Nâng cao chất lượng chăm sóc Mắt tại Việt Nam 

Trong 2 ngày, từ 22 – 23/12/2018, tại Hà Nội, Hội thảo nâng cao chất lượng chăm sóc mắt do Cục quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Mắt TW phối hợp chủ trì cùng với hơn 43 đơn vị chăm sóc mắt trong cả nước và một số tổ chức phi chính phủ hỗ trợ chăm sóc mắt tại Việt Nam như FHF, ORBIS. Chủ đề của hội thảo là hướng tới nâng cao chất lượng chăm sóc mắt tại Việt Nam.
. TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban thường trực chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa phát biểu khai mạc Hội thảo.
TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng cục quản lý khám chữa bệnh, Phó trưởng Ban thường trực chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa phát biểu khai mạc Hội thảo.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Hiệp – Phó chủ tịch, tổng thư ký hội Nhãn khoa VN; Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa; Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cùng PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh chủ trì cuộc hội thảo.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá thực trạng tình hình phòng chống mù lòa và phương hướng phòng chống mù lòa hướng tới năm 2030 qua nội dung tóm tắt kết quả điều tra đánh giá nhanh các bệnh gây mù có thể phòng tránh được tại Việt Nam năm 2015 và chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.  Hội thảo ghi nhận việc đưa chăm sóc mắt trở thành chương trình phòng chống mù lòa Quốc gia là một nỗ lực không phải của Bệnh viện Mắt TW nói riêng mà còn là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các Ban/ ngành đoàn thể và sự đóng góp về mặt chính sách, kinh tế của các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ ngành Mắt Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm sóc sức khỏe mắt cho nhân dân nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện hướng tới mục tiêu “Thị giác 2020 và tầm nhìn 2030”.

Hội thảo đi sâu vào một  số điểm trọng tâm  

1. Bệnh đục thể thủy tinh vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa chiếm tỷ lệ 74%(RAAB 2015), số lượng mù lòa do đục thủy tinh thể còn cao trong cộng đồng, hàng năm tồn đọng 150.000 ca chưa thể giải quyết. Nhiều đại biểu cũng đã thẳng thắn thừa nhận tình trạng thực hiện phaco điều trị bệnh đục TTT được thực hiện tràn lan, do kiểm tra giám sát lỏng lẻo, nhiều bác sỹ thực hiện không tốt về kỹ thuật đã gây nhiều biến chứng trong phẫu thuật, khiến người dân giảm sút niềm tin. Trước thực trạng đó, với vai trò tham mưu cho Bộ Y tế, Bệnh việnMắt TW đã phối hợp cùng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành quyết định hướng dẫn chuẩn chất lượng về chẩn đoán và điều trị đục thể thủy tinh (Quyết định 7328/ QĐ – BYT ngày 10 tháng 12 năm 2018 do Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến ban hành).

2. Hội thảo cũng chỉ ra những khó khăn trong việc chăm sóc mắt tại cơ sở y tế tuyến huyện, thực trạng của chất lượng dịch vụ khúc xạ tại Việt Nam. Với những khó khăn và tình hình nổi cộm trên, các đại biểu đã cùng nhau định hướng kế hoạch và giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khúc xạ, cũng như thảo luận về mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện. ORBIS cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng đã được thực hiện thành công ở Bệnh viện Mắt Bình Định, Huế với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Ấn Độ. Đây là mô hình đươc đánh giá cao và mang tính bền vững, hy vọng sẽ được học tập và áp dụng tại các đơn vị chăm sóc mắt trên cả nước.

3. Hướng dẫn và thực hành Bộ chỉ số đo lường chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt theo quyết định số 5066/QĐ-BYT ngày 16/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế  ban hành.

4. Hướng dẫn và thảo luận phương pháp theo dõi, giám sát và đánh giá các tiêu chí chất lượng về chẩn đoán và điều trị đục thể thủy tinh.

5. Thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về các bài học thành công cải tiến nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt.

 

 

48176 Go top