Thanh toán quặm và giải phóng bệnh đục thủy tinh thể ở tuyến huyện - Bước đột phá của ngành mắt 

Theo điều tra thì tỉ lệ từ 5 - 7 %, lông quặm lại là một biến chứng gây mù loà nhiều nhất cho nhân dân ta từ những năm 1970 trở về trước. Cứ theo như tỉ lệ lông quặm thì mỗi một tỉnh thành có hàng trăm ngàn người có yêu cầu được mổ ngay về lông quặm.

Bs. Đỗ Văn Phức

Từ khi tôi về công tác ở Viện Mắt, tôi nhận công tác ở chỗ anh Vũ Công Long, thế là tôi cũng đi theo anh Long cho đến tận ngày về hưu.

Ngoài anh Long ra thì tôi là người đi khá nhiều, chấp hành sự phân công tuyệt đối. Trước Tết Mậu Thân năm 1968, anh Long và Viện phó Nguyễn Thành Danh phân công cho tôi đi tuyến lửa Quảng Bình 4 tháng. Tôi lên đường vào Quảng Bình vào ngày 27 Tết âm lịch. Trong thời gian đó, tôi vừa tham gia công tác mắt với anh em trong đó kết hợp mổ chấn thương chiến tranh với các bác sỹ ngoại khoa. Khi công tác ở Quảng Bình được tặng một giấy khen của ngành y tế Quảng Bình.

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước tôi là người được phân công vào khu IV nhiều nhất. Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá là những tỉnh đặt chân nhiều lần để chỉ đạo và kiểm tra công tác PCML. Có lần tôi đi với bác sỹ Thọ do GS.Nguyên phân công đi Thanh Hoá, có lần đi với BS Vũ Công Long đêm đến nghỉ ở gần Cầu Đô   ( Thanh Hoá), quê anh Cù Nhẫn Nại để sáng hôm sau lại đi tiếp. Thường phải chuẩn bị chiếc xe đạp xăm lốp cho thật tốt và một túi du lịch, vài bộ quần aó để lên đường cho thuận lợi. Giờ đây khi về hưu, đôi khi xem trên vô tuyến có nhắc đến các địa điểm Sông Gâm (Tuyên Quang), sông Trà Lý (Thái Bình), bên đó Triều Dương ( Hưng Yên - Thái Bình )... mà tôi đã từng đến, có nơi vài ba lần, khi kể chuyện với gia đình,với con cháu, lòng tôi xốn xang đến lạ kỳ!

Thực tâm mà nói tôi rất say mê với công tác ngành, nhưng so với anh Long thì còn thua xa. Dẫu vậy, nhiều năm làm cùng anh Long lăn lộn với công tác ngành đã để lại trong tôi bao kỷ niệm cũng như những kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo tuyến, PCML ở cộng đồng. Xin được gom nhặt vài dòng chia sẻ với đồng nghiệp.

1. Công tác thanh toán lông quặm

Như các bạn đã biết, theo điều tra thì tỉ lệ từ 5 - 7 %, lông quặm lại là một biến chứng gây mù loà nhiều nhất cho nhân dân ta từ những năm 1970 trở về trước. Cứ theo như tỉ lệ lông quặm thì mỗi một tỉnh thành có hàng trăm ngàn người có yêu cầu được mổ ngay về lông quặm.

Trong khi đó ở các tuyến xã, quận, huyện, tỉnh chỉ mổ lác đác những bệnh nhân  quặm, bệnh nhân nào đến thì mổ. Như vậy thì không bao giờ mổ hết bệnh nhân có lông quặm  ở nước ta.

Mặc dầu trong thời gian chống Mỹ cứu nước nhưng nhu cầu thanh toán lông quặm là một đòi hỏi bức thiết của ngành ta. Do đó các mặt công tác lúc đó được đặt ra những bước như sau:

a. Công tác thanh toán quặm quy mô toàn huyện

- Tranh thủ sự nhất trí cao của các BS làm chuyên môn ở viện và đường lối chủ trương thanh toán quặm:

Từ những năm 1965 trở về trước, các phẫu thuật mổ quặm của ngành là Trabut, Safesko, Suellen, Panas. Các phẫu thuật này có những ưu và nhược điểm của nó như: phẫu thuật Trabut khó mổ đối với tuyến cơ sở, phẫu thuật Panas ưu điểm là đạt độ vểnh cao, nhưng có bệnh nhân tỉ lệ viêm bờ mi kéo dài tới 3 - 4 tháng, vì thế khó thuyết phục bệnh nhân đi mổ.

Rất may là năm 1966 - 1967, BS Phan Kế Tôn áp dụng mổ quặm theo phương pháp Cucnod - Nataf cải biên đạt hiệu quả cao về độ vểnh và tỉ lệ viêm bờ mi rất thấp, bản thân tôi sau đó xuống địa phương mổ và theo dõi 40 - 50 bệnh nhân một đợt mổ mà không gặp một biến chứng nào về viêm bờ mi. Về sau và đến ngày nay đôi khi có gặp bệnh nhân quặm chúng ta vẫn mổ theo phương pháp này.

Phòng Chỉ đạo chuyên khoa đã tranh thủ tiếp thu kỹ thuật này và trao đổi với BS chuyên môn của Viện là BS Tôn Thất Hoạt, Phan Đức Khâm, Phan Kế Tôn ... với nội dung là:  Nếu đặt ra thanh toán lông quặm thì mổ phương pháp nào? Ai mổ ? Mổ ở đâu?

Những câu hỏi này đã được trả lời là " Đào tạo cán bộ y tế xã và chuyên khoa mắt tuyên truyền có thể mổ được", nơi mổ là xã, cụm xã hoặc chuyên khoa mắt tuyến huyện. Sau đó BS Long đã xin ý kiến Viện trưởng GS. Nguyễn Xuân Nguyên có sự chấp thuận về đường lối chủ trương thanh toán quặm.

Tóm lại công tác thanh toán lông quặm cho nhân dân ta đã được Viện trưởng đầu ngành chấp thuận về chủ trương và có sự nhất trí cao của các BS chuyên môn bậc đàn anh trong Viện. Tiếp thu ý kiến của Viện trưởng, phòng Chỉ đạo chuyên khoa đề ra 2 biện pháp:

+ Tập trung thanh toán lông quặm cho từng huyện.

+ Tiến tới thanh toán lông quặm quy mô cả tỉnh.

Công tác đào tạo cán bộ cơ sở và tổ chức thí điểm

-  Công tác đào tạo cán bộ cơ sở:

Sau khi phẫu thuật Cucnod - Nataf cải biên ra đời, các cán bộ khoa mắt, trạm mắt các tỉnh thành tiếp thu rất nhanh. Phòng CĐCK trực tiếp chỉ đạo các trạm mắt tỉnh có kế hoạch đào tạo cán bộ y tế cơ sở mổ quặm theo phương pháp Cucnod - Nataf cải biên, chỉ mổ quặm độ IV theo phương pháp Panas. Thế là chỉ sau một thời gian ngắn, tỉnh nào cũng thực hiện đào tạo cán bộ y tế cơ sở mổ quặm để chuẩn bị cho công tác thanh toán lông quặm trên quy mô toàn tỉnh.

Trong thời gian đó, nhiều cán bộ y tế xã rất say mê về công tác chuyên khoa mắt, nhất là việc mổ quặm có nhiều đồng chí mổ rất giỏi. Sau này có dịp xuống địa phương thấy bệnh nhân ở đó đã mổ hết quặm rồi, dụng cụ mổ quặm được chuyển sang làm việc khác (không nhiều).

-  Công tác tổ chức thí điểm:

Phòng CĐCK kết hợp với Trạm mắt Thanh Hoá chọn huyện Nông Cống tổ chức làm thí điểm vì có các thuận lợi là BS Ngoan là trưởng Phòng y tế huyện, y sỹ Thụ là cán bộ chuyên khoa mắt rất nhiệt tình với công tác mắt.

Người được phân công chỉ đạo việc thanh toán quặm lúc đó là BS Đỗ Văn Phức, sau này đến năm 1970, khu sơ tán Tư Đình chuyển lên Việt Yên Hà Bắc. BS Phan Phụng được phân công cùng tham gia chỉ đạo với BS Đỗ Văn Phức. Cũng xin mạn phép nói rằng BS Phan Phụng chỉ muốn làm chuyên môn KT, không muốn làm công tác ngành mắt nhưng là Đảng viên nên phải chấp hành. Sau năm 1975, BS Phụng về làm chủ nhiệm KM Bệnh viện C Đà Nẵng. Nay BS Phụng đã mất rồi, người cùng một thời công tác với tôi.

Cũng trong năm 1970 - 1971, BS Vũ Công Long, BS Đỗ Văn Phức đã kết hợp với BS Nguyễn Xuân Thước, trạm trưởng Trạm mắt Thanh Hoá tổ chức 2 hội thi đua tài mổ quặm ở xã Định Hoà, Thanh hoá. Các huyện trong tỉnh đã cử nhiều đoàn về dự thi, đặc biệt là huyện Nông Cống đã có trên 10 cán bộ chuyên khoa mắt ở cơ sở về tham gia dự thi và kiến tập ở 2 hội thi này.

Nhân đây cũng muốn nói thêm là BS Đỗ Kim Bảng ở Hà Nam Ninh rất nhanh nhạy, sau đó cũng tổ chức 1 hội thi ở Kim Bảng, Hà Nam, có mời BS Vũ Công Long và tôi về tham dự.

Sau 2 đợt thi tài mổ quặm nói trên, Phòng CĐCK, Phòng Y tế và cán bộ chuyên khoa mắt huyện Nông Cống mở chiến dịch thanh toán lông quặm trên quy mô toàn huyện, công tác tuyên truyền, vận động bệnh nhân đi mổ quặm được các giới, các ngành tham gia ủng hội rất nhiệt tình và hăng hái.

Đặc biệt công tác thanh toán quặm lúc bấy giờ được các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở giúp đỡ về kinh phí, về tổ chức chỉ đạo đến tận cơ sở các đảng bộ trong xã. Thế là công tác mổ quặm được tiến hành ngay tại xã, hoặc cụm xã, nơi nào cũng được mổ, mỗi xã mổ từ 20 - 30 bệnh nhân, có xã trên 40 bệnh nhân. Kết quả là hơn 3 tháng mổ chiến dịch cho 18 xã ở huyện Nông Cống đã mổ cho hơn 400 bệnh nhân bị lông quặm.

Cuối năm 1971, Viện đã tổ chức đoàn kiểm tra gồm Viện Mắt, Trạm mắt Hà Nội, Trạm mắt Hà Nam Ninh, Trạm mắt Nghệ An về huyện Nông Cống kiểm tra theo các tiêu chuẩn như kỹ thuật mổ, số bệnh nhân còn sót lại, các tiêu chuẩn về vệ sinh phòng bệnh như nhà tắm, hố xí 2 ngăn, ý thức nhân dân vệ sinh phòng bệnh về mắt ...

Theo các kết quả kiểm tra của đoàn, huyện Nông Cống đã được công nhận là huyện đầu tiên thanh toán lông quặm của tỉnh Thanh Hoá, đồng thời cũng là huyện đầu tiên ở miền Bắc là lá cờ đầu trong phong trào thanh toán lông quặm trên quy mô toàn huyện.

b. Công tác thanh toán quặm trên quy mô toàn tỉnh:

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ thanh toán quặm ở huyện Nông Cống là: đào tạo cán bộ y tế cơ sở mổ quặm, điều tra cơ bản về số lượng bệnh nhân cần phải mổ ở mỗi xã phường, tuyên truyền; vận động; giúp đỡ những gia đình khó khăn có người cần được mổ quặm, Phòng Chỉ đạo chuyên khoa đã phổ biến và chỉ đạo các trạm mắt tỉnh tổ chức chỉ đạo thanh toán quặm từng huyện để tiến tới thanh toán quặm trên quy mô toàn tỉnh.

Là cán bộ nhãn khoa, tôi chưa thấy phong trào thi đua về thanh toán lông quặm lại sôi động, rầm rộ, dấy lên như một cao trào hoạt động của ngành mắt lúc bấy giờ.

Ngay sau đó, đầu năm 1972, BS Đỗ Kim Bảng ở Hà Nam Ninh đã mời Phòng CĐCK về huyện Duy Biên để tổ chức công nhận thanh toán quặm cho toàn huyện. Vì là con gà tức nhau tiếng gáy nên những năm tháng tiếp theo, các trạm mắt tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Hưng đề nghị Phòng CĐCK xuống tổ chức công nhận thanh toán lông quặm. Lúc đó Phòng CĐCK cũng tới một vài tỉnh Thái Bình, Hải Phòng ... để động viên và tổ chức công nhận. Sau này chúng tôi phải đề nghị là "Các đồng chí mời các lãnh đạo địa phương tham gia để tự tổ chức công nhận theo các tiêu chuẩn của ngành đã đề ra".

Các trạm mắt tỉnh lúc đó cứ tổ chức mổ cho huyện này và cùng lúc thì lại tổ chức điều tra cơ bản quặm cho huyện khác, làm theo kiểu cuốn chiếu từng huyện.

Trong khi chỉ đạo thanh toán quặm lúc đó tôi cứ hy vọng rằng năm 1971, Thanh Hoá là lá cờ đầu thanh toán quặm huyện Nông Cống thì chắc nay mai Thanh Hoá sẽ là lá cờ đầu thanh toán quặm trên quy mô toàn tỉnh ở miền Bắc. Nhưng Thanh Hoá không làm được vì dân số đông hơn các tỉnh khác, lại có một số huyện miền núi xa xôi đi lại khó khăn.

Sau khi thanh toán quặm cho huyện Duy Tiên thì cứ lần lượt tổ chức thanh toán quặm cho các huyện Nghĩa Hưng, Bình Lục, Ý Yên ... Cho tới năm 1975, Hà Nam Ninh là một tỉnh được công nhận thanh toán quặm trên quy mô toàn tỉnh, là lá cờ đầu thanh toán quặm của các tỉnh miền Bắc. Và cứ như thế cho những năm tiếp theo là các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Bắc ... được tổ chức công nhận.

Kết quả là 10 tỉnh ở miền Bắc đã được công nhận thanh toán lông quặm, đã mổ cho hàng vạn người thoát khỏi cảnh mù loà do biến chứng lông quặm gây nên. Cũng cần nói thêm sau ngày giải phóng có thêm Khánh Hoà là một tỉnh miền Trung được tổ chức công nhận. Tôi tự suy nghĩ thành tựu công tác thanh toán quặm của ngành ta là đột phá vì một thành tựu trước đây chưa làm được trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

2. Công tác mổ đục thuỷ tinh thể tuyến huyện:

Cuối năm 1970 tôi đi công tác kiểm tra mắt tỉnh Nghệ Tĩnh, BS Tô Bá Bẩy là trạm phó Trạm mắt Nghệ Tĩnh cùng đi với tôi lên Thanh Chương, nơi sơ tán của khoa mắt lúc bấy giờ.

Cuối đợt kiểm tra BS Tuệ là chủ nhiệm khoa mắt có đưa cho tôi 1 danh sách trên 100 bệnh nhân đục thuỷ tinh thể hẹn chờ mổ. Số giường của khoa mắt chỉ có 20 giường lại ở nơi sơ tán khó khăn về nhiều mặt, BS Tuệ có phàn nàn là mỗi tuần tôi chỉ mổ 2 - 3 bệnh nhân thôi và không biết khi nào mổ hết được.

Sau đợt kiểm tra BS Tô Bá Bẩy có nói với tôi " Anh chuẩn bị thật kỹ để làm việc với Ty y tế" và nhắc thêm rằng BS Nguyễn Văn Thắng là Thương vụ tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh kiêm trưởng Ty y tế.

Một buổi sáng năm 1970 tôi được làm việc với Ty y tế gồm có BS Thắng trưởng ty, BS Hồ Sĩ Ba phó ty, và 2 phó ty nữa hiện giờ tôi không còn nhớ tên. Sáng hôm đó đang làm việc thì nghe tin đêm trước máy bay Mỹ thả phi công xuống Sơn Tây để cướp tù binh Mỹ. ( Những con người tôi kể trên hiện nay vẫn còn sống, gần đây tôi đã có dịp được gặp lại )

Sau khi nghe tôi trình bày về công tác chuyên khoa mắt của Nghệ Tĩnh và tình hình đục thuỷ tinh thể của bệnh nhân hẹn chờ mổ, ty y tế có đề xuất với tôi "Anh về báo cáo với viện cho chủ trương giải quyết và đề nghị BS Quỳnh, trạm trưởng trạm mắt ra làm việc với viện". Khi tôi báo cáo với anh Vũ Công Long về công việc kiểm tra khoa mắt Nghệ Tĩnh, anh Long kéo tôi xuống phòng GS Nguyễn Xuân Nguyên để báo cáo với viện trưởng.

Ít ngày sau BS Quỳnh cũng ra trực tiếp gặp GS Nguyễn Xuân Nguyên xin yêu cầu giải quyết cho bệnh nhân đục thuỷ tinh thể đang tồn đọng như tôi đã trình bày ở trên.

Các tài liệu điều tra cơ bản sau này như trong năm 1986, nguyên nhân gây mù của đục thuỷ tinh thể là 39,4 % năm 1990 là 82,3 %. Rõ ràng đục thuỷ tinh thể là một yêu cầu bức xúc cần được mổ để giải phóng mù loà.

Những vấn đề đặt ra là: làm thế nào mổ được ? đào tạo cán bộ như thế nào để mổ ? mổ ở tuyến nào ?

Trước tình hình trên Phòng CĐCK đề ra các biện pháp là:

- ở các tuyến huyện nơi nào có y sĩ chuyên khoa mắt thì mạnh dạn bồi dưỡng chuyên môn và nâng cao tay nghề để mổ.

- Chuẩn bị vô trùng tốt để mổ ngay tại phòng mổ của bệnh viện huyện.

- ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh có 1 y sỹ tai mũi họng khoa mắt Nghệ Tĩnh đã bồi dưỡng chuyên môn đã từng làm các phẫu thuật về mắt ( theo báo cáo của khoa mắt Nghệ Tĩnh ), vì thế nên chọn huyện Quỳnh Lưu là nơi mổ thí điểm.

Tất cả các biện pháp nêu trên đã được GS Nguyễn Xuân Nguyên viện trưởng chấp thuận.

Mặt khác, BS Vũ Công Long lúc đó là thường vụ đảng uỷ của viện, nên đã đưa ra việc mổ đục thuỷ tinh thể tuyến huyện với BCH đảng uỷ, và đảng uỷ của viện đã ghi vào nghị quyết trong năm ấy.

Cuối cùng là việc xin ý kiến các BS chuyên môn trong viện như công tác mổ quặm là BS Tôn Thất Hoạt, Phan Đức Khâm, Hà Huy Tiến, Phan Kế Tôn, Nguyễn Trọng Nhân ... đều được sự ủng hộ nhất trí cao về chủ trương này.

Tóm lại chủ trương giải phóng kỹ thuật để mổ thuỷ tinh thể là 1 sáng kiến quan trọng, là 1 chủ trương táo bạo, cách mạng trong việc chỉ đạo kỹ thuật hồi bấy giờ đã có sự thống nhất từ lãnh đạo của viện cho đến các BS chuyên môn trong toàn viện.

Công việc được tiến hành là đầu năm 1971, GS  Nguyễn Xuân Nguyên đã cử BS Phan Dẫn, y sỹ Hạnh thuộc Bộ môn mắt trường ĐHYK cùng với y tá Nguyễn Triệu và một số sinh viên chuyên khoa vào huyện Quỳnh Lưu kết hợp với y sỹ Hoài An của huyện vừa phụ mổ vừa học tập thêm để sau này có thể đảm đương mổ cho bệnh nhân tại huyện. Chỉ trong 2 tháng đợt mổ hoàn thành, đã mổ cho 50 bệnh nhân đục thuỷ tinh thể không có biến cố gì, kết quả tốt đạt 91 %.

Phải nói ngay rằng sau đợt mổ ở Quỳnh Lưu, y sỹ Hoài An đã được nâng cao tay nghề nên đã mổ không những cho bệnh nhân trong huyện mình và rất nhiều bệnh nhân đục thuỷ tinh thể ở các huyện khác cũng đến huyện Quỳnh Lưu xin mổ.

Tiếp sau đó, BS Đỗ Kim Bảng đã tổ chức mổ đục thuỷ tinh thể ở huyện Bình Lục, đợt mổ này đã mổ cho 30 bệnh nhân không có biến chứng sai sót trầm trọng gì, trong đợt mổ này GS Nguyễn Xuân Nguyên đã về chứng kiến thị sát để rút kinh nghiệm.

Tóm lại công tác mổ đục thuỷ tinh thể ở huyện Quỳnh Lưu và Bình Lục, Nam Hà đã mang lại sự thành công tốt đẹp rực rỡ của ngành.

Từ những bài học thí điểm mổ đục thuỷ tinh thể ở huyện Quỳnh Lưu về đào tạo cán bộ mổ ở tuyến huyện, về vô trùng và về tổ chức mổ, sau đó các trạm mắt tỉnh lại sôi động một phong trào thi đua mổ đục thuỷ tinh thể trên khắp các tỉnh thành, trạm mắt tỉnh nào cũng về viện xin cấp trang thiết bị, dụng cụ mổ đục thuỷ tinh thể để mổ ở tuyến huyện. Có nhiều nơi sau này ngoài việc mổ ở huyện lại tổ chức mổ ở các cụm liên xã, chọn nơi nào có trạm y tế khang trang, khử trùng tốt để tiến hành mổ, tránh sự đi lại tốm kém cho bệnh nhân.

Xin nói thêm là sau những năm tiếp theo, BS Phan Dẫn đã hỗ  trợ cho 17 huyện ở khắp các tỉnh để mổ đục thuỷ tinh thể, nếu không nhầm thì BS Phan Dẫn có luận văn tiến sĩ về mổ đục thuỷ tinh thể tuyến huyện khá công phu và những bài học kinh nghiệm cho công tác mổ thuỷ tinh thể tuyến huyện.

Sau ngày giải phóng, công tác mổ đục thuỷ tinh thể lại được tiến hành mổ ở các tỉnh phía Nam, nhiều BS  ở Bệnh viện mắt Điện Biên Phủ như BS Đỗ Thu Nhàn, BS Nghiêm ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã xuống các quận, huyện ở Đồng bằng sông Cửu Long để triển khai mổ thuỷ tinh thể ở các nơi đó.

Nhìn chung ngành ta đã sớm mạnh dạn giải phóng kỹ thuật để mổ đục thuỷ tinh thể tuyến huyện. Việc mổ đục thuỷ tinh thể của ngành đã được tiến hành từ những năm 1970 và tới nay đã và đang thực hiện chương trình này nhiều năm trong cả nước, ngành ta đã giải phóng mù loà cho hàng trăm vạn người đục thuỷ tinh thể, đó là điều tự hào cho những con người làm công tác phòng chống mù loà, tự hào cho ngành mắt chúng ta !

Tháng 6 năm 2004

2704 Go top