Trần Nghi
Báo Thủ đô thứ bảy ngày 14/12/1957
Giờ đây đi qua phố Trần Nhân Tông, đứng trước toà nhà ba tầng đồ sộ mới tinh với những khung cửa chớp sơn màu lá mạ nổi bật trên nền tường màu ve nhạt ai mà không liên tưởng ngay đến “nhà thương chữa mắt” cũ cổ lỗ, tiều tuỵ ngày nào. Bệnh viện này vốn xây dựng từ năm 1917, gồm một nhà khám và một nhà điều trị cho 50 người bệnh, sau cũng có mở mang thêm ở bên trong cho 180 giường. Từ lúc còn là một học trò nhỏ cho đến sau khi tiếp quản, qua đây tôi vẫn thấy gần y nguyên...
Gần đây, theo chủ trương của Bộ Y tế, bệnh viện đã được sửa sang lại, xây dựng thêm gần như hoàn toàn mới. Cụ Sĩ ở phòng y giáo vụ vui vẻ dẫn tôi đi vừa đi vừa chỉ: “Đây là căn nhà số 7 phía đường Bà Triệu, nhà một tầng lụp sụp như chuồng chim, trước vừa là kho vừa là chỗ bệnh nhân nằm. Nay căn nhà này phá đi, và đấy đồng chí trông bây giờ là ngôi nhà hai tầng dài hơn 30 thước, rộng 9 thước, hiện nay tạm thời dùng cho cơ quan hành chính quản trị ở, sau này sẽ là phòng điều trị”.
Chúng tôi lại đi về phía nhà trông ra đường Trần Nhân Tông, và cũng là mặt chính của Bệnh viện. Trước đây nó chỉ là nhà một tầng, nay đã hoàn toàn đổi mới: ngôi nhà dài gần 30 thước, rộng 9 thước, cao ba tầng.
Bắt đầu đi vào tầng dưới, cụ Sĩ chỉ: “Đây là buồng ghi tên, buồng đợi, và đây là buồng tôi”. Anh em công nhân đang quét vôi đen lên tường. Thấy tôi chưa hiểu, cụ giải thích: “Khám mắt phải tối, không chút ánh sáng. “Xông - đê” sâu trong mắt mà có ánh sáng bên ngoài thì chịu”.
Sang đến phòng thí nghiệm, tường và bàn bằng đá trắng bóng loáng sờ mát lạnh. Chúng tôi lên cầu thang, anh em công nhân đang leo lan can sắt, tiếng búa nện vào sắt nhộn nhịp. Tầng thứ hai cũng có hai buồng khám bệnh. Đào tạo cán bộ là một vấn đề ta rất quan tâm: tầng này có một giảng đường rộng rãi và một thư viện chuyên môn, cùng với ba buồng thí nghiệm và một phòng họp công đoàn. Tầng trên cùng cũng lại có buồng khám bệnh. Buồng khám bệnh nhiều hơn trước giúp bệnh nhân không phải chầu chực, nối đuôi nhau thành hàng dài ở ngoài đường như trước.
Lên cao rồi, bây giờ ta xuống thấp. Cụ Sĩ tiếp tục dẫn tôi đi thăm hầm lạnh xây ngầm. Hầm sâu 2 thước, rộng 8 thước, ngang 4 thước, hiện nay đang xây dở còn lõng bõng nước, sau khi bơm hút nước đi sẽ trở thành nơi bảo quản thuốc rất tốt.
Qua các phòng điều trị, bệnh nhân băng mắt, nhỏ thuốc khá nhiều. Một vài căn buồng đóng kín là đang mổ. Có buồng cửa hé mở, nhòm vào thấy bệnh nhân phủ vải trắng nằm đợi mổ: có buồng bác sỹ và nhân viên phục vụ đang làm việc, mũ, áo “bờ- lu”, tường, giường, đều trắng toát, sạch sẽ. Ở những buồng khác giường đều kê rộng rãi, mỗi buồng từ 3 đến 4 giường, mỗi giường một bệnh nhân, không còn tình trạng hai, ba người chồng chất lên nhau nữa.
Tôi hỏi cụ Sĩ về số người điều trị mà bệnh viện có thể nhận được khi đã xây dựng xong. Cụ cho biết hiện nay vì đang xây dựng nên phạm vi nhận bệnh nhân có bị thu hẹp một phần, nhưng tương lai số giường nằm nhất định có tăng hơn. Song cụ nhấn mạnh: Không phải chỉ nhìn vào số giường mà đánh giá sự phát triển của y tế ta. Thời tạm bị chiếm bệnh viện này tuy mỗi ngày khám hàng mấy trăm người, số người nằm lại cũng nhiều, nhưng cán bộ, nhân viên ít, nhà cửa chật chội, mất vệ sinh, cơ sở làm việc không đủ, chất lượng chữa bệnh kém nên bệnh nhân phải nằm lâu, chữa kéo dài ảnh hưởng tới công việc làm ăn và tốn kém. Hiện nay, hướng chính chống đau mắt hột của ta là tổ chức nhiều đoàn lưu động về tận nơi để chữa, như thế bệnh nhân được chữa trị ngay tại địa phương, vừa bảo đảm sản xuất và replica horloges rolex thuận lợi cho việc đi lại của đồng bào. Và điều cần nhất là gây ý thức giữ gìn vệ sinh phòng bệnh bảo vệ mắt cho nhân dân.
Chúng tôi còn đi thăm khu vực nuôi thỏ dùng làm thí nghiệm, và thăm xưởng cơ khí sản xuất những dụng cụ chữa mắt như kim khâu, kẹp pa – nát để mổ mộng, mổ quặm, cái đo độ lác, kính bảo vệ mắt, những dụng cụ đó tinh sảo không kém gì những hàng ngoại.
Bước chân ra về, nhìn ánh sáng chan hoà chiếu trên toà nhà đẹp đẽ, tôi càng cảm thấy quý mến ánh sáng và tin tưởng một ngày gần đây bệnh viện sẽ góp phần tích cực hơn trong việc đem lại ánh sáng mặt trời, màu sắc tươi vui của cảnh vật cho người mù, người loà, bảo vệ con mắt trong sáng cho nhân dân.