Chúng ta cực chẳng đã đang đối mặt với thách thức của thời đại, của cơ chế chính sách lạc hậu hay kém linh hoạt, của lòng người táo tác, của sức chịu đựng có hạn…Thế giới cũng chẳng tốt đẹp gì hơn kể từ ngày dịch COVID thu lưới hái chết chóc của nó quét ngang dọc khắp các quốc gia. Con số chúng ta đã chán ngán chẳng buồn nhập tâm đến ngày hôm nay hơn 100 triệu người mắc, hơn 10 triệu người chết. Khi dịch bệnh đã tạm yên thì cuộc chiến ở Urkrain vô duyên, vô lý lại xảy ra. Những nhà tan cửa nát, xác chết, ly tán rồi hệ luỵ là khủng hoảng lạm phát và năng lượng …Sức người, trí não, con tim của ta sao tránh khỏi rệu rã và đau đớn!
Bệnh viện đã tròn 65 tuổi, thêm 105 năm kể từ ngày thành lập. Không ai đủ tuổi thọ để chứng kiến mọi thứ, cũng không ai lưu bút hết cần ấy thời gian Bệnh viện kỷ niệm ngày thành lập của mình như thế nào. Tất nhiên cùng với đất nước, dân tộc, thời cuộc Bệnh viện cũng có những thăng trầm. Ngôi nhà A 3 tầng luôn quét vôi vàng từ thời Pháp chắc sẽ chứng kiến được nhiều nhất những đổi thay. Thủa bé tôi hay nhìn GS Nguyên rời chiếc xe Moskovic đi vào phòng làm việc của bác ngay ở tầng 1, đầu dãy khu Chất Lượng Cao bây giờ.
Tôi không bao giờ dám lại gần GS nhưng chính ông đã hỗ trợ nuôi nấng chúng tôi cho đến ngày ông mất 1/10/1975. Bố tôi - một học trò của ông kể lại GS rất ái ngại cho cảnh nhà đông con của gia đình tôi nên có tiền nhuận bút, nhân dịp lễ tết hay đưa cho bố tôi vài đồng gọi là hỗ trợ ăn học. Ơn nghĩa đó thấm sâu qua đời bố tôi đến chúng tôi. Bố tôi là người khởi xướng việc dựng tượng GS Nguyên, tôi tham gia tích cực vào biên soạn 2 cuốn Lược sử của Bệnh viện nhân dịp 50 và 60 năm thành lập. Các bậc cao lão hay chớm già như tôi đều công nhận tất cả đã thay đổi nhiều quá! Nhà C rồi nhà D, nhà H, nhà E xây dựng kiểu hiện đại. Chỉ còn nhà A là còn dáng dấp của ngày xưa. Tay cầu thang gỗ lim kiểu pháp, những khung cửa sổ xanh vẫn còn. Có khác là nhìn xuống đường Trần Nhân Tông giờ ồn ào và quá nhiều quán xá, cửa hàng. Khoảng 40 năm trước tôi hay dướn mình nhòm xuống phố: Vài chiếc xe thồ bán dưa lê, quả vải, một chiếc xe ô mậu dịch bán chanh ga - sirop lựu, một cửa hàng cơm - bán nước sôi. Mỗi ngày bố sẽ cho tôi một hào để ăn quà vặt dưới phố hoặc ra công viên Thống nhất đạp xe ba bánh. Cây hoa gạo cạnh nhà A đã bị chặt từ lâu, cây dừa cạn và hoa long não sát tường khéo lại trở thành “bô lão” của cây cối bây giờ? Sân viện đã không còn cảnh ngày Tết trở thành sân chia thịt lợn, chiếc xe com - mang - ca chiếu đèn pha sáng quắc, lợn kêu, nước sôi, tiếng dao thớt vang động để những con em của nhân viên bệnh viện như tôi săng sái xách ngay về nhà để mẹ và các em có cỗ tết… Chớp mắt, rùng mình. Bốn mươi năm đã qua!
Vòng đời những bác sĩ, nhân viên cũng vậy. Các bậc cao lão đã lần lượt về tiên tổ: GS Nguyên, GS Trà, GS Nhân, Gs Tân, Gs Tiến… rồi những lão làng đã không may mất vì bệnh trọng, lứa bạn bè của bố tôi: bác Năng, bác Can, bác Đáng, cô Thư hay những cái chết trẻ đầy thương tâm mà ai đó có trí nhớ trung bình cũng phải nghẹn ngào: anh Trường, bác Thế, anh Ảnh, chú Bình, anh Đệ, em Tuấn Anh. Hình ảnh về các thầy cô, các bác, anh em chủ yếu nằm ở cuốn album ký ức ở trong đầu. Họ đáng kính, đáng yêu, tươi rói, lung linh. Bao nhiêu con người đã cống hiến những tháng năm công chức, có nhiều người là 3 đời hoặc 2 đời như chúng tôi - những đứa con của ông Sinh cho Bệnh viện. Cơ chế thị trường, tư duy thoáng về việc làm và nhân sự, đi khỏi bệnh viện hay tiếp tục làm việc không có ý nghĩa quan trọng sống còn hay nghiệt ngã như xưa…nhưng đối với nhiều người cơ quan còn là máu thịt, truyền thống, nếp nhà. Đáng để cân nhắc và khổ tâm!
Bệnh viện trăm tuổi, đa chuyên khoa, nhiều chuyên gia hàng đầu với lịch sử hào hùng. Đáng để chúng ta nâng niu, trân trọng và tiếp tục cống hiến. “Đi đầu nhãn khoa, vươn xa quốc tế” sẽ là sự thật nếu đó là ý chí, nguyện vọng, nhiệt tâm cống hiến của gần 600 CBVC cùng với môi trường làm việc nhân văn, tiện nghi, xanh - sạch - đẹp, đãi ngộ thoả đáng.
Những khó khăn, thiếu thốn, ước nguyện của chúng ta đã thấu tận trời xanh (Bộ Y tế, Quốc hội, Chính phủ)! Mong là sẽ sớm được giải quyết để bệnh nhân và lương y khỏi phiền muộn, thất vọng.
Bs Hoàng Cương
Nhân dịp 65 năm thành lập Bệnh viện (1/7/1957-1/7/2022)