Sự vô lý, tàn ác, nghiệt ngã của chiến tranh dù loài người có căm ghét, rút bài học, cố gắng né tránh khốn nạn thay vẫn xảy ra, trong quá khứ hiện tại và có lẽ cả trong tương lai. Gần 50 năm hưởng vị ngọt của hoà bình và phát triển, chúng ta vẫn không thể quên nỗi ám ảnh của chiến tranh, nhất là vào dịp 27/7 hàng năm. Tưởng nhớ những người đã khuất, nuốt nỗi đau hậu chiến vào lòng, càng thêm quyết tâm bảo vệ cuộc sống bình yên.
Sẽ là sự kết thúc không có hậu nếu thế hệ sau quên hết chiến tranh nhưng may thay vẫn còn ký ức, sử sách, tư liệu. Thêm nữa, những nghĩa trang liệt sĩ xã nào cũng có hay những rừng mộ ở Quảng Trị, Trường Sơn, Vị Xuyên sẽ nhắc nhở người đời về quá khứ bi hùng đã qua… Những tượng đài lớn nhỏ rải rác khắp mảnh đất chữ S này cũng sẽ làm như vậy. Chiến tranh điêu tàn cướp đi sinh mạng, để lại triệu triệu ngôi mộ trên khắp hang cùng ngõ hẻm của tổ quốc. Thêm nữa là vô số thương tật, những cảnh đời sống dở chết dở cho những ai may mắn sống sót, những ngậm ngùi tiếc thương ám ảnh cả đời cho những người còn sống. Trên bàn thờ của mỗi gia đình Việt nam luôn có một bức hình đen trắng, loang lổ, ố vàng của một người rất trẻ với nụ cười rất tươi.
Họ đấy, những liệt sĩ, thường là người chết trẻ nhất của gia đình. Cả hai bố mẹ tôi đều có các cậu, các chú ra trận may mắn vẫn còn quay về được sau cuộc chiến nhưng bên nhà vợ tôi thì không được như vậy. Trên bàn thờ giản dị tre gỗ sộc xệ ở Nam Đàn- Nghệ An khi tôi đã là con rể về thắp hương có một vị trí thờ có bằng Tổ quốc ghi công không có ảnh. Bố vợ tôi nghẹn ngào, chú hy sinh mà nhà không ai có một tấm ảnh thờ, phía quân lực của quân đội cũng vậy, nếu biết ra trận là phải chết thì chắc ai cũng để lại cho thân nhân một tấm hình. Chú tin là sẽ sống sót trở về? Ông mếu máo chỉ ra khu vườn đầy rau khoai trước gian thờ: Chỗ này là căn hầm ngày xưa bà (mẹ của bố vợ tôi) bị bom Mỹ đánh trúng, chết mất xác. Ông có một tổng kết rùng mình về 3 cái mất của ông trong chiến tranh: Bom Mỹ sát hại mẹ ông - chết mất xác, chú ba em trai ông hy sinh - mất mộ cũng không có di ảnh, còn bàn thân ông thì mất đi một chân lâm cảnh thương binh. Năm 1972, ông vào bộ đội làm việc trong một bộ phận quân giới, sửa chữa vũ khí tại Quảng Trị. Một trận càn của Mỹ ngụy bằng trực thăng với súng máy, rocket đã cắt cụt đến đầu gối của ông một chân. Xuất ngũ, hoà bình hàng xóm hay gọi là C. cụt là do vậy. Mộ của em trai đáng tiếc cũng không thể tìm ra cho đến hiện giờ. Ông phân trần không phải vì ông không muốn đi tìm mà là vì không thể định danh, định vị …giống như hàng chục nghìn liệt sĩ mất mộ trên đất nước này. Ba cái mất trong cuộc chiến, mưu sinh hậu chiến cực nhọc, nhà máy giải thể đã tạo ra ông bố vợ tôi tính khí trầm buồn, hay nổi nóng vô cớ, cười khóc bất chợt. Ông có chút tài văn thơ, là bạn thơ văn với nhiều nhà thơ cựu chiến binh, là em kết nghĩa với nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu. Bầm dập nỗi đau, thương tích trên thân thể, vật chất thiếu thốn …cuộc đời ông may mắn có phần hồn được văn thơ tưới mát phần nào. Ông có tác phẩm được xuất bản, có mảnh vườn, tủ sách khá đồ sộ, vợ con tạm ổn nhưng thỉnh thoảng vẫn gặp ác mộng. Có đêm, trong mơ ông vùng dậy kêu hét làm hàng xóm bừng tỉnh “trực thăng đến đấy, chạy đi”, ám ảnh của cuộc chiến thảm khốc vẫn còn in hằn trong miền ký ức? Bao giờ ông mới có giấc ngủ bình yên như bao người. Mỗi khi giỗ Tết, nhấp chén rượu ký ức lại ùa về, ông dưng dưng với tôi: Tội lắm con ạ, bộ đội đều còn trẻ măng trong đợt tổng động viên năm đấy, vượt sông Thạch Hãn trúng đạn giặc đều chỉ kêu mẹ ơi rồi trôi đi cùng sông nước, mỗi ngày một đại đội (khoảng 100 người) vào thành cổ nhưng chẳng thấy ai ra…
Bên ngoại, chúng tôi có cậu Ch. thấy di ảnh trên bàn thờ nhưng nét mặt đã mờ, hoen ố cùng thời gian. Tôi không dám nhìn kỹ khi thắp hương. Mộ cậu không thể tìm thấy dù gia đình đã Nam tiến vài lần, lần mò ở cục quân lực - bộ quốc phòng, nhờ cả bên tâm linh ngoại cảm nhưng cũng chẳng ăn thua. Bà mất rồi, các cô chú đã già, ai cũng bận rộn cuộc sống riêng…sẽ chẳng ai tìm thấy cậu?
Các thương binh quanh tôi chỉ còn bố vợ. Chú H, cậu C. đều đã mất vì bạo bệnh. Họ đã thoát chết trong cuộc chiến nhưng không phải vì thế mà sống thọ hơn người. Đáng thương, đáng nể phục là vậy. Họ rắn rỏi, ngoan cường, nhiều tài lẻ. Đôi lúc hơi công thần, nóng nảy nhưng nhìn chung vẫn là chỗ dựa về đạo đức, gia phong, tinh thần cho các gia đình, cho con cháu. Bố mẹ vợ tôi, một thương binh, một thanh niên xung phong, không cần con cháu cũng chẳng có osin tự chăm sóc nhau (vợ tôi là con một). Cuộc sống giản dị, nhiều màu sắc thời bao cấp diễn ra hàng ngày, có được các cấp thăm hỏi tặng quà vào những ngày này. Thỉnh thoảng cao hứng ông lại đem chiếc xe điện 3 bánh tự sắm có dán chữ “Thương Binh” đỏ chót đi dạo phố. Ông nói đùa khi mất sẽ tặng tôi (tôi bị Gout đau chân mạn tính).
Chúng ta làm sao thấm hết được nỗi đau cuộc chiến cũng chẳng làm sao chăm sóc hết, bù đắp được cho xứng đáng những gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình của họ. Chỉ biết ghi lòng, tạc dạ, tri ân, tưởng nhớ!
Ngày thương binh liệt sĩ năm 2022.
Bs Hoàng Cương