẫu thuật quặm  đã được thực hiện.

Chương trình mổ đục thể thuỷ tinh:

Đây vẫn được coi là chương trình trọng tâm của ngành vì đục thể thuỷ tinh vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà ở Việt nam. Theo thống kê 1995 thì số tồn đọng người mù do đục thể thuỷ tinh là 600.000 người. Trước tình hình đó, chủ trương của ngành là phải đẩy nhanh tốc độ mổ đục thể thủy tinh.

Nguồn kinh phí ít ỏi của Bộ Y tế cho phòng chống mù loà đến năm 1997 hầu hết được sử dụng cho công tác đào tạo cán bộ. Trước kia chúng ta mở các lớp đào tạo cho từng vùng miền, từ năm 1997 chúng ta mở các lớp đào tạo cho từng tỉnh. Giảng viên có thể từ Viện kết hợp với những bác sỹ tỉnh đã được đào tạo, trung bình mỗi năm khoảng từ 5-7 lớp sử dụng nguồn kinh phí Chính phủ. Ngoài ra một số tỉnh có dự án của CBM, Sight First cũng giành kinh phí cho việc đào tạo phẫu thuật viên mỗi năm 7-10 lớp. Như vậy, trong 10 năm từ 1997-2006, mỗi năm chúng ta đào tạo và đào tạo lại cho khoảng 70-100 bác sỹ về phẫu thuật thể thủy tinh.

Số mổ thể thuỷ tinh tăng dần, năm 1997 toàn quốc mổ được 48.041 ca thì năm 2006 số mổ là 108.000 ca. Bình quân năm 1997 mỗi bác sỹ mổ được 55 ca/năm thì đến năm 2006 bình quân mỗi bác sỹ mổ 201 ca/năm. Như vậy đã đạt khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế giới (200 ca/năm).

Một số tỉnh đã rất nỗ lực trong chương trình mổ thể thủy tinh như: Đà nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Nam định, Ninh thuận, một số tỉnh mới chia tách sau khi củng cố tổ chức cũng đã rất cố gắng như Hà nam, Hưng yên, Bình phước ...

Năm 2000, được sự giúp đỡ về kinh phí và kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới, Viện tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Bộ: “Đánh giá tình hình mù loà, hiệu quả và những trở ngại đối với can thiệp mổ đục thể thuỷ tinh ở cộng đồng hiện nay” do GS. Tôn Thị Kim Thanh làm chủ nhiệm đề tài, TS. Nguyễn Chí Dũng chủ trì thực hiện đề tài. Kết quả đề tài đã cho thấy rằng nhờ những nỗ lực phòng chống mù loà nói chung và trong chương trình mổ đục thể thuỷ tinh nói riêng mà tỷ lệ mù loà của nước ta chỉ còn 0,63%. Như vậy là giảm một nửa so với năm 1996. Ngoài ra, tỷ lệ mù 2 mắt do đục thể thuỷ tinh của người 50 tuổi trở lên là 2,79%, mù 1 mắt là 5,12%. Tỷ lệ bao phủ của phẫu thuật tính theo người mù là 48,47%, mặc dù có sự nỗ lực rất lớn từ năm 1997 đến năm 2000 nhưng số lượng người mù do thể thuỷ tinh cũng chỉ mới được giải quyết một nửa.

Ngoài việc tăng số lượng mổ, chúng ta cũng rất chú ý đến chất lượng, chúng ta thấy kết quả thị lực của phẫu thuật chưa cao (86,1% số mắt mổ theo phương pháp đặt thể thuỷ tinh nhân tạo có thị lực > 1/10. Vì mổ hầu hết là ở cộng đồng và thực hiện bởi các đội mổ lưu động thì đây cũng là một kết quả đáng khích lệ trong công cuộc giải phóng mù loà. Từ khoảng 1999 khi kỹ thuật tán nhuyễn thể thuỷ tinh được phát triển rộng rãi có một số địa phương cũng đã đưa máy phaco đi mổ ở các tuyến gây một tiếng vang lớn. Bệnh viện Mắt thành phố Hồ Chí Minh được sự giúp đỡ về tài chính của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố Hồ Chí Minh còn đi mổ miễn phí cho bệnh nhân ở Lào, Campuchia.

Cũng từ chương trình mổ đục thể thuỷ tinh, hoạt động của các trạm mắt, trung tâm mắt, Bệnh viện Mắt trên toàn quốc hết sức sôi nổi. Với phẫu thuật hiệu quả, mang lại ánh sáng nhanh chóng, nhiều đơn vị của ngành Mắt đã tận dụng mọi nguồn kinh phí để giúp đỡ những người mù nghèo, chương trình thực sự đem lại một tiếng vang lớn làm cho Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành quan tâm đến ngành nhãn khoa hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này có 2 đơn vị của ngành Mắt được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới đó là Trung tâm Mắt Nam định (năm 2002) và Trung tâm Mắt Ninh thuận (2005), nhiều đơn vị trong ngành đón nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước như Huân chương lao động, bằng khen của Chính phủ, hội nhãn khoa thành phố Hồ Chí Minh được huân chương lao động hạng ba (2004).

Chương trình phòng chống khô mắt do thiếu vitamin A:

Chương trình phòng chống khô mắt do thiếu vitamin A vẫn được phối hợp giữa 3 Viện: Viện Mắt, Viện Nhi, Viện Dinh dưỡng. Viện Dinh dưỡng là đơn vị chủ trì chương trình này. Viện ta vẫn đảm nhận việc phân phối vitamin A liều cao cho các khoa Nhi của các bệnh viện tỉnh trong cả nước, để điều trị dự phòng cho các trẻ em  có nguy cơ cao khi mắc các bệnh sởi, ỉa chảy kéo dài, các nhiễm trùng cấp tính, viêm phổi ...

Nguồn vitamin A chủ yếu được tài trợ qua Uỷ ban hợp tác khoa học Mỹ – Việt. Trung bình hàng năm chúng ta cấp khoảng 340.000 viên vitamin A loại 200.000 đơn vị trong toàn quốc.

Chương trình này được lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc, phát vitamin A liều cao cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhờ những hoạt động hiệu quả của chương trình mà ở toàn quốc trong 10 năm qua không gặp trường hợp nào có biểu hiện khô mắt do thiếu vitamin A. Chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì chương trình vì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở Việt nam vẫn còn cao (> 20%).

Chương trình vì ánh mắt trẻ thơ:

Theo sáng kiến của phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình năm 1998, Uỷ ban dân số, gia đình, trẻ em, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt nam và Bệnh viện Mắt trung ương phối hợp thực hiện chương trình “vì ánh mắt trẻ thơ”.

Mục tiêu của chương trình là phẫu thuật cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh ở mắt như đục thể thuỷ tinh bẩm sinh, glôcôm bẩm sinh, lác, sụp mi...

Năm 1998 chương trình được bắt đầu với 11 tỉnh phía Bắc, tất cả các cháu có bệnh về mắt được Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em tập hợp lại, được các bác sỹ mắt ở tỉnh khám sàng lọc rồi gửi đến Viện, phẫu thuật cho những cháu có chỉ định. Chương trình năm 1998 đã thành công rực rỡ gây một tiếng vang lớn và chứng tỏ việc xã hội hoá công tác y tế là hết sức cần thiết. Nhờ có các cán bộ của Uỷ ban dân số, gia đình và trẻ em đến từng nhà vận động, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa như Lai châu, Lạng sơn, Hoà bình mà nhiều cháu bị bệnh mắt từ nhỏ, mà chịu mù đến 14, 15 tuổi mới được chữa do điều kiện gia đình khó khăn. Năm 1998 chúng ta mổ được 515 trường hợp an toàn tuyệt đối, lấy đà cho những năm tiếp theo.

Từ năm 1999 chương trình được nhân rộng ra cả 3 miền và các cháu được tập trung về những Bệnh viện có điều kiện gây mê hồi sức tốt và có phẫu thuật viên chuyên về mắt trẻ em. Năm 2001 toàn quốc phẫu thuật được 1.710 cháu. Năm 2004 chương trình đã được triển khai tại 29 tỉnh miền Bắc và 26 tỉnh miền Nam và phẫu thuật được cho 2627 cháu.

Cho đến hết năm 2006 nghĩa là sau 9 năm 15.000 cháu đã được phẫu thuật. Các bác sỹ nhãn khoa ở các tỉnh học tập thành thạo thêm các phẫu thuật liên quan đến trẻ em như phẫu thuật lác, sụp mi, đục thể thuỷ tinh bẩm sinh.

Ngoài ra chương trình còn được sự đóng góp của tổ chức xã hội trong và ngoài nước.

3. Hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế là một phần rất quan trọng trong giai đoạn phát triển của Viện 10 năm qua, dù bớt khó khăn hơn về kinh tế. Hội Nhãn khoa Việt nam vẫn là thành viên của Hội Nhãn khoa Thế giới. Trong khu vực, các hoạt động phòng chống mù loà tích cực của Việt nam đã được đánh giá cao, chính vì vậy GS. Tôn Thị Kim Thanh đại diện cho Việt nam đã được chọn vào Ban chấp hành của Hội Nhãn khoa Châu á-Thái bình Dương (APAO) từ năm 1998 (ban chấp hành gồm thành viên của 18 nước) và là Đồng chủ tịch của hội đồng phòng chống mù loà Tây Thái Bình Dương.

Cũng chính vì những đóng góp của ngành Nhãn khoa Việt nam cho công tác phòng chống mù loà khu vực mà tháng 3/1997 tại Hội nghị APAO tổ chức ở Kathmandu, Nepal, GS. Nguyễn Trọng Nhân – Chủ tịch hội Nhãn khoa Việt nam đã được mời trình bày “Holmes lecture”, một phần quan trọng trong các hội nghị của APAO giành cho những nhà Nhãn khoa đã có những đóng góp cho công tác phòng chống mù loà trong khu vực, GS. Nguyễn Trọng Nhân đã chọn đề tài: “Sự phát triển của công tác phòng chống mù loà ở Việt nam”. Các bạn bè Quốc tế lại một lần nữa hiểu Việt nam và đánh giá cao về những nỗ lực trong công tác phòng chống mù loà của Việt Nam.

Trong giai đoạn này hội nghị nhãn khoa Châu Á Thái Bình Dương (APAO) được tổ chức 2 năm một lần và dần dần số các bác sỹ nhãn khoa Việt nam tham gia tăng dần lên. Ngoài việc để biết được tình hình nhãn khoa khu vực, các bác sỹ nhãn khoa Việt nam đã có các báo cáo dưới dạng Poster hoặc chuyên đề. Mặc dù chưa nhiều (trong 10 năm qua mới có 8 báo cáo) nhưng dù sao chúng ta cũng đã bắt đầu hội nhập. Rõ ràng là muốn hội nhập có hiệu quả chúng ta cần nâng cao hơn nữa về ngoại ngữ và chuyên môn.

Các tổ chức giúp chúng ta từ lâu vẫn tiếp tục giúp đỡ dưới hình thức dự án rất có hiệu quả. Đầu tiên phải kể đến là tổ chức Christoffel Blindenmission (CBM). Đến 2007 là liên tục 25 năm CBM đã giúp đỡ Việt nam. Lúc đầu chỉ có 5 dự án thì sau 25 năm là 14 dự án với tổng số tiền lên tới 4.814.850 DM từ năm 1982 đến 1999, từ năm 2000 đến nay: 2triệu 951EURO. Phải kể đến đóng góp của bà Marion Tery với Việt nam. Bà là trưởng đại diện của tổ chức CBM tại Bangkok, tất cả các dự án của CBM ở các tỉnh của Việt nam đều được bà tới tận nơi xem xét. Bà là người Anh, chưa quen với những khó khăn về giao thông của Việt nam. Trong 1 lần đi công tác ở Sơn la, không may xe ô tô bị nổ lốp tới 2 lần ở những đoạn đường nguy hiểm, không xảy ra sự cố gì, tuy nhiên cả đoàn công tác được một phen hú vía. Bà đã rất thông cảm với Việt nam và năm 1998 nhờ có đề nghị của bà, Viện đã nhận được 1 xe LandCruize hợp cho những chuyến công tác đường núi. Khi bà Marion Tery về hưu (1999) thì ông Peter Renew là người Anh và cũng là một người đã giành nhiều tình cảm cho Việt nam, giúp cho dự án ngày càng phát triển. Ông đã được Bộ Y tế Việt nam trao Huy chương vì sức khoẻ nhân dân năm 2002.

CBM đã tặng cho Viện Mắt và các tỉnh là 27 chiếc xe ô tô các loại, đã giúp cho các hoạt động cộng đồng của ngành Nhãn khoa đỡ khó khăn hơn.

Cố vấn y tế của CBM trong 1 thời gian dài là bà Magret (người Hà lan), người rất có kinh nghiệm trong việc đánh giá, theo dõi cho bệnh nhân mổ ở cộng đồng, nhiều đợt hội thảo để nâng cao trình độ cho các bác sỹ địa phương.

Từ 1998, CBM còn giúp chúng ta về lĩnh vực khiếm thị, kết hợp với các trường mù hoặc các trung tâm nuôi dưỡng người tàn tật. Chúng ta đã có các cán bộ được đào tạo bác sỹ nội trú chuyên về lĩnh vực này Bs. Nguyễn Thị Thu Hiền ở khoa Mắt trẻ em với các điều dưỡng có kinh nghiệm) để đào tạo lại các cán bộ địa phương. Phòng phục hồi chức năng mắt cho những người khiếm thị ra đời đã giúp cho bệnh nhân tăng được thị lực nhờ những phương tiện trợ thị đơn giản.

Từ 2002, CBM còn giúp dự án phục hồi chức năng cho người mù dựa vào cộng đồng lồng ghép vào chương trình chăm sóc mắt toàn diện cho Huế. Chỉ sau 2 năm hoạt động dự án đã đào tạo được 22 cộng tác viên ở 4 huyện để hỗ trợ cho người mù. Sau đó dự án được triển khai ở Nghệ an (2003) đến nay đã đào tạo được 12 cộng tác viên, cho người mù vay vốn hàng trăm triệu đồng.

Như vậy dự án CBM là một dự án hết sức có hiệu quả và bền lâu nhất giúp đỡ cho ngành Mắt Việt nam.

Tổ chức FHF (Fred Hollows Foundation):

Quỹ FHF là tổ chức đã giúp cho ngành Nhãn khoa Việt nam chuyển đổi nhanh chóng từ phương pháp mổ thể thuỷ tinh trong bao sang phương pháp mổ thể thuỷ tinh ngoài bao đặt thể thủy tinh nhân tạo. Trong 8 năm từ 1992 đến 2000 tổ chức FHF đã tài trợ mở 36 lớp với 392 lần phẫu thuật viên được đào tạo và quan trọng nữa là cung cấp cho ngành Mắt Việt nam một khối lượng trang thiết bị đáng kể, đặc biệt là gần 200 hiển vi phẫu thuật cho cả nước làm cho việc áp dụng vi phẫu thuật trong ngành nhãn khoa được phát triển ở hầu hết các tỉnh thành (cả vùng sâu và vùng xa) mà các ngành khác trong lĩnh vực y tế không thể so sánh được. Từ năm 1997 trở đi, FHF bắt đầu giúp đỡ dưới dạng các dự án và tiếp tục cung cấp mỗi năm 10.000 thể thuỷ tinh nhân tạo miễn phí cho toàn quốc. Các dự án cho các tỉnh ở miền trung bắt đầu là ở Phú yên, sau là Quảng nam, Đà nẵng… Tổng giá trị viện trợ của FHF từ năm 1992-2000 là 204.511 AUD và 609.548USD. Người đại diện cho FHF giai đoạn này là Bs. Huỳnh Tấn Phúc, vốn là một bác sỹ nhãn khoa, đã từng làm cho tổ chức World Vision nên Bs. Phúc am hiểu tình hình nhãn khoa, chính vì vậy những dự án rất thiết thực và có lợi cho Việt nam. Đặc biệt Bs. Huỳnh Tấn Phúc cũng là người quan trọng trong việc kết nối, một số tổ chức giúp cho ngành nhãn khoa như tổ chức Atlantic đang giúp cho Đà nẵng, một số tỉnh miền trung và Viện Mắt.

Tổ chức HKI (Helen Keller International):

Từ năm  1996 tổ chức HKI đã mời GS. Nguyễn Trọng Nhân là cố vấn giúp cho chương trình của HKI ở Việt Nam.

Sau khi giúp Việt nam đào tạo cán bộ và mổ thể thuỷ tinh ở 5 trung tâm: Nam định, Hà tĩnh, Bình định, Bình thuận và Cần thơ, đồng thời giúp cho chương trình phòng chống mắt hột ở Yên bái (Văn chấn). Các chương trình bị ngừng lại một thời gian do vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ mà trụ sở của HKI cũng bị ảnh hưởng năm 2001. Từ năm 2004, HKI tiếp tục giúp đỡ 5 tỉnh này dự án giám sát việc mổ thể thuỷ tinh cộng đồng, nội dung tương tự chương trình chăm sóc mắt toàn diện với việc giúp đỡ cho đào tạo, hỗ trợ tiền mổ cho người nghèo, hỗ trợ theo dõi đánh giá bệnh nhân. Được sự giúp đỡ của HKI, Viện Dinh dưỡng và Viện Mắt kết hợp nghiên cứu sự liên quan giữa dinh dưỡng và mổ đục thể thuỷ tinh… Tổng số tiền hỗ trợ từ 2004 đến nay là khoảng 250.000 USD.

Tổ chức ORBIS:

Là tổ chức của Mỹ, có quan hệvới ngành Mắt Việt nam từ năm 1986. Tuy nhiên do hoạt động lúc đó chủ yếu là đưa máy bay đi các nước để thực hiện việc phẫu thuật kết hợp với đào tạo nên chưa đến Việt nam được do điều kiện chưa cho phép.

Đến năm 1999 ORBIS bắt đầu cử nhiều chuyên gia đến Việt nam và dự án thí điểm đầu tiên của ORBIS được tiến hành ở Phú thọ năm 2000, với ý đồ thực hiện chăm sóc mắt toàn diện ở 1 tỉnh miền núi. Dự án đã đào tạo một đội ngũ cán bộ cấp cơ sở và đội ngũ bác sỹ nhãn khoa, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ mổ cho người nghèo. Tại Viện Mắt dự án nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho các cán bộ của Viện với hình thức mời chuyên gia tới Viện giảng dạy, cử các bác sỹ của Viện đi đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt ORBIS còn giúp cho Viện đào tạo các bác sỹ nhãn nhi và dự án Ngân hàng Mắt. Tổng kinh phí của tổ chức ORBIS giúp cho ngành Mắt Việt nam từ 2000-2006 lên tới  2.400.000 USD.

Tháng 10/2006 chiếc máy bay đầu tiên của ORBIS đã đến Đà nẵng. Ngoài việc phẫu thụât một số trường hợp bệnh nhân khó, các bác sỹ của ORBIS còn giảng dạy. Việc một máy bay đến để phẫu thuật mắt cũng gây được sự chú ý của các cấp, các ngành cũng như của nhân dân đến việc chăm sóc mắt.

Tổ chức Sight First:

Sight First là chương trình của Lions Clubs International giúp cho chương trình mắt ở các nước. Do có tình cảm đặc biệt với Việt nam, Ông Vuthi thông qua Lions Clubs ở Thái lan để giúp đỡ Việt nam. Lúc đầu là một máy hiển vi khám bệnh giúp cho trạm mắt Nghệ an do ông tự bỏ tiền ra. Sau là dự án phẫu thuật 500 ca thể thuỷ tinh, rồi dự án cho 4 tỉnh đầu tiên là: Hà tây, Hà nam, Tiền giang, Ninh thuận. Sau đó đến 12 tỉnh Tây nguyên và miền núi: Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai, Kontum, Hoà Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang. Riêng SF Pháp còn giúp cho Hưng Yên từ năm 1998 đến nay tổng trị giá của SF giúp Việt Nam gần 1 triệu USD. Mặc dù các dự án của SF là ngắn hạn (tối đa là 2 năm) nhưng có thể giúp cho các tỉnh có dự án có những trang thiết bị nhãn khoa thiết yếu có thể phục vụ lâu dài cho nhân dân tỉnh mình.

Ông Konyama, người bạn lâu năm đã làm cố vấn y tế cho Sight First. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn lăn lộn đi đến những tỉnh xa như: Lai châu, Gia lai, Lâm đồng giúp dự án đạt hiệu quả.

Sight First còn giúp 2 khoá đào tạo về y tế cộng đồng ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà nội cho hơn 60 bác sỹ nhãn khoa trong toàn quốc.

Tổ chức ITI (Initiative Trachoma Internatinal):

Là tổ chức mắt hột quốc tế có trụ sở ở Mỹ. Từ 2000, tổ chức này giúp Việt nam trong phòng chống mắt hột, lúc đầu ở 13 huyện của 8 tỉnh: Thái bình, Hải dương, Thanh hoá, Hà nam, Vĩnh phúc, Ninh thuận và Bình phước với tổng số tiền là 5.530.000 USD trong đó 4.900.000 USD tiền thuốc kháng sinh Zithromax. Hoạt động chính là chiến lược SAFE của Tổ chức Y tế thế giới (mổ quặm, đIều trị bằng thuốc kháng sinh, rửa mặt và cải thiện vệ sinh môi trường). Đến đợt 2 từ năm 2002, chương trình bị chuyển cho Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) quản lý, chúng ta phải tiếp tục phụ trách về chuyên môn. Giai đoạn này chương trình được triển khai ở 14 tỉnh với tổng số tiền lên tới 14 triệu USD.

Ngoài các tổ chức trên có những dự án lâu dài, ngành nhãn khoa chúng ta còn tiếp nhận sự giúp đỡ của nhiều tổ chức khác như Mekong Eye Doctor, Voluntary Eye Surgeon International (tổ chức phẫu thuật viên mắt tình nguyện quốc tế) và phải kể đến các bạn Nhật Bản. Năm 2002, 3 bác sỹ nhãn khoa Nhật Bản đã được Bộ Y tế tặng huy chương vì sức khoẻ nhân dân là GS. Nakajima, GS. Kanai và GS. Konyama. Đến năm 2007, Bs. Tadashi Hattori được tặng kỷ niệm chương vì sức khoẻ nhân dân. Bs. Hattori đến Viện mắt từ năm  2002 với chuyên khoa sâu là dịch kính võng mạc, bác sỹ đã phẫu thuật những trường hợp khó đồng thời trao đổi kinh nghiệm, đào tạo các BS Việt nam . Ngoài ra còn tìm  cách giúp các dự án thông qua Sứ quán Nhật Bản (Mỗi dự án là 80.000 USD) cho các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Huế, Viện mắt... Đã giúp cho 6 BS của Viện đi tham quan học tập ở Nhật và đã có sáng kiến để công ty Nippon Kedanren giúp cho Viện 1 xe phẫu thuật lưu động với các trang thiết bị hiện đại đi phẫu thuật ở vùng sâu vùng xa. Năm 2005, Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản đã đến thăm Viện Mắt đánh dấu mối quan hệ bền lâu giữa các nhà nhãn khoa Nhật bản và Việt nam.

Cứ 2 năm 1 lần, chúng ta lại tổ chức 1 cuộc họp các đại diện của các tổ chức phi chính phủ quốc tế giúp đỡ Việt nam và số tổ chức này ngày một nhiều thêm.

V. HOÀN THÀNH XUẤT SẮC CÁC NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO, TẬP HỢP CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG XUNG QUANH ĐẢNG UỶ, ĐOÀN KẾT NHẤT TRÍ HĂNG HÁI, THI ĐUA XỨNG ĐÁNG VỚI DANH HIỆU ANH HÙNG LAO ĐỘNG THỜI KỲ ĐỔI MỚI.

Có lẽ đây là những dòng tổng kết cô đọng cho những hoạt động của Viện trong 10 năm qua.

Thật ra trong quá trình phát triển và trưởng thành chưa bao giờ Đảng uỷ, Ban Giám đốc đặt ra mục tiêu là phấn đấu thành một đơn vị Anh hùng trong thời kỳ đổi mới nhưng Viện luôn quán triệt là Viện phải phấn đấu để xứng đáng là một Viện chuyên khoa đầu ngành, phải là một đơn vị dẫn đầu trong ngành về phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu, phải là một cơ sở thực hành mẫu mực của trường Đại học Y Hà nội và phải là nơi bệnh nhân được hưởng mọi quyền lợi về khám chữa bệnh về mắt tốt nhất.

Từ năm 1997 đến 1999 Viện có 230 giường bệnh nhân nội trú. Năm 2000 cho đến nay là 300 giường nhưng bệnh nhân vẫn phải nằm ghép. Tổng số khám bệnh năm 1998 là 75.000 bệnh nhân thì năm 2006 là 222.661 bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị nội trú năm 1998 là 7.193 bệnh nhân thì năm 2006 là 22.885 bệnh nhân. Như vậy, sau 8 năm cả số khám và điều trị nội trú đều tăng gấp 3 lần. Do số bệnh nhân tăng nên số xét nghiệm  cũng tăng, chỉ trong năm 2002 thực hiện tới 323.015 xét nghiệm (vựot 323% kế hoạch) chụp chiếu XQ 35.164 trường hợp (vượt 200%) kế hoạch.

Khoa Dược pha chế các thuốc chuyên khoa không những chỉ phục vụ cho số bệnh nhân nội ngoại trú của Viện mà còn phục vụ cho ngành, trung bình hàng năm sản xuất hơn 100.000 ống thuốc nhỏ mắt phục vụ chuyên khoa như pilocarpin, Atropin, CB2, các loại chống mắt hột như: SMP. Sulfacylum

Ngoài ra, phối hợp với các khoa lâm sàng còn sản xuất huyết thanh tự thân. Đặc biệt khi Viện triển khai chương trình chăm sóc bệnh nhân toàn diện thì khoa Dược có những chuyển đổi lớn để đáp ứng những nhu cầu của bệnh nhân, không để bệnh nhân nội trú đi mua thuốc và các vật tư tiêu hao. Khoa Dược mang thuốc tới 100% các khoa lâm sàng để các đIều dưỡng có thời gian nhiều hơn chăm sóc bệnh nhân.

Cũng phải kể đến hoạt động rất hiệu quả của nhà thuốc bệnh viện. Trải qua rất nhiều hình thức hoạt động (theo chuyển đổi của Bộ Y tế) đến năm 2000 nhà thuốc bắt đầu hoạt động như một bộ phận của khoa Dược dưới sự đIều hành của ban Giám đốc (do một đồng chí phó Giám đốc trực tiếp phụ trách).

Ngoài việc cung cấp đầy đủ thuốc men cho bệnh nhân theo chỉ thị 05 của Bộ Y tế, hoạt động kinh tế của nhà thuốc đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống cho cán bộ công chức.

Một hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả của Viện là hoạt động Chỉ đạo tuyến, hoạt động này không chỉ được thực hiện bởi một đội ngũ cán bộ trẻ khoẻ, năng động của phòng Chỉ đạo tuyến mà còn được thực hiện ở tất cả các khoa phòng.

Trước khi có chủ trương của Bộ Y tế tăng cường cán bộ về cho các cơ sở thì hàng năm Viện đã phân công các khoa phải chịu trách nhiệm giúp và chỉ đạo chuyên môn cho một số tỉnh xa và khó khăn, đặc biệt một số tỉnh chia tách như: Bình thuận, Lai Châu, Hưng yên… Khi Bộ Y tế phát động phong trào hướng về cơ sở và giúp một số tỉnh miền núi trọng đIểm thì ngay lập tức Viện cử một số đồng chí có chuyên môn vững vàng công tác dài hạn tại các tỉnh để cầm tay chỉ việc đào tạo cho cán bộ địa phương đồng thời giúp cho các tỉnh ở  vùng sâu vùng xa, gây được tiếng vang lớn. Các đồng chí đến các địa phương đều được bằng khen của tỉnh: TS. Vũ Bích Thuỷ đI Yên Bái; TS. Hoàng Việt Nga, TS. Đào Lâm Hường, TS. Lê Thuý Quỳnh đi Bắc Cạn; TS. Nguyễn Xuân Hiệp, TS. Vũ Tuệ Khanh…đi Lai Châu… Lúc đầu, các Đảng uỷ Viên, Đảng viên, sau là đến các bác sĩ trẻ giàu nhiệt tình, giỏi chuyên môn, ham muốn cống hiến tự nguyện tham gia thực hiện chức năng quan trọng này của Viện.

Hoạt động của các đoàn thể của Viện trong 10 năm qua thực sự đã lôi cuốn được cán bộ công chức - Đoàn thanh niên CSHCM lớn mạnh dần cả về số lượng và chất lượng. Từ những năm 2000, do nhu cầu khám chữa bệnh số CBCC tăng lên, Viện tiếp thu một số lượng cán bộ trẻ – từ chỗ chỉ có một Chi đoàn thì đến nay có đến nhiều chi đoàn. Thời gian từ 1997-2002, đồng chí Nguyễn Xuân Tịnh là Bí thư Đoàn TNCSHCM của Viện, sau này là đồng chí Hoàng Trần Thanh. Từ 2002 đến nay, những hoạt động thanh niên tình nguyện đã được thanh niên hưởng ứng sôi nổi, cứ sáng sáng khi số lượng bệnh nhân đến Viện rất đông thì những đoàn viên thanh niên của chúng ta với chiếc áo xanh tình nguyện đã tận tình chỉ dẫn để bớt khó khăn cho bệnh nhân cũng như giữ trật tự an toàn cho Viện, Đoàn thanh niên đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh miễn phí cho các đối tượng người cao tuổi, đối tượng chính sách, người có công. Năm 2006, Đoàn thanh niên Viện Mắt có phòng khám mang tên liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm – phòng khám được giành cho các đoàn viên thanh niên tình nguyện, có chuyên môn vững vàng phục vụ cho các đối tượng chính sách, phòng khám đã trở thành một phòng khám mẫu mực cho nhiều đơn vị đến học tập. Đồng chí Hoàng Trần Thanh – Bí thư Đoàn đồng thời là Đảng uỷ viên đã được Quận đoàn, Thành đoàn tặng bằng khen nhiều lần do những hoạt động hiệu quả của Đoàn Viện Mắt.

Tổ chức Công đoàn ngày càng phát huy được vai trò bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Một điều rất thuận lợi là Viện chọn được các đồng chí chủ tịch công đoàn rất có “năng khiếu” công tác công đoàn: Trong thời gian này, đồng chí Hoàng Hồ vẫn là chủ tịch công đoàn, đồng thời là Uỷ viên ban chấp hành liên đoàn lao động thành phố Hà Nội 3 khoá liền (từ khoá X đến khoá XII ), cho đến năm 2004 nghỉ hưu (sau 17 năm làm Chủ tịch công đoàn), sau đó là đồng chí Hoàng Việt Nga - Trưởng phòng KHTH. Mặc dù không có cán bộ chuyên trách nhưng hoạt động công đoàn dần đi vào quy củ và chiều sâu, (với 22 tổ công đoàn). Công đoàn tham gia thúc đẩy các hoạt động của Viện từ giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên, động viên học tập chuyên môn nghiệp vụ từ bác sĩ, đIều dưỡng và đặc biệt trong thời gian này còn mở các lớp huấn luyện cho hộ lý. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao vẫn là các hoạt động bề nổi tạo một sự phấn khởi, gắn bó trong cơ quan. Tốp ca nam của hành chính quản trị lúc nào cũng gây ấn tương không phải chỉ ở giọng rất khoẻ mà là ở sự hào hứng tham gia của mọi thành phần từ phó GĐ Nghiêm Xuân Kiên (kiêm trưởng phòng HCQT trong nhiều năm), từ lái xe già như anh Cường (nay đã về hưu) đến anh Trung, anh Cầm, anh Phúc, anh Đại, anh Tú, anh Dương, anh Toàn… Đặc biệt trong đợt kỷ niệm 50 năm thành lập Viện, anh Phúc còn sáng tác một bài hát ca ngợi Viện và ngành. Viện ta còn có những cây đơn ca hay và rất ấn tượng như chị Thủy (Dược), anh Hồng (phòng QL-KHĐT), chị Hồng Vân (vừa là MC chính của Viện vừa là giọng hát đơn ca và lĩnh xướng của dàn đồng ca), chị Thanh Vân (bác sĩ của khoa Nhi) lúc nào cũng được vỗ tay đề nghị hát lại do cách biểu diễn độc đáo và nhiệt tình…  Đội văn nghệ của Viện còn tham gia và đạt giải cao ở những cuộc thi ở Quận, của Bộ Y Tế.

Với 70% cán bộ công chức là nữ, hoạt động của ban nữ công cũng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các đoàn thể, trưởng ban nữ công là những chị rất nhiệt tình và có kinh nghiệm, từ chị Dương Quỳnh Hương rồi đến chị Vũ Minh Thu, các hoạt động của Ban nữ công rất đa dạng. Những cuộc thi giao tiếp, ứng xử dưới dạng các tiếu phẩm là những bài học nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Các đợt khen thưởng nhân dịp tổng kết năm học và 1/6 biểu dương các cháu học giỏi, các đợt thi nấu ăn, cắm hoa, những buổi nói chuyện của các nhà văn, nhà thơ Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Hoàng Hương... được tổ chức thường xuyên đã phát huy được lòng tự hào, tự tin của phái nữ khiến các chị lao động không mệt mỏi góp phần không nhỏ vào thành công của Viện.

Cuối cùng phải nói đến là sự chỉ đạo sát sao và đúng đắn của Đảng uỷ. Có 1 điều rất thuận lợi là trong 10 năm qua đồng chí giám đốc bệnh viện đều kiêm Bí thư. Đảng uỷ viên thường từ 7 - 9 đồng chí luôn có sự thay đổi của các kỳ đại hội nhưng tất cả các đảng uỷ viên đều là những đồng chí tích cực hăng hái. Trong BGĐ lần lượt các đồng chí đều có những kỳ tham gia đảnguỷ. Ngoài các đồng chí ở khối lâm sàng như đồng chí Đào Lâm Hường, đồng chí Vũ Bích Thuỷ, đồng chí Nguyễn Thị Xuyến, đồng chí Hoàng Việt Nga còn có các đồng chí ở khối cận lâm sàng và hậu cần như đồng chí Hoàng Hồ, đồng chí Vũ Minh Thu, đồng chí Vũ Lệ Xuân, đồng chí Đỗ Việt Hải phụ trách tổ chức Đảng, đồng chí Hoàng Trần Thanh bí thư thanh niên. Ban chấp hành đảng uỷ Viện mắt thật sự là "não bộ" của Viện.

Chúng tôi chuẩn bị hoàn thành cuốn lược sử này vào những ngày tháng 7, cũng là những ngày Viện chúng ta vừa khánh thành đặt tượng của GS. Nguyễn Xuân Nguyên, người Viện trưởng đầu tiên nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Viện và cũng nhân dịp 100 năm ngày sinh của GS. Nguyễn Xuân Nguyên. Tượng bác Nguyên được đặt ở nơi trang trọng nhất giữa sân bệnh viện trước bảng lớn ghi khẩu hiệu: "Toàn thể CBCC BVMTƯ tự hào phấn khởi thi đua để xứng đáng với danh hiệu anh hùng mà nhà nước trao tặng". Tượng của Giáo sư Nguyên như một minh chứng cho sự kế tiếp xứng đáng của Viện trong 50 năm qua. Thời gian rồi sẽ qua đi, sẽ có rất nhiều đổi thay nhưng lịch sử 50 năm luôn nhắc nhở và mong muốn những người viết tiếp sẽ kế tục xứng đáng.

 

3529 Go top