Bệnh viện như một cơ thể vừa bị COVID. Gần 2 năm với chống dịch, tăng cường, chi viện, mỗi khoa phòng dồn lại chỉ còn 10 giường hoạt động. Những buổi trưa ăn mì tôm với mấy miếng giò, quả trứng, nghe Bolero triền miên tưởng đã qua từ bao lâu...Không đâu, mới đây thôi. Bệnh viện như một doanh trại quân đội thời chiến: tiếng loa vang vang, bảng biển pano khắp nơi, mặt người chìm trong khẩu trang, mặt nạ. Mỗi nhân viên nhiễm bệnh, mỗi bệnh nhân dương tính là rầm rậm cách ly, truy vết, khử trùng. Rồi cũng qua đi như cơn ác mộng nhưng sau đó là mệt mỏi, đau đớn, ê ẩm như cơn hậu COVID vậy. Thiếu vật tư như một mũi dao ngoáy vào một cơ thể đang cần hồi sức, bồi dưỡng. Thoạt đầu là lỗi của gián đoạn chuỗi cung ứng. Thôi ai chẳng vậy. Đây là đại dịch toàn cầu cơ mà. Nhưng sau đó là tình trạng: vật tư tăng giá chẳng thể mua nổi vì không được các cấp phê duyệt, vật tư không tăng giá-đã đấu thầu nhưng cũng chẳng thê mua sắm do vướng luật này, nghị định nọ. Mua sắm theo tình trạng khẩn cấp cũng chỉ được mấy món, kiểu ăn lần từng bữa. Mấy ông công ty vốn thân thiết, có thể cho vay nợ hay ứng trước nay lời lãi quá ít cũng bỏ luôn chúng ta, chờ ngày thị trường hửng nắng mới quay lại. Tất cả như lửa cháy bốn bề, bỏng rát. Chuyện thương hiệu, nhiệm vụ chính trị, đời sống của hơn 600 con người tưởng sẽ bị thiêu cháy trong ngày một ngày hai. Chính phủ, may thay, đã cấp cho 2 bình chữa cháy: nghị quyết 30 và nghị định 07 nhưng với bệnh viện là chưa đủ. Chúng ta gần như không có máy liên danh hay biếu tặng, vật tư dạng chỉ định thầu hay chọn thầu quá ít. Chuỗi hàng hóa từ năm trước vẫn ùn ứ phải chờ quốc hội sửa luật Đấu thầu, mua sắm của năm nay cũng phải chờ hướng dẫn về vai trò nhiệm vụ của Hội đồng KHKT Bệnh viện. Thế là lại thoi thóp cho tới hết năm, cũng có thể là năm sau.
Đơn từ, kiện tụng, thanh tra, bất đồng trong đội ngũ lãnh đạo bệnh viện... chúng ta đã quá quen nhưng trong lúc khốn khó lại gánh thêm nghiệp chướng quả tạ: án điều tra. Chuyện trăm năm mới có nhưng chẳng vui vẻ gì. Thế là không phải tin tức thời sự TV hay chuyện của đơn vị bạn, vấn đề ở trong chúng ta và rất gần chúng ta: ra tòa và tù tội. Mấy chục con người được coi là công dân gương mẫu, sạch sẽ về lý lịch, thuộc giới tinh hoa đã lần đầu tiên biết thế nào là đến cơ quan công quyền, trả lời thẩm vấn của điều tra viên. Có nằm mơ, tỉnh dậy, năm mơ tiếp cách đây vài năm tôi cũng không mơ thấy cảnh này. Chúng ta học hành vất vả, liên tục đứng đầu lớp để đỗ trường Y rồi lại học lên cao, đi chi viện 1816, chi viện miền Nam chống dịch, phấn đấu không ngừng nghỉ...để rồi như thế này hay sao? Sao vô lý, sao nghiệt ngã thế. Thấy xấu hổ với các bậc tiền nhân, ngậm ngùi với cha già nơi chín suối. Không thể né tránh hay trốn chạy được nữa rồi. Không thể đổ hết cho chính sách. Người xưa đã nói “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hãy tỉnh táo nhìn lại bản thân ta và chúng ta. Cổ nhân lại có câu: “ Lênh đênh qua cửa Thần phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Ý nói là sự rèn luyện, kinh nghiệm, bản lĩnh sẽ giúp ai đó vượt khó thành công. Có một ẩn ý nữa là chữ tu: tu thì phải có số tu hành, có đức hạnh, có nghiệp tu chân chính mới đắc đạo được. Cầu cho mọi người và cả tôi nữa vượt cửa Thần phù an toàn, tới bến bình yên. Với một bác sĩ như tôi, xin được liên hệ giai đoạn khó khăn này với câu của thày Trần Đỗ Trinh, Viện trưởng đầu tiên của viện Tim mạch Việt nam nói về những bệnh nhân đột tử mà tôi vẫn nhớ cho đến giờ “ Cái chết tuy có thể là bất ngờ nhưng không phải là không có báo trước”. Vậy đấy! Suy cho rộng không phải là chỉ cái chết của người yểu mệnh mà là tất cả những gì chúng ta đang có, đang gánh chịu, đang phải gồng mình vượt qua đều liên quan đến quá khứ, đến từ quá khứ do vậy có thể tránh được. Những cái gì gọi là đã được báo trước, làm sao biết được? Có chứ ! Có điều là phải lắng nghe, phải học hỏi, khiêm cung phải tử tế và khiêm tốn. Với nhóm lãnh đạo bệnh viện, với tất cả sự tôn trọng và sự cảm mến với đàn anh, bậc thầy, đồng nghiệp tôi rất tiếc các anh đã không giải quyết được họa từ sớm... nhưng tôi cầu chúc bến đỗ bình yên cho tất cả mọi người. Lại lục lại ký ức về ngày mà Tổng thống Sadam của Iraq hết thời, quân Mỹ tràn vào thủ đô, dân chúng giật đổ tượng ông khắp nơi...Một ai đó chua chát bình luận “ là người dân Iraq đã xây tượng, rồi chính họ lại giật đổ tượng” sự bấn loạn, hỗn tạp trong một vài bối cảnh là có thật. Công bằng, sự thật rồi sẽ được sáng tỏ nhưng tới khi đó lại có một câu nói nữa vẳng đến bên tai: nếu làm gì đó chỉ vì bản thân sẽ bị kết tội là một âm mưu nhưng nếu làm gì đó có lợi cho số đông sẽ được coi là sáng kiến. Rồi một câu thành ngữ tiếng Anh: chúng ta nên tha thứ cho những lỗi lầm đã được suy tính cẩn thận. Từ đó tất cả những lý lẽ tôi vừa viện dẫn trên đây : chúng ta nên nhìn nhận mình trước khi chờ kết luận của cơ quan điều tra hay tòa án!? Chúng ta đã thực sự làm việc công tâm, đã tận hiến cho bệnh viện? Có chủ quan tặc lưỡi, ký bừa vì tưởng không bao giờ và không có ai lục vấn lại, có ngạo mạn bỏ qua luật lệ và can gián vì cái tôi quá lớn?
Đợt không khí lạnh tràn về chấm dứt mấy ngày nắng nóng kinh hồn. Hiếm gặp và cũng may thay. Bệnh viện quá im ắng so với cùng kỳ hàng năm. Lá vàng rụng đầy sân vườn nhưng cây mộc lan lai nở bung những bông hoa trắng tinh khôi thơm ngát. Nhiều người giục tôi : sao anh không viết gì đi! Tôi viết đây. Chỉ đơn giản là trải lòng, không dám dạy dỗ hay làm đau đớn ai. Và cũng như nhiều người khác cầu chúc cho ngày buồn chóng qua, ngày vui mau đến. Hình bóng bệnh viện xưa lại nhập lại trong khuôn viên ảm đạm này: tấp nập vào ra, khám mổ rộn ràng, xênh xang kinh tế. Mong lắm thay!
Bs Hoàng Cương