Hội thảo “Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”: Khiếm thị không phải là mù! 

“Khiếm thị không phải là mù”, “Hãy phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị ngay khi còn có thể” là những thông điệp mạnh mẽ từ Hội thảo “Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị”

“Khiếm thị không phải là mù”, “Hãy phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị ngay khi còn có thể” là những thông điệp mạnh mẽ từ Hội thảo “Chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị” được Bệnh viện Mắt TW phối hợp với Tổ chức quốc tế CBM triển khai ngày  3/01/2013.

Tham dự Hội thảo gồm đại diện: Bộ Y tế, Bộ Lao động TBXH, Hội người mù Việt Nam, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội, Hội người khuyết tật các tỉnh thành: Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương; Trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội và TP HCM; đại diện các cơ sở nhãn khoa các tỉnh: Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Giang...

Trên cơ sở đánh giá các hoạt động thực hiện Dự án “Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị” trong năm 2012 tại Bệnh viện Mắt TW   do tổ chức quốc tế CBM tài trợ, Hội thảo tập trung thảo luận đánh giá về khó khăn, rào cản chăm sóc mắt và phục hồi chức năng cho người khiếm thị hiện nay; Tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, xem xét các chính sách, thúc đẩy các hoạt động trợ giúp người khiếm thị phục hồi chức năng và hòa nhập cộng đồng...


Các khái niệm: thế nào là người mù? Thế nào là nhìn kém? thế nào là khiếm thị?...hiện rất cần các cơ quan hữu trách phối hợp làm rõ, tuyên truyền để làm cơ sở thúc đẩy các hoạt động trợ giúp họ hòa nhập cộng đồng

Theo TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng khoa Khúc xạ (Bệnh viện Mắt Trung ương), phụ trách chương trình chăm sóc mắt và PHCN cho người khiếm thị: Theo khái niệm của WHO năm 1992, một người được gọi là khiếm thị khi chức năng thị giác của người đó bị giảm nặng, thậm chí ngay cả khi đã được điều trị và điều chỉnh tật khúc xạ tốt nhất nhưng thị lực ở mắt tốt chỉ ở mức dưới 6/18 (0,33) cho đến còn phân biệt sáng tối và hoặc thị trường bị thu hẹp dưới 100 kể từ điểm định thị.

Theo ước tính Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người khiếm thị (năm 2007). Vì vậy, phục hồi chức năng (PHCN) cho người khiếm thị đóng vai trò quan trọng trong công tác chống mù lòa, hướng tới thực hiện mục tiêu toàn cầu “Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy”.

Khiếm thị có thể do rất nhiều bệnh lý hay những bất bình thường của con mắt gây ra. Một số nguyên nhân thường gặp như: bệnh cận thị cao, sẹo giác mạc, đục thể thủy tinh, bệnh võng mặc sắc tố, bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thoái hóa hoàng điểm, bệnh glôcôm, bệnh bạch tạng…Tùy thuộc vào mức độ của bệnh có thể gây khiếm thị ở mức độ nhẹ, vừa, nặng và rất nặng.

Làm sao để phát hiện một người có thể bị khiếm thị? Theo TS Hiền, có thể nhận biết qua các dấu hiệu như: rung rinh mắt (rung giật nhãn cầu), trẻ không nhìn theo vật hoặc không nhận biết được gương mặt của mẹ, phàn nàn vì không nhìn rõ khi trời tối, gặp khó khăn khi đi lại hoặc lên xuống cầu thang, cố gắng đọc sách hoặc nhìn mọi vật xung quanh ở khoảng cách gần, không thể đọc chữ trên bảng đen hoặc biển hiệu ngoài đường, không đọc được chữ nhỏ trên sách, báo, có tiền sử phẫu thuật và điều trị bệnh mắt tuy nhiên thị lực không cải thiện....

TS. BS Nguyễn Thị Thu Hiền giới thiệu phương pháp phục hồi chức năng thị giác cho người khiếm thị gồm có 4 bước: Đánh giá các tổn hại thị giác chủ quan; các tổn hại thị giác khách quan; Chỉ định các dụng cụ trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng nhìn, kỹ năng phục vụ và cải thiện môi trường sống phù hợp với người khiếm thị.

PHCN thị giác cho người khiếm thị bản chất không phải là một phương pháp điều trị để làm thay đổi tình trạng thị giác cho bệnh nhân mà thực chất của nó là dùng các kính trợ thị để cải thiện sức nhìn, hướng dẫn luyện tập cách sử dụng từng loại trợ thị cho từng hoạt động trong cuộc sống và hướng dẫn cho họ cách cải thiện môi trường nhìn, cách định hướng di chuyển… để có thể độc lập trong sinh hoạt.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, một trong những người tâm huyết với hoạt động chăm sóc mắt cho người khiếm thị hòa nhập cộng đồng tại Bệnh viện mắt TW, đang giới thiệu một số thiết bị trợ thị

Khác với những người mù, người khiếm thị là người sau khi đã điều trị tốt nhất thì thị lực ở mắt tốt cũng ở mức kém (dưới 20/60, tương đương 3/10) tuy nhiên họ vẫn còn khả năng để sử dụng và thích nghi với phần thị giác ít ỏi của mình. Theo ước tính của WHO, số người khiếm thị (Low vision) nhiều gấp 3 lần số người mù, như vậy số người khiếm thị trên cả nước ước khoảng trên 2 triệu người. Theo kết quả của một  nghiên cứu tại 16 đơn vị trong khu vực Hội người mù Hà nội: Trong số 276 người khiếm thị, số người khiếm thị mức độ rất nặng chiếm tỷ lệ cao nhất (61,2%) điều này do điều kiện kinh tế của những người khiếm thị rất khó khăn khiến họ không có khả năng điều trị bệnh mắt một cách triệt để, hậu quả họ phải gánh chịu là mức độ di chứng của bệnh trở nên nặng nề....

Tại Hội thảo, đa phần các đại biểu cho rằng việc khám và phát hiện người khiếm thị, người nhìn kém hiện có nhiều khó khăn và còn có những quan điểm khác nhau. Bản thân những người nhìn kém, người khiếm thị tiếp cận các thông tin hạn chế, và có cuộc sống, hoàn cảnh rất khó khăn, rất cần được sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước và của các ban ngành đoàn thể, xã hội. Ngay đến các khái niệm: thế nào là người mù? Thế nào là nhìn kém? thế nào là khiếm thị?... cần các cơ quan hữu trách phối hợp làm rõ.

Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch Hội người Mù Việt Nam cho biết: xu hướng người mù ít dần tuy nhiên người có thị lực thấp, nhìn kém tăng lên rất nhiều và có xu hướng trẻ hóa. Chính Hội người mù Việt Nam cũng đang lúng túng với xu hướng này, mở rộng hoạt động người phạm vi người mù, quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực hơn đối với người khiếm thị. Các bộ, ngành, tổ chức cần có sực phối hợp, làm rõ thế nàoTheo ông Hưởng, việc giáo dục, hướng nghề, hướng nghiệp cho người mù khác rất nhiều với người khiếm thị, nhìn kém, và việc cần làm trước tiên là triển khai các hoạt động thay đỏi nhận thức cho chính các hội viên, cán bộ hội người mù các cấp, tiến tới đào tạo, tập huấn giáo viên, cán bộ, các chương trình huấn luyện, hỗ trợ kỹ năng và chăm sóc phục hồi chức năng thị giác...

Cận thị bệnh lý, bệnh glôcôm, thoái hóa hoàng điểm, võng mạc sắc tố, bệnh lý đục thủy tinh thể...là những nguyên nhân chính khiến nhìn kém, khiếm thị.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đỗ Như Hơn – Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia PCML Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho biết: Công tác phục hồi chức năng cho người khiếm thị (Low vision rehabilitation) bắt đầu được triển khai tại bệnh viện Mắt TW từ năm 1999, do CBM tài trợ. Trong những năm qua, Bệnh viện Mắt TW (BVMTW) thúc đẩy và thành lập được phòng phục hồi chức năng cho người khiếm thị với một số trang thiết bị thiết yếu giúp cho việc khám, đánh giá chức năng thị giác và chỉ định các kính trợ thị cho người khiếm thị đến khám tại BVMTW, bên cạnh đó BVMTW đã và đang hỗ trợ trường Nguyễn Đình Chiểu - Hà Nội trong việc khám khiếm thị tại một số tỉnh thành, mở một số khoá đào tạo cơ bản về khiếm thị cho cán bộ nhãn khoa ở một số tỉnh thành, tuy nhiên hiệu quả của công việc chưa cao, hoạt động còn nhiều khó khăn và bất cập. Những đối tượng trực tiếp mà Dự án này triển khai gồm: Những trẻ khiếm thị sẽ được khám, chỉ định các phương pháp trợ thị và hướng dẫn các kỹ năng tự phục vụ để có thể theo học hoà nhập tại các trường bình thường; Những người khiếm thị trưởng thành và người khiếm thị lớn tuổi; Can thiệp sớm và tư vấn cho gia đình trẻ bị bệnh võng mạc trẻ đẻ non. Dự án triển khai từ tháng 1/2012 tại BVMTW, CBM sẽ tiếp tục phối hợp với BVMTW thúc đẩy các hoạt động này vào những năm tiếp theo, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho người khiếm thị, giúp cho những người khiếm thị tại các vùng có dự án được chăm sóc, PHCN đến năm 2015. Dự án trên đã triển khai một số hoạt động cụ thể như: hoạt động khám và tư vấn PHCN tại trung tâm, đào tạo PHCN cho người khiếm thị, triển khai các hoạt động tại cộng đồng (2 tỉnh lân cận gồm: Hải Dương và Ninh Bình), triển khai các hoạt động truyền thông đại chúng…

Ông Trương Đức Tùng, Trưởng đại diện Tổ chức CBM tại Việt Nam cam kết: CBM tiếp tục đồng hành cùng với ngành mắt và các cơ quan chức năng, hội đoàn thể triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực về chăm sóc mắt hướng tới người nghèo, người khuyết tật tại Việt Nam trong thời gian tới.

Hy vọng, từ những kết quả, kinh nghiệm bước đầu thực hiện Dự án đầu tiên về “Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người khiếm thị” tại Bệnh viện mắt TW sẽ là cơ sở thực tiễn để nhà nước, các tổ chức đoàn thể xã hội quan tâm phối hợp, nhân rộng mô hình này, thúc đẩy các chính sách trợ giúp người khiếm thị tiếp cận các dịch vụ nhân đạo, cải thiện thị lực, hòa nhập cộng đồng, giảm bớt những khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống.

4923 Go top