“KHI CHÚA GỌI TÔI VỀ TÔI SẼ HIẾN GIÁC MẠC” 

Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay, câu nói ấy của người xưa thấm đẫm trong lòng những người mà cuộc sống không còn ánh sáng. Những tưởng bóng đêm mênh mông sẽ vĩnh viễn bao trùm lên số phận không may mắn của họ. Nhưng điều kỳ diệu đã đến khi có những con người, trước khi bước vào thế giới vĩnh hằng, đã để lại cho đời những nguồn sáng quý giá. Họ là những người đã hiến tặng giác mạc của mình cho những bệnh nhân bị mù lòa. Điều đáng nói là 3/4 số người tình nguỵện hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Việt Nam đều là những người dân của xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Người đầu tiên hiến giác mạc ở Việt Nam

Trong cái nắng dịu dàng của những ngày thu, chúng tôi tìm về Cồn Thoi, xứ đạo bình yên nép mình bên con đê biển thuộc địa phận huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cái địa danh Cồn Thoi đang được người dân cả nước biết đến bởi 3/4 số người tình nguỵện hiến tặng giác mạc đầu tiên ở Việt Nam là người Cồn Thoi, một nghĩa cử cao đẹp nhưng chưa hề có tiền lệ ở nước ta. Theo con đường làng đất đỏ phẳng phiu uốn lượn giữa cánh đồng lúa đang thì con gái xanh ngăn ngắt, chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Thị Hoa, người đầu tiên ghi danh vào lịch sử ngành mắt Việt Nam khi tháng 5/2007, cụ đã hiến tặng quà giác mạc của mình trước khi qua đời. Ngôi nhà ngói 3 gian cũ kỹ nằm giữa vườn cây trái xanh um, một người đàn ông đã đứng tuổi, nụ cười hồn hậu từ trong nhà bước ra chào khách. Anh là Mai Văn Vinh, con trai cụ Hoa, người đã chứng kiến từ đầu tới cuối câu chuyện đầy ân nghĩa này. Rót chén trà mời khách, anh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về gia cảnh và người mẹ của anh trước giờ phút lâm chung... Bố anh Vinh mất từ năm 1976 vì bệnh hiểm nghèo, một mình cụ Hoa chèo chống nuôi 8 người con ăn học thành người. Cả giáo xứ Cồn Thoi này, làng trên xóm dưới đều biết tiếng cụ Hoa hiền lành, đức độ. Nhưng có một điều làm người dân cả vùng đất này ngạc nhiên khi biết lời di huấn của cụ Hoa trước khi qua đời là hiến tặng giác mạc của mình cho Bệnh viện Mắt TW để cứu giúp cho những người không may gặp cảnh mù lòa. Nguyên do để một cụ bà sống bình lặng nơi cồn đất lấn biển biết đến chuyện hiến giác mạc – một điều không phải người dân Việt Nam nào cũng hiểu lại bắt nguồn từ một câu chuỵên tình cờ. Một người bạn cùng làng chơi với anh Vinh từ thuở thiếu thời hiện đang sống tại Đăk Lăk có vợ là chị Nguyễn Thị Khuy bị mù mắt trái do bệnh lý giác mạc. Qua cuộc điện thoại thăm hỏi, anh Vinh biết được cuộc sống khổ cực của gia đình bạn khi chị Khuy, lao động chính trong nhà, lâm vào cảnh mù lòa. Ngập ngừng mãi mới nói nên lời, vợ chồng chị Khuy nhờ anh Vinh thuyết phục bà cụ khi nào qua đời thì hiến tặng giác mạc cho chị Khuy – phương cách duy nhất để chị thấy lại được ánh sáng... Nhấp ngụm nước nhỏ, anh Vinh chùng giọng: “đúng thời điểm đó mẹ tôi đang lâm bệnh nặng, khó qua khỏi, nhưng thoạt đầu nghe bạn nói chuyện hiến mắt, tôi lạnh người. Đài báo có nói nhiều đến chuyện hiến máu, hiến thận chứ nào ai đã nghe nói đến chuyện hiến mắt bao giờ. Khi ấy tôi cứ nghĩ hiến mắt là sẽ phải khoét bỏ hai con mắt của mẹ tôi”... Nhưng rồi cuộc sống khó khăn và những lời khẩn cầu của vợ chồng chị Khuy cứ day dứt trong lòng, anh Vinh quyết định tìm hiểu những thông tin về việc hiến tặng giác mạc. Qua các tài liệu vợ chồng chị Khuy gửi ra, anh Vinh đã hiểu ra vấn đề, các bác sĩ sẽ chỉ lấy đi một màng mỏng trong suốt trên đôi mắt của người hiến, không hề làm ảnh hưởng đến con ngươi hay phải khoét mắt. Hiểu nhưng không dám nói cùng mẹ và các anh chị em trong gia đình, anh sợ bà cụ đang phút lâm chung sẽ tủi thân, cả nghĩ. Anh Vinh đem câu chuyện đang giằng xé trong lòng tâm sự với cha Antôn Đoàn Minh Hải, linh mục Chính xứ Cồn Thoi. Hiểu vấn đề, linh mục Hải đã xuống tận nhà anh Vinh, thuyết phục cụ Hoa và các thành viên trong gia đình. Người giáo dân kính Chúa, yêu nước và có lòng nhân ái tuyệt vời đã không mảy may do dự, gật đầu đồng ý hiến tặng giác mạc của mình. Chị Nguyễn Thị Khuy và chị Lê Thị Tuyết, 23 tuổi ở Thọ Xuân, Thanh Hóa đã may mắn là hai bệnh nhân đầu tiên được nhìn thấy ánh sáng từ đôi giác mạc cụ Hoa hiến tặng... Ngập ngừng hồi lâu, anh Vinh tâm sự về những “điều ra tiếng vào” sau ngày cụ Hoa ra đi. Nhiều người xì xào, có người độc miệng còn bảo chắc giác mạc bán được nhiều tiền... Nhờ sự giải thích, tuyên truyền của các bác sĩ Bệnh viện Mắt TW, của lãnh đạo xã Cồn Thoi và linh mục Hải, người dân nơi đây đã hiểu, cảm phục việc làm đầy nhân ái của cụ Hoa và đến nay đã có thêm hai người dân Cồn Thoi là cụ Phạm Thị Nhẫn, 93 tuổi và bà Nguyễn Thị Hiến, 58 tuổi đã theo gương cụ Hoa, hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời.

 Linh mục Antôn Đoàn Minh Hải phát tờ rơi về hiến giác mạc cho người dân Cồn Thoi.

 

Những nguồn sáng dâng tặng cho đời

Cho đến tận bây giờ, anh Vinh vẫn không thể nào quên được gương mặt và những giọt nước mắt nghẹn ngào của chị Khuy khi lần đầu tiên được thấy lại ánh sáng sau những ngày mịt mù trong bóng đêm dày đặc. Khóc lặng người trước di ảnh cụ Hoa, chị Khuy xin với mọi người trong gia đình được làm con của cụ, được làm anh em trong nhà để “sống để bụng, chết mang theo” ân đức lớn lao ấy... Từ tấm gương của cụ Hoa, rất nhiều người dân Cồn Thoi đã bày tỏ ý nguỵện hiến tặng giác mạc của mình khi qua đời. Và mới đây nhất đã có thêm 4 bệnh nhân nữa được thấy lại ánh sáng từ hai đôi giác mạc hiến tặng của người dân Cồn Thoi. Có mặt trong ngày lãnh đạo Bệnh viện Mắt TW và đại diện Tổ chức ORBIS về Cồn Thoi để trao tặng bằng “Ghi nhận nghĩa cử cao đẹp và nhân đạo” cho các gia đình đã có người hiến tặng giác mạc, ông Nguyễn Văn Công – Phó ban Tôn giáo – dân tộc, Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xúc động nói: “Chúng tôi thực sự cảm phục tấm lòng nhân ái của đồng bào Công giáo xứ Cồn Thoi. “Họ đã trở thành những tấm gương sáng về tinh thần “thương người như thể thương thân”, sống tốt đời đẹp đạo. Họ ra đi nhưng nghĩa cử cao đẹp của họ sẽ còn sống mãi trong lòng mọi người”. Còn linh mục Antôn Đoàn Minh Hải, Chính xứ Cồn Thoi, một trong những “tuyên truyền viên” tích cực, hiệu quả nhất cho phong trào hiến tặng giác mạc ở Cồn Thoi đã không ngần ngại bày tỏ: “đến khi nào Chúa gọi tôi đi, tôi cũng xin hiến toàn bộ thân thể cho ngành y tế. Cho đi để mang lại hạnh phúc cho những người khác, cho cuộc đời mới, điều ấy vô cùng ý nghĩa và ai cũng nên làm”. PGS.TS. Hoàng Thị Minh Châu, PGĐ Bệnh viện Mắt TW  cho biết: “Sau khi thông tin về những người đầu tiên tình nguyện hiến tặng giác mạc được đưa trên các cơ quan thông tin đại chúng, chúng tôi đã nhận được thêm một đôi giác mạc của một cụ ông ở Hà Tây hiến tặng khi qua đời. Bên cạnh đó, cũng có thêm rất nhiều đơn của người dân gửi đến Ngân hàng mắt, tình nguyện hiến tặng giác mạc khi qua đời. Thay mặt những người thầy thuốc trong ngành mắt Việt Nam xin được cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của những người đã đem nguồn sáng đến cho những cảnh đời bất hạnh”. Theo TS. Châu, hiện ở Việt Nam có 300.000 bệnh nhân bị mù vì các bệnh lý về giác mạc và mỗi năm con số này lại tăng thêm 15.000 bệnh nhân mới. Hiện tại có 560 bệnh nhân đã có chỉ định ghép giác mạc đang mỏi mòn chờ đợi ở BV Mắt TW nhưng không có nguồn giác mạc để ghép. Mỗi năm BV Mắt TW tiến hành từ 100-150 ca phẫu thuật ghép giác mạc với nguồn giác mạc chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ nhưng không thể đủ so với nhu cầu thực tế. Việc hiến tặng giác mạc của chính những người Việt Nam cho người Việt Nam là “con đường sáng” đầy ý nghĩa, mở ra những hi vọng mới cho các bệnh nhân”. Vâng! Những “con đường sáng” đã được mở từ chính tấm lòng của những người dân Việt. Hiến tặng giác mạc là một thông tin tương đối mới mẻ ở Việt Nam và cần thêm thời gian để mọi người dân hiểu và hưởng ứng việc làm nhân đạo, tình nghĩa này. Con người rồi ai cũng phải ra đi nhưng như cụ Hoa, cụ Nhẫn, bà Hiến, ánh sáng từ tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của họ sẽ còn mãi trong tim những người đang sống.

2913 Go top