Trong số tạp chí đặc biệt này chúng ta sẽ lưu ý và xem xét một số biểu hiện tại mắt và thần kinh nhãn khoa mới được phát hiện, khá thú vị về bệnh mạch máu. Các bệnh hệ thống thường liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm: Tuổi tác, hút thuốc, chế độ ăn uống, tập thể dục và các dạng viêm mãn tính. Một trong những bệnh khá phổ biến nhất về mắt là thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) có liên quan nhiều đến loạt yếu tố rủi ro giống nhau này, phù hợp với giả thuyết “ mảnh đất chung” tiềm ẩn. Thông tin mới và được quan tâm nhiều cho thấy tỷ lệ biến chứng tim mạch, như nhồi máu cơ tim và đột quỵ, gia tăng ở bệnh nhân AMD. Do đó, việc kiểm soát các yếu tố rủi ro tiềm ẩn có thể thay đổi được như hút thuốc hay chế độ ăn uống có thể làm chậm tỷ lệ mắc hoặc tiến triển của cả AMD và các bệnh tim mạch. Trong số báo này, Mauschitz và cộng sự thảo luận về nhiều nghiên cứu ủng hộ giả thuyết “mảnh đất chung” này. Các bệnh lý hoàng điểm có rối loạn sắc tố khác có thể giống như AMD, Mukhopadhyay và cộng sự đã bàn luận về mối quan hệ giữa thuốc điều trị viêm bàng quang kẽ bằng pentosan polysulfate và liên quan của nó với bệnh lý hoàng điểm tăng sắc tố .
Ngoài ra, những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI), học máy và học sâu (DL) đã cho phép sử dụng AI để phát hiện các bệnh hệ thống trong nhiều lĩnh vực y học. Chuyên khoa mắt được ưu tiên số một để sử dụng dữ liệu từ nhiều xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm phép đo thị trường, chụp cắt lớp kết cố quang học - OCT và chụp ảnh đáy mắt, để phát triển thêm các thuật toán AI giúp xác định các bệnh lý khác nhau ở mắt. Cụ thể, các nghiên cứu cỡ mẫu lớn đã chứng minh rằng AI sở hữu khả năng phát hiện nhiều bệnh nhãn khoa, bao gồm bệnh glôcôm, AMD và bệnh võng mạc tiểu đường (DR). Gần đây hơn, các phương pháp DL đã được áp dụng thành công trong lĩnh vực nhãn khoa thần kinh để phát hiện rối loạn chức năng của cả đường dẫn truyền thị giác và đường phản xạ hướng tâm, như được mô tả trong bài viết của Leong và cộng sự trong cùng số báo này.
Trong những năm tới, AI có thể sẽ không chỉ đóng vai trò lớn hơn trong việc phát hiện các bệnh này mà còn có thể giúp cung cấp thông tin về khả năng mắc các bệnh hệ thống phổ biến, chẳng hạn như tăng huyết áp, đột quỵ, mất trí nhớ và bệnh tim. Nhiều nghiên cứu của các hội nghề nghiệp khác cũng cho thấy nhiều điều thú vị. Chen và cộng sự đã chứng minh tiện ích của AI và chụp cắt lớp kết cố quang học trong sàng lọc bệnh thiếu máu. Tian và cộng sự đã chỉ ra rằng từ hình ảnh võng mạc có thể giúp phân biệt bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer với người khỏe mạnh. Lee và cộng sự lưu ý rằng DL đã giúp xác định mối liên hệ chặt chẽ giữa rối loạn sợi thần kinh võng mạc và sự hình thành của chứng mất trí nhớ trên các bệnh nhân có nhiều mảng thoái hóa amyloid từ các mẫu bệnh phẩm thần kinh. Có thể AI sẽ còn làm sáng tỏ những phát kiến tương tự. Ví như từ việc kiểm tra mắt có thể dự đoán những bệnh nhân nào có nguy cơ bị bệnh Alzheimer trong tương lai. Như Yuan và Lee đã lưu ý: Các dấu ấn sinh học ở võng mạc cuối cùng thậm chí có thể giúp sàng lọc và theo dõi sự tiến triển của bệnh Alzheimer. Tương tự như vậy, Tan và cộng sự đưa ra đề xuất làm thế nào DL có thể giúp tiên lượng các biến chứng toàn thân của tăng huyết áp thông qua dựng hình ảnh võng mạc không xâm lấn như chụp OCT - mạch máu và các thăm dò quang học tương thích.
Đái tháo đường có nhiều biến chứng toàn thân và tại mắt, thường được chia thành các biểu hiện ở mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. DR là biến chứng thường gặp nhất của bệnh tiểu đường và được coi là biến chứng vi mạch của bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, những tiến bộ gần đây trong hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này đã chứng minh vai trò của thoái hóa thần kinh trong cơ chế bệnh sinh của DR. Liên quan đến vấn đề này, Simo và cộng sự có bàn luận về các quá trình thoái hóa thần kinh liên quan đến DR và những tác động của các liệu pháp điều trị trong tương lai.
Mất thị giác thoáng qua (TVL) thường là dấu hiệu báo trước như là yếu tố nguy cơ thiếu máu cục bộ và nhồi máu não sắp xảy ra. Các nghiên cứu trên TVL có thể khá khác nhau giữa các nhóm nghiên cứu và các vùng địa lý khác nhau và trong số báo này, Mbonde và cộng sự sẽ thảo luận về các hướng dẫn hiện hành trong việc quản lý bệnh nhân mắc bệnh mù Fugax và cơn thiếu máu não thoáng qua. TVL cũng có thể xảy ra trong bối cảnh viêm động mạch tế bào khổng lồ, viêm động mạch Takayasu và các viêm mạch khác. Việc chẩn đoán viêm động mạch tế bào khổng lồ thường khó khăn, ngay cả sau khi sinh thiết động mạch thái dương. Do đó, nhiều xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh mới và xét nghiệm labo khác đang được sử dụng để chẩn đoán bệnh này và bổ sung sự hiểu biết thấu đáo về các công cụ chẩn đoán mới cho bệnh viêm động mạch tế bào khổng lồ đương nhiên cho phép chẩn đoán chính xác hơn. Tương tự như vậy, bệnh viêm động mạch Takayasu cũng đưa ra những thách thức tương tự trong quá trình chẩn đoán. Hai bệnh viêm mạch máu lớn này có mức độ trùng lặp đáng kể và thực sự nan giải trong chẩn đoán phân biệt giữa hai bệnh tương tự này.
Mất thị lực trong thời gian dài hơn và mất thị lực vĩnh viễn được quan sát thấy ở bệnh viêm dây thần kinh thị giác thứ phát sau cả bệnh viêm dây thần kinh thị giác (NMOSD) và bệnh liên quan đến kháng thể glycoprotein myelin oligodendrocyte (MOGAD). Trong viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến bệnh đa xơ cứng - MS, steroid không ảnh hưởng đáng kể đến thị lực cuối cùng hoặc mất thị trường theo Thử nghiệm điều trị viêm dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên, viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến NMOSD và MOGAD có tiên lượng thị giác kém hơn nếu không sử dụng steroid trong thời gian bùng phát. Hơn nữa, những bệnh này có nguy cơ tái phát cao, bao gồm khoảng 80% bệnh nhân NMOSD trong 2 đến 3 năm. Sau đó có thể biểu hiện bằng viêm tủy cắt ngang, liệt nửa người, rối loạn chức năng bàng quang và nhiều di chứng thần kinh. NMOSD thường liên quan đến rối loạn chức năng trục hạ đồi - tuyến yên, nôn mửa khó chữa, nấc cụt và thay đổi ý thức. Mặc dù viêm dây thần kinh thị giác liên quan đến MS, MOGAD và NMOSD có sự chồng chéo đáng kể trong biểu hiện nhưng việc điều trị các bệnh này có thể khác nhau đáng kể. Foo và cộng sự có trình bày thống kê của họ liên quan đến các phương pháp hiện tại đối với bệnh viêm dây thần kinh thị giác ở NMOSD và MOGAD tại Singapore, một khu vực trên thế giới nơi những bệnh lý trên không hề hiếm. Điều thú vị là xét nghiệm huyết thanh học cho NMOSD và MOGAD gần đây đã trở thành một quy trình thường quy ở Singapore, được 100% bác sĩ nhãn khoa thần kinh áp dụng, bất kể các đặc điểm lâm sàng hoặc X quang của bệnh. Tương tự như vậy, các mô hình trị liệu mới dựa trên ức chế miễn dịch dường như xuất hiện trong những tình trạng này, cả ở giai đoạn cấp tính và mãn tính, tuy nhiên cần có sự đồng thuận quốc tế hơn nữa, trong bối cảnh bệnh hệ thống tiềm ẩn bị phát giác và bắt đầu có các liệu pháp điều trị thích hợp.
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2- COVID có liên quan đến nhiều biến chứng toàn thân. Bản thân bệnh này và việc chủng ngừa coronavirus 2 gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng có liên quan đến một số bệnh lý nhãn khoa, bao gồm nhồi máu võng mạc, huyết khối xoang tĩnh mạch hang, rối loạn hủy myelin, bệnh thần kinh thị giác và bệnh lý dây thần kinh sọ vận động mắt.
Nhìn chung, biểu hiện tại mắt có thể là dấu hiệu đặc trưng của nhiều bệnh toàn thân và thần kinh nhãn khoa và thường là dấu hiệu liên quan đến sự tiến triển của bệnh. Những tiến bộ trong công nghệ từ AI và DL sẽ nâng cao kiến thức của chúng ta về các quá trình bệnh này và có thể dẫn đến việc sử dụng nhiều hơn thăm khám nhãn khoa trong chẩn đoán và quản lý không chỉ các bệnh về mắt mà cuối cùng là các bệnh toàn thân. Cuối cùng, những thay đổi về thị lực và đặc biệt là mất thị lực có thể là con đường chung cuối cùng của nhiều bệnh hệ thống. Các bác sĩ nhãn khoa và các nhà khoa học thị giác phải nhận thức được rằng mắt thực sự là một trong những cơ quan của cơ thể con người.
Bs Hoàng Cương tập hợp từ Tạp chí Nhãn khoa Châu Á - Thái Bình Dương
Tháng 3 -Tháng 4 năm 2022 - Tập 11 - Số 2 - trang 91 - 93