Mẹ!
Nếp sạch sẽ của mẹ là vậy! Bốn đứa con thường được mẹ lôi ra tắm nhóm trong sân tập thể định kỳ, tắm lá và gội đầu xà phòng thơm dịp tất niên. Mẹ là con ông giáo, người Hà nội gốc, buôn bán nhỏ rồi làm vợ bố tôi - một bác sĩ. Mẹ yếu lắm rồi. Nhồi máu cơ tim tái phát, suy tim độ IV. Thở việc dễ làm nhất thì với mẹ lại khó quá rồi. Cả ngày lẫn đêm mẹ không thể nằm mà phải ngồi hoặc nửa nằm - nửa ngồi. Gần đây lại thêm bệnh Gout tấn công, cơn đau khớp ập đến bất kỳ lúc nào. Tôi một bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp, suốt cả thời trai trẻ chữa bệnh quanh xóm, chăm sóc mẹ. Tự mày mò, đọc sách kiến thức về nội khoa, tim mạch, khớp chắc cũng phải bằng trình độ chuyên khoa I bây giờ. Tôi biết là mẹ không thể ở với chúng tôi lâu, mọi người trong nhà cũng vậy. Từ góc tối xa xôi và sợ hãi của tâm thức tôi cũng không dám nghĩ đến ngày chia tay mẹ mình, đúng hơn là không muốn nghĩ. Thuốc men đã cạn phương, ghép tim làm gì có ở những năm 80 của thế kỷ trước. Đen tối, quẫn cùng như vậy nhưng không ai muốn xa mẹ, mẹ cũng muốn sống với chúng tôi và hai đứa cháu ngoại chưa tròn tuổi của bà. Mẹ tôi bằng xương thịt, quần lụa đen, chiếc áo trắng không cổ có túi cài kim băng trong đó có mấy đồng bà luôn quấn tròn và chứng minh thư. Mẹ vẫn ấm áp, tuyệt vời mỗi khi tôi ôm xiết và chêu trọc: Mẹ mà bỏ con đi thì con sẽ phải lấy vợ sớm để nó còn chăm con…Bà mắng yêu, nước mắt rưng rưng: Chó nó lấy mày. Ai mà chăm tôi bằng mẹ được. Cơm bữa, cơm trực sinh viên, cơm cho bạn bè đến cùng ôn thi tốt nghiệp. Không gì bằng cơm mẹ nấu được! Nhiều lạc, ít thịt toàn bì và tóp mỡ sao vẫn ngon thế! Quần áo đủ ấm, xe đạp đủ cho 4 đứa con. Chở mẹ đến viện tôi lại quay về học thi, thầm hy vọng cái khoa hồi sức cấp cứu đầy máy móc ấy, các bậc thầy nghề nữa sẽ giúp mẹ ở thêm với chúng tôi, có khi lại được xuất viện về nhà thì tuyệt…Thế rồi cú phone lanh lảnh từ bệnh viện gọi về báo tin dữ, ta xa nhau mãi mẹ nhỉ. Mẹ không dặn gì, con cũng chẳng kịp nói gì gọi là ước nguyện. Âm dương chia cắt tàn nhẫn quá, bất ngờ quá!? Nhưng ta yêu nhau như thể sẽ chỉ là nỗi lo của mẹ cho con, sự hối hận vì lúc nào đó đã làm mẹ buồn nếu ta được gặp nhau trò chuyện, trong mơ hay lên Trời sau này.
Bố!
Con hiểu là bố thanh thản ra đi, chấp nhận qui luật muôn đời. Bố chẳng dặn gì và cũng chẳng viết lại gì. Dọn lại tủ sách vở, tài liệu, xếp lại những cặp túi ngày bố còn đi làm thêm ở quầy kính cũng chẳng thấy mấy dòng dặn dò của bố. Có chăng là tập truyện ngắn của bố dạng bản thảo, rất nhiều sổ sách to nhỏ ghi chép chuyên môn, họp hành. Bố luôn vậy, thích ghi chép để tôn trọng người giảng, người truyền đạt cũng là cách để bổ sung bộ nhớ rất hữu hạn của mình. Ngoài mấy chục triệu con cái tặng bố dặn để lo giỗ tết sau này thì sách vở còn nhiều quá. Lọc và vứt giấy lộn, sách vở không cần thiết nữa là công việc mất công sức và khổ tâm nữa. Cái gì cũng thấy hay, thấy cần, gắn với một quãng đời… không dễ mà vứt đi được. Con đã đóng bàn làm việc, ghế mềm, tủ sách, treo mấy ảnh bố mẹ phóng to…đỡ tủi hận cho những ngày bố con ta bò trên giường, kê ghế làm bàn học, đèn dầu những ngày còn ở tập thể, bố nhỉ? Chẳng thể nói chuyện với bố nữa rồi kể từ ngày đó. Chiếc bình oxi bật hết cỡ, bố thở ngày càng nặng nhọc và ngắt quãng, mắt nhắm nghiền. Tôi vẫn cố đến viện buổi sáng vì có lịch giảng, không dễ mà để học viên tự giải tán khi bụng rỗng không được chữ nào (kiểu nói tếu của bố), giao việc chăm sóc bố cho anh ruột cũng là một bác sĩ - tiến sĩ vừa tất tưởi từ Mỹ trở về. Các thông số ở monitor sụt dần, chúng tôi vì yêu ông mà không nghĩ là ông có thể chết…như một người bình thường nên đều cho là tại pin yếu nên đã thay pin xịn mà thông số chẳng đẹp lên…rồi bố không thở nữa. Trong giấc mơ thỉnh thoảng có gặp bố, bố khoẻ như chưa hề bệnh tật, vẫn nói chuyện vui và vẫn dặn tôi không được nói nhanh quá, không được viết tắt bừa bãi…
Số ngày lưu ở chốn dương thế của đời người nhiều như lá cây, rụng mãi rồi cũng hết! Phải sống nhâm nhi và tiết kiệm từng ngày con ạ! Ông viết trong thư viết tay như vậy cho tôi một lần duy nhất thời tôi đi thực tập tại Pháp một năm. Lúc trẻ tôi thấy đúng rồi bây giờ tôi thấy là chí lý. Bố mẹ đã là người thiên cổ còn chúng con chính thức đã già. Ngày chúng ta đoàn tụ, hàn huyên cùng với các ông bà tiên tổ sẽ là một ngày XYZ trong tương lai, bố mẹ sẽ cho con sửa vài điều sai sai của con nhé! Còn bây giờ cho con thắp hương, gửi chút lễ mọn này cho bố mẹ, lâu lại cho con gặp tí trong mơ thì tốt./.
Vu Lan 2022
Bs Hoàng Cương