Đưa ánh sáng về với vùng cao Quảng Nam 

Theo những số liệu mới nhất mà Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống mù lòa công bố, hiện nay tỉ lệ mắc mù loà ở nước ta là 3,2%, tức là có khoảng 380 nghìn người bị mù. Nếu không tìm cách giảm tỷ lệ mù lòa dưới 3% dân số vào năm 2015.

Mù lòa – “gánh nặng xã hội”

Ngoài các bệnh lý về mắt như bệnh glocom, sẹo giác mạc, teo nhãn cầu, bệnh mắt hột, bệnh đái tháo đường, cao huyết áp. … thì nguyên nhân hàng đầu gây mù là bệnh đục thể thủy tinh (chiếm tỷ lệ 70%). Đối với mù do đục thể thủy tinh nếu được phẫu thuật điều trị sẽ mang lại ánh sáng. Mặc dù những tiến bộ trong phẫu thuật đục thể thủy tinh không ngừng được hoàn thiện và phát triển nhưng ngành mắt Việt Nam cũng như những người mù đang đối diện nhiều khó khăn lớn nhất là kinh phí.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông chưa được quan tâm cũng gây ra những trở ngại khiến người bệnh (thường là người già trên 60 tuổi) không đi mổ mà “cam chịu mù lòa” do rất nhiều nguyên nhân: không có điều kiện, không có người đưa đi và chăm sóc khi mổ, không biết mắt mình mổ có sáng không, ngại đi vì tuổi già sức yếu, mắt mù mà không rõ nguyên nhân...Có dịp đi cùng các y tá, bác sỹ Bệnh viện Mắt Trung ương về những vùng sâu, vùng xa, vùng cao mới chứng kiến cảnh nhân dân còn thiếu kiến thức, thiếu thông tin về phòng bệnh. Không ít người chưa một lần trong đời đi…khám mắt! Cái đói nghèo, bệnh tật thường hay đi với nhau, vì thế người bệnh đã khó lại càng chồng lên khó. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh bác sỹ rút tiền trong ví mình để cho bệnh nhân tiền về, tiền mua thuốc… “ họ nghèo khổ đáng thương quá mà động lòng trắc ẩn, thôi thì giúp được người nào hay người ấy”. 

Đối với vùng miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc ít người, chưa có số liệu thống kê cụ thể nào về thực trạng mù lòa nhưng những khó khăn, thiếu thốn thì ai cũng thấy rõ, người bệnh và bác sỹ đều có những hạn chế riêng. Những năm gần đây, Đảng, Chính phủ và Bộ Y tế đã có những chính sách “ y tế hướng về cộng đồng” với mong muốn đưa các dịch vụ y tế tới gần dân hơn. Theo Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến huyện, liên huyện chiếm 50% tổng số giường bệnh và khoảng 65% người dân sử dụng các dịch vụ y tế nội trú, cho thấy bệnh viện tuyến huyện đóng vai trò quan trọng cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa… Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt đề án đầu tư xây dựng, nâng cấp nâng cao năng lực trên 600 bệnh viện tuyến huyện và khu vực với kinh phí 17.000 tỷ đồng….

Theo PGS. TS. Đỗ Như Hơn- Phó Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mùa lòa, Giám đốc Bệnh viện mắt Trung ương: Nếu các bệnh viện tuyến huyện có chuyên khoa mắt thì sẽ giải quyết đáng kể tỷ lệ mù lòa và số lượng tồn đọng hiện nay.

Tuy nhiên, để phát triển chuyên khoa mắt ở các bệnh viện tuyến huyện trở thành phòng khám mắt hoặc khoa mắt thì còn rất nhiều khó khăn. Thế nhưng có một mô hình chăm sóc mắt tuyến huyện hoạt động hiệu quả được đặt ở khu vực miền núi của một tỉnh miền Trung - Đại Lộc, Quảng Nam. BS.TS. Phạm Nguyễn Cẩm Thạch – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: khoa mắt ở huyện Điện Bàn và ở Đại Lộc là một mô hình mới và hiệu quả, đội ngũ cán bộ nhãn khoa được đào tạo bài bản và sử dụng thành thạo các trang thiết bị nhãn khoa, đủ điều kiện phát triển chuyên khoa sâu về mắt, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh mắt cho nhân dân địa phương.

Một mô hình chăm sóc mắt ở tuyến huyện

Chúng tôi về Đại Lộc – Quảng Nam giữa cái nắng gay gắt cuối hạ.Về với dòng sông Thu Bồn huyền thoại ôm bao vùng đất bị bom đạn chiến tranh một thời cày xới ác liệt, vùng đất nổi tiếng với những đặc sản mì quảng, bánh tráng…

Là một huyện miền núi nhưng với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, năm 2003 Trung tâm y tế huyện Đại Lộc đã được nâng cấp thành Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc tỉnh Quảng Nam với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào thuộc 6 huyện: Đại Lộc, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn và Duy Xuyên. Cho đến cuối năm 2007, chuyên khoa mắt mới đựoc thành lập và tách ra từ liên chuyên khoa tai- mũi- họng, răng hàm mặt - mắt, và nay đã thành khoa mắt với khu nhà 3 tầng rộng rãi khang trang được trang bị khá đầy đủ những thiết bị nhãn khoa khám và phẫu thuật các bệnh lý về mắt.

Trong khu nhà mới đang còn thơm mùi sơn vữa, rất đông bệnh nhân đến khám và đăng ký mổ mắt. Em Alang Thị Cới 16 tuổi, dân tộc Cơtu (xã Kà Dang, huyện Đông Giang) vượt hơn 100 km để về đây mổ mắt. Em Cới đã bị lòa từ bé, nhà nghèo nên tuần trước nghe nói ở Đại Lộc có khám mắt, Cới một mình lặn lội xuống khám và được bác sỹ phẫu thuật luôn, hôm nay Cới được các bác sỹ thay băng và kiểm tra lại. Cới với đôi mắt giờ đây đã sáng trở xúc động nhìn chúng tôi rụt rè: giờ mắt sáng rồi…, không biết nói gì… cảm ơn bác sỹ nhiều! BS.ThS Đỗ Văn Liêm – Trưởng khoa Mắt cho biết thêm: Nhà Cới nghèo lắm. Tuần rồi, sau khi phẫu thuật mắt xong không có tiền để ăn trưa, Cới giấu mọi người, đến chiều mới phát hiện ra Cới nhịn đói, thế là bệnh nhân ở đây tổ chức quyên góp cho Cới tiền ăn và tiền đi về…Tội con nhỏ thiệt!

Bác sỹ Liêm tốt nghiệp chuyên khoa mắt Đại học Y Huế về công tác tại Đại Lộc đã hơn 10 năm, nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đến việc được làm đúng chuyên khoa mắt và phát triển thành khoa Mắt hiện đại tại một huyện miền núi như thế này. Những ngày đầu, bác sỹ Liêm cùng các y bác sỹ trong khoa trực tiếp đi phát các tờ rơi tại những nơi tập trung đông người như chợ, trường học, quán nước…, liên hệ thông báo trên hệ thống phát thanh huyện và xã… Bên cạnh đó mở các lớp tập huấn kiến thức chăm sóc mắt ban đầu cho các cán bộ y tế thôn, xã.

Mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng nhưng hàng ngày số lượng bệnh nhân đến khám ở khoa Mắt ngày càng đông. Chị Nguyễn Thị Lệ (thôn 3 xã Duy Hòa – huyện Duy Xuyên) cùng bà con trong xóm có mặt từ sớm để đợi khám và đăng ký phẫu thuật đục thể thủy tinh: “Tuần trước nghe nói bên Đại Lộc có phòng khám mắt hiện đại lắm, tui qua khám thử rùi làm thủ tục mổ lun”. Bà Hồ Thị Nam (68 tuổi) tỏ vẻ vui mừng: “Giờ khám mắt hổng phải đi xuống tỉnh nữa, ở đây các bác sỹ tận tình và chữa bịnh giỏi lắm…”. 

Đơn vị “đỡ đầu” cho mô hình chăm sóc mắt ở huyện Đại Lộc là tổ chức nhân đạo quốc tế Fred Hollows – FHF (Úc). Liên tục 17 năm qua FHF đã giúp đỡ ngành Mắt Việt Nam trong lĩnh vực phòng chống mù lòa: đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nhiều cơ sở nhãn khoa từ trung ương đến tuyến tỉnh, tài trợ hàng ngàn thể thủy tinh hàng năm cho người nghèo…Những năm gần đây, FHF và nhiều tổ chức quốc tế khác quan tâm đến công tác nhãn khoa cộng đồng, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân biết cách bảo vệ và chăm sóc mắt. Bác sỹ Huỳnh Tấn Phúc – Trưởng đại diện FHF tại Việt Nam, người rất tâm huyết và đã góp công lớn để “hiện thực hóa” mô hình chăm sóc mắt ở Đại Lộc theo hướng bền vững, bộc bạch: Sắp tới FHF sẽ hỗ trợ khoa Mắt Đại Lộc có thể thực hiện được kỹ thuật mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco hiện đại. Mục tiêu của chúng tôi là giúp đỡ, hỗ trợ phòng chống mù lòa ở những nơi đang còn khó khăn nhất, nghèo nhất, tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc mắt thuận tiện, giảm chi phí cho người nghèo, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trong cộng đồng, hỗ trợ các bác sỹ tuyến huyện có đủ năng lực để khám chữa bệnh mắt cho nhân dân. Anh Phúc và những đồng nghiệp đang ấp ủ “ý tưởng”: thời gian tới sẽ vận động gây quỹ để tài trợ xây dựng ở mỗi tỉnh có ít nhất 3 khoa mắt tuyến huyện như Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam).

Rời Đại Lộc, từng đợt, từng đợt gió mát từ sông Thu Bồn ùa về, trên suốt chặng đường tôi cứ nghĩ miên man: giá mà ý tưởng của bác sỹ Phúc có sự hợp sức hỗ trợ theo tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” thì môĩ tỉnh có từ 3-4 mô hình như Đại Lộc sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực hơn, hàng trăm ngàn người mù nghèo cũng sớm tìm lại ánh sáng, hòa nhập cộng đồng và góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội…Phòng chống mù lòa nhất là đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người cũng chính là góp phần xóa đói giảm nghèo ở từng hộ gia đình.


Đông Phương Hồng

1915 Go top