Bác Hồ với ngành mắt - Ngành mắt với Bác Hồ 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho dân tộc và nhân loại: Sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng cuộc sống công bằng, hạnh phúc. Đó là quyền sống, quyền tự do và hạnh phúc cho con người. Người xác định sức khoẻ là vốn quý nhất của con người. Theo Người, “dân cường thì quốc thịnh”. Người luôn đấu tranh để xây dựng một nền y tế tiến bộ và hiện đại, mà người thầy thuốc được xem như “chiến sỹ đánh giặc ốm, để bảo vệ khang kiện của giống nòi”. Người cho rằng sức khoẻ của mỗi người dân có liên quan chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp với sức mạnh dân tộc: Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.

Đôi mắt là một bộ phận trong hàng trăm bộ phận khác trên cơ thể con người, nhưng rõ ràng đôi mắt chiếm vị trí cực kỳ quan trọng, chi phối toàn bộ hoạt động trong đời sống con người. Từ xưa ông cha ta đã có câu “đôi mắt là ngọc, đôi tay là vàng”, “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”... để nói lên tầm quan trọng của đôi mắt. Ngành Mắt là một ngành chuyên khoa, Bệnh viện Mắt TW là Bệnh viên chuyên khoa đầu ngành, với vị trí khiêm tốn trong hệ thống y tế nước ta. Nhưng những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và dành thời gian chia sẻ, những gì mà “chiến sỹ nhãn khoa” thực hiện trong sự nghiệp phòng chống mù loà, bảo vệ và chăm sóc mắt cho quân và dân ta trong nửa thế kỷ qua thì vị thế ngành mắt trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân quả là không nhỏ!

Những năm đầu sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới, thời kỳ xây dựng miền Bắc vững mạnh để làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Thật vinh dự và tự hào cho ngành Mắt – Viện Mắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới sức khoẻ nhân dân nói chung và đôi mắt của nhân dân nói riêng, quan tâm đến tình hình dịch bệnh về mắt lúc đó. Người đã thông cảm sâu sắc và chia sẻ, động viên cán bộ, nhân viên ngành Mắt - Viện Mắt ngay sau khi chính quyền cách mạng từ chiến khu Việt Bắc trở về tiếp quản Thủ đô.

Tháng 8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Viện Mắt. Một mốc son lịch sử quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình xây dựng và phát triển của Viện Mắt nói riêng và ngành mắt Việt Nam nói chung.

Bác Hồ đến thăm rất bất ngờ và không báo trước. Đầu tiên, Bác đi thẳng vào nhà bếp của Viện thăm hỏi các chị cấp dưỡng, rồi dọc theo hành lang vào phòng bệnh nhân. Mọi người đi theo Bác, nhiều khoa phòng bàng hoàng hò reo: Bác Hồ, Bác Hồ đến! Bác thấy bệnh nhân đông và chỗ làm việc chật chội nên Bác muốn Viện Mắt cần được quan tâm cải tạo và xây dựng thêm cơ cơ sở vật chất, sau đó Bác vào phòng mổ xem mổ lông quặm, rồi xuống phòng chiếu chụp điện quang. Sau cùng, Bác Hồ lên hội trường và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Viện Mắt. Bác hỏi: Tại sao đồng bào đau mắt đông quá mà viện thì nhỏ bé, đồng bào phải chen lấn vất vả đến khám bệnh...? Các thầy thuốc có đủ để phục vụ không đồng bào không? Vì Bác Hồ đến bất ngờ nên khi đó lãnh đạo Viện chỉ co đồng chí Phạm Viết My – Phó Viện trưởng và một số đồng chí khác báo cáo, trình bày với Bác những khó khăn về tổ chức, cơ sở vật chất, kinh phí không đủ để đáp ứng công việc, tình hình bệnh mắt hột trong nhân dân hiện rất trầm trọng... Bác đã động viên cán bộ nhân viên Viện Mắt phải cố gắng phục vụ, Bác sẽ nhắc Bộ Y tế quan tâm đến ngành mắt, nhưng Viện phải làm sao cho người bệnh đỡ khổ thì Bác mới vui...  Bác căn dặn: “Các cô, các chú là những người thầy thuốc chữa mắt nên phải có phương pháp dự phòng bệnh mắt hột, phải tích cực chạy chữa cho những người bị đau mắt, đem lại ánh sáng cho nhân dân”. Mọi người chưa hết xúc động, một người đã đề nghị hát tặng Bác một bài, khi hát chưa dứt thì Bác đã giơ tay chào mọi người rồi vội vã bước đi....

Trong bối cảnh đội ngũ cán bộ nòng cốt của Viện Mắt từ chiến khu về  tiếp quản Viện Mắt, cơ sở vật chất còn ngổn ngang, cán bộ nhân viên cũng thiếu nhiều, người bệnh khám điều trị tại Viện rất đông... tất cả đang bộn bề. Kể từ khi sự kiện Bác Hồ đến thăm Viện Mắt như luồng sinh khí mới, đã tạo môi trường làm việc, lao động hăng say, phấn khởi của cán bộ nhân viên toàn Viện. Tất cả đều xúc động trước những cử chỉ ân cần của Người, giọng nói ấm áp, truyền cảm nhẹ nhàng và những lời dạy sâu sắc... Người cầm tay người bệnh, xem mắt bệnh, thăm hỏi người bệnh như người thầy thuốc nhãn khoa. Thăm phòng mổ, Người dõi theo từng động tác của các bác sỹ, y tá phẫu thuật. Người đi đến thăm từng khoa phòng trong Viện, Người xuống nhà bếp để xem chế độ ăn uống, vệ sinh của cán bộ và người bệnh ra sao, Người chia sẻ với cán bộ Viện Mắt với điều kiện phòng mổ, nơi làm việc, những thiếu thốn về thiết bị dụng cụ, thuốc men ... Người quan tâm đến từng chi tiết dù nhỏ nhất. Tình cảm cuả Người chân thành, mộc mạc, gần gũi, không có khoảng cách của một lãnh tụ... đã khiến tất cả bệnh nhân, cán bộ Viện Mắt hôm ấy xúc động, xúc động đến lặng người!

Sau chuyến thăm đầy ý nghĩa và cảm động ấy của Bác Hồ, cảm thông với điều kiện cơ sở còn thấp kém, Bộ Y tế đã cấp kinh phí cho Viện Mắt xây dựng toà nhà 3 tầng ở phía đường Trần Nhân Tông, nới rộng thêm diện tích sử dụng. Cũng từ đó, cổng chính của Viện Mắt được mở ra hướng phố Bà Triệu. Ngay sau chuyến thăm Viện Mắt của Bác, đầu năm 1957, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Văn Đồng đến thăm Viện Mắt. Ngày 1.7.1957, Thủ tướng Chính Phủ ra Nghị định số 278/TTg thành lập Viện Mắt Hột – tức Bệnh viện Mắt TW ngày nay.

Trước đó, Bác Hồ trong chuyến thăm và làm việc tại Liên Xô, Bác có đề nghị Liên Xô cử chuyên gia đến Việt Nam, giúp ngành mắt - Viện Mắt thực hiện công tác phòng chống bệnh mắt hột ở Việt Nam, thời kỳ này bệnh mắt hột đang trở thành một bệnh dịch rất lớn trên diện rộng trong cộng đồng, điều trị phức tạp và lâu khỏi. Và đầu tháng 4.1956, thực hiện lời căn dặn của Bác, đoàn chuyên gia Liên Xô đầu tiên sang giúp Viện Mắt với thời gian công tác dài ngày – 18 tháng về lĩnh vực phòng chống bệnh mắt hột.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lo toan mọi công việc của đất nước, từ chống thù trong, giặc ngoài, lo chống đói, chống nạn mù chữ đến việc xây dựng và phát triển ngành y tế, tổ chức và phát động phong trào đời sống mới, trong đó có việc giữ gìn vệ sinh phòng bệnh. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu chúng ta chú ý vệ sinh phòng bệnh thì tránh được bệnh”. Sau hơn tám thập kỷ đô hộ áp bức bóc lột, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, sức khoẻ nhân dân Việt Nam sút kém. Cùng với những tập tục sinh hoạt lạc hậu, ăn bẩn, ở bẩn, uống bẩn khiến cho các bệnh xã hội hoành hành. Sau năm 1945, bệnh mắt hột chiếm tỷ lệ 90% nhân dân vùng đồng bằng và nhiều bệnh mắt phức tạp khác. Như Bác sỹ Phạm Ngọc Thạch nhận định: Tuy không có tính chất giết người hàng loạt nhưng những bệnh như bệnh mắt hột rất khó điều trị, khó phòng và dễ tái phát, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lao động, đến đời sống sinh hoạt và chiến đấu của quân và dân ta.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Người chỉ rõ: Công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua. Vệ sinh là công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đoàn thể. Vì vậy, vệ sinh không tách rời với yêu nước. Trong những chuyến công tác của Người, sau khi đi thăm nơi ăn chốn ở, Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt công tác vệ sinh phòng bệnh ở vị trí trung tâm. Những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, dựa vào quan điểm và tư tưởng của Hồ Chí Minh, ngành y tế tổ chức cuộc vận động vệ sinh phòng bệnh, làm dấy lên trong  nhân dân cả nước thực hiện phong trào ba sạch “ăn sạch, ở sạch, uống sạch”, bốn diệt “diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt côn trùng”, xây dựng các công trình vệ sinh “ hố xí, giếng nước, nhà tắm”...

Đối với ngành mắt, câu chuyện Người về thăm một xã ở Hà Nội, Người quan tâm đến công tác vệ sinh phòng bệnh, quan tâm đến giữ gìn và bảo vệ đôi mắt ra sao,... phần nào nói lên sự quan tâm, dành tình cảm đặc biệt tới đôi mắt, tới sức khoẻ nhân dân của Người.

Ngày 14.8.1962, Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân xã Quảng An, cạnh Hồ Tây (Quảng Bá - Hà Nội), Bác ghé qua lớp mẫu giáo xóm Quảng Khánh, thấy nhiều cháu bị đau mắt, toét mắt, trong đó có cháu Đỗ Thị Phúc (6 tuổi) vừa bị toét mắt, vừa bị đau mắt nặng. Nhìn các cháu, Bác thương và xúc động lắm. Khi ra về, Bác căn dặn cán bộ phải chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Riêng Bác đã lấy tiền lương của mình để xây một cái giếng kiểu mẫu cho nhân dân có nước sạch mà dùng, Bác khuyên : tránh rửa mặt bằng nước hồ ao làm cho nhiều người bị đau mắt. Bác còn dặn dò: Quảng An phải phấn đấu xây dựng thành xã kiểu mẫu, toàn diện về vệ sinh phòng bệnh của thành phố Hà Nội. Sau đó một tháng rưỡi, ngày 29.9.1962, Bác Hồ lại về thăm Quảng An một lần nữa, nhân cuộc họp tại đình Quảng Bá để sơ kết công tác vệ sinh phòng bệnh mùa hè, Bác lại tặng tiền và giao cho bệnh viện Việt – Xô xây cái giếng thứ hai, giao nhiệm vụ cho Cục bảo vệ sức khoẻ cùng với khoa mắt Bệnh viện Đống Đa tổ chức khám và chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Bác căn dặn nhân dân Quảng Bá: “Con người là vốn quý nhất của xã hội. Sức  khoẻ là vốn quý nhất của con người. Vệ là bảo vệ. Sinh là sinh sống. Con người muốn mạnh khoẻ, sống lâu để lao động sản xuất tốt thì phải ăn ở có vệ sinh. Muốn có vệ sinh phải có nước sạch. Muốn có nước sạch phải đào giếng. Đào giếng sẽ có nhiều nước sạch”. Xúc động trước những tình cảm cuả Người, cán bộ nhân dân xã Quảng An đã hứa với Bác quyết tâm phấn đấu lời dạy của Bác. Một tháng sau, nhân dân Quảng An đã làm được 47 cái giếng và thực hiện phong trào xây dựng “ba công trình”. Tròn một năm sau ngày Bác Hồ về thăm, nhân dân Quảng An  đã báo cáo lên Bác những thành tích đạt được về công tác vệ sinh phòng bệnh. Báo cáo với Bác về công tác điều trị đau mắt hột từ 31,18% đã giảm xuống còn 24, 27%. Báo cáo lên Bác về trường hợp cháu Đỗ Thị Phúc bị đau mắt nặng đã được chữa khỏi và cháu đã phấn khởi đi học vỡ lòng. Sau đó, cho đến những năm tháng sau này, cán bộ và nhân dân Quảng An cũng như Trạm mắt Hà Nội đều báo cáo thường niên lên Bác những thành tích, những tồn tại, hạn chế trong công tác vệ sinh phòng bệnh cho nhân dân.

Trước khi Bác mất, trong bản di chúc, Bác căn dặn và đề cập nhiều vấn đề  quan trọng của dân tộc, của Đảng, về công cuộc kháng chiến kiến quốc,... Khi nói về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, Bác đã viết : “ Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quí báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”... Bác ví von đại đoàn kết trong Đảng như con ngươi, điều đó cho thấy Bác đánh giá rất cao vai trò cuả đôi mắt, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đôi mắt mà Người muốn nói là ánh sáng, là đường lối, là tầm nhìn, là con đường đưa cách mạng đi đến mọi thắng lợi...

Bác quan tâm đến sức khoẻ nhân dân là thế. Tình cảm cuả Bác, tấm lòng của Bác luôn in sâu vào trong trái tim của những cán bộ nhãn khoa. Lời dạy của Bác Hồ đã cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng giá trị hiện thực vẫn còn đó, vẫn thấm sâu vào tâm trí, máu và mồ hôi của mỗi người thầy thuốc nhãn khoa. Lời căn dặn năm ấy giờ đây đã vượt qua khuôn khổ ở một cơ quan Viện Mắt, trở thành lời động viên, căn dặn cho toàn ngành mắt Việt Nam, đặt lên vai người cán bộ nhãn khoa cả nước những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề nhưng rất đỗi tự hào, vẻ vang và cao quý: “Đem lại ánh sáng cho nhân dân”!

Bệnh viện Mắt TW trong vai trò “cánh chim đầu đàn” của ngành mắt, sau 50 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành đã đạt được những thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phòng chống mù loà ở Việt Nam, cùng với ngành mắt phát triển quy mô, chính quy, hiện đại và những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện có, có thể sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới. Trong suốt chặng đường ấy, có những lúc gian khó, thăng trầm, có lúc vui lúc buồn, nhưng  hình ảnh và tình cảm của Người luôn hối thúc, giục giã và trở thành điểm tựa tinh thần cho mọi cán bộ nhãn khoa vượt qua, vươn lên. Những quan điểm của Người về phát triển y tế, về công tác vệ sinh phòng bệnh, về xây dựng bệnh viện theo hứơng “dân tộc – khoa học - đại chúng”... luôn được ngành mắt Việt Nam vận dụng sáng tạo trong thực tiễn.

Giờ đây trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn cách mạng mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, dưới ánh sáng tư tưởng của Người, ngành Mắt – Viện Mắt tiếp tục phát huy thành quả đạt được, xây dựng và phát triển ngành theo hướng “khoa học – dân tộc – hiện đại – nhân văn”.

Hơn nửa thế kỷ nhìn lại chặng đường đã qua, nhớ về Bác Hồ, ngành Mắt Việt Nam– Bệnh viện Mắt TW đã, đang và sẽ không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện y đức, y thuật phục vụ nhân dân, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện tâm nguyện và lời dạy của Người.

4678 Go top