Bao nhiêu mùa đông đã qua? 55 mùa rồi cơ đấy. Tôi sinh ra cũng vào mùa đông, tháng 12 năm 1968. Đến tôi đã là lần thứ 3 mẹ sinh nở. Mẹ kể khóa cửa nhốt anh chị tôi đang ngủ say ở trong nhà, vơ những chiếc tã lành lặn nhất, bà sinh ra tôi ở nhà hộ sinh Cây đa nhà bò (nhà hộ sinh B bây giờ). Bà đẻ ra tôi nhanh lắm, sáng ra hai mẹ con đã lại về nhà khi anh chị tôi vẫn còn say giấc nồng. Tôi nặng 3.2 kg, ăn khỏe, dễ nuôi. Chúng tôi 4 đứa con của bố mẹ, 2 đứa sinh vào mùa đông, 2 đứa vào mùa hạ. Nhà nghèo, đói thịt cá, quần áo rét thiếu thốn hoặc mặc chung, Tôi và chị gái sinh ra vào những mùa đông gian khó, túng thiếu của bố mẹ. Chị tôi sinh ra ở vùng quê sơ tán, quần áo ấm không có, mẹ chỉ còn cách bọc nhằng nhịt bằng tã rách, đốt rơm để sưởi. Món bồi dưỡng bà đẻ ở quê là cháo nấu với su hào. Tội nghiệp mẹ! Rồi chúng tôi cũng khôn lớn, qua bao mùa đông khó nhọc, sống hoang dã ở những vùng quê sơ tán, vui với trẻ quê, không cần chăm bẵm nhiều, ít ốm đau. Hết thời thơ ấu, 4 anh em gần như cách nhau năm một đến tuổi đi học. Những mùa đông luôn ám ảnh tôi cho đến bây giờ bởi những đói và rét, thèm thịt và mỡ để chống rét, thiếu quần áo ấm, tất rách đi với dép lê. Cái ngon đê mê của thịt cá hay trứng, vị béo ngậy của những miếng tóp mỡ bây giờ làm sao có được. Mấy anh chị em chỉ có 2 áo len để mặc chống rét, chăm chỉ đến trường mỗi sáng mùa đông như những ngày này. Phải chờ người đi học sáng về cởi áo len thì tua học chiều mới có áo ấm để mặc. Áo len rách mặt trước thì lộn ra mặt sau mặc tiếp, ưu tiên cho mặt tiền là vậy.
Mãi rồi con cũng đỗ trường Y. Một sáng mùa đông năm thứ nhất đi học về ăn cơm nóng với canh dưa nấu lạc do đích thân mẹ xới “hầu”. Vui và ngon đến mức 6 bát cơm chui vào bụng anh như cơn gió rét chui qua cửa sổ. Mẹ cười cảnh báo: Mày ăn 6 bát rồi đấy. Tôi ngượng ngùng dừng lại và sau đó, có lẽ là không bao giờ có thể vượt qua ngưỡng 6 bát cho đến ngày hôm nay… đã 55 tuổi. Rồi một khi đã trở thành sinh viên chững chạc, đã tập tành hút thuốc lá, một ngày đông giáp Tết tôi được mẹ giao cho nhiệm vụ đi lấy thực phẩm từ một người quen tận Thanh Trì. Gió rét như muốn vật ta xuống đường, bắp chân gồng căng cố đạp xe tới đích. Lần đầu tiên tôi tự đạp xe xa như thế, về nơi thôn quê mịt mùng. Sưởi ấm bằng đống rơm rạ của người dân đốt dọc đường, hít sâu hơi thuốc lá cho thêm dũng khí, tôi cần mẫn đạp xe chỉ để đem về mấy củ xu hào, chục bìa đậu phụ nải chuối xanh. Thú vị là tôi cảm thấy mình là người lớn thực sự: Biết bươn trải giúp mẹ, kiếm được cái ăn, đi đến nơi về đến chốn sau cuộc phiêu lưu đường dài. Thêm nữa, lần đầu tiên tôi biết hình dáng con gà Tây, kêu thật ngộ sau khi bị người khiêu khích, rất to và nhiều thịt. Tôi cứ ước ao nhà mình có được một con như vậy để ăn Tết nhưng chỉ vài năm sau đó người ta đã du nhập gà công nghiệp vào Việt nam, to và béo như gà Tây thịt lại mềm hơn.
Thời trai trẻ thích hay yêu một người con gái cũng là chuyện bình thường. Với tôi thì là chuyện lớn. Gia cảnh nhà nghèo, đông con, mẹ ốm nặng khiến tôi chẳng thể yêu hay chăm sóc cho ai khác gia đình mình. Có lẽ tôi có lỗi với vài bạn gái vì đã chẳng đi cùng họ xa hơn mặc dù tôi yêu quí họ không ít hơn họ cảm mến tôi. Rồi chẳng ai có thề đợi mãi được, tôi cũng chẳng hứa hẹn với ai, lần lượt các bạn gái đại học của tôi đi lấy chồng, hạnh phúc ấm êm cả. Đêm đông mà trực bệnh viện thì buồn ghê gớm. Bệnh nhân đã chìm vào giấc ngủ sâu, tiếng máy thở xì xoẹt, tiếng bầu oxi kêu lóc bóc. Chúng tôi là sinh viên cùng khóa, khác lớp có thích nhau. Bạn bè cũng vun vén thêm vào. Hai đứa ngồi bàn trực canh bệnh nhân của C3 tim mạch Bạch mai. Tôi ngượng ngùng bỏ ra bọc lạc rang bọc báo chuẩn bị từ chiều ăn chung và trò chuyện với cô ấy. Cái trán dô, mũi hơi tẹt nhưng đôi mắt thì trong veo, giọng nói luôn ríu rít như chim. Đêm dài như ngắn lại. Chúng tôi không bàn đến tương lai vì nó mông lung bất định lắm với dân trường y thập niên 90 của thế kỷ trước. Rất ít đôi yêu nhau, khi yêu rồi cũng rất hiếm khi thành vợ chồng. Chúng tôi cũng vậy. Lần cuối tôi gặp cô ấy là tại tang lễ của mẹ tôi. Rồi ai cũng có cuộc sống, gia đình, con cái. Với tôi mãi tận 10 năm sau đó.
Một mùa đông sát năm mẹ tôi mất. Anh tôi sau 5 năm du học ở Liên xô về thăm nhà. Khỏi phải nói bố mẹ tôi sung sướng, tự hào biết bao. Chúng tôi, những em nhỏ của anh cũng xúng xính quần áo mới, kẹo ngoại chia cho bọn trẻ trong ngõ. Rét đến mức mẹ tôi phải trải chăn dạ rách xuống làm đệm còn trên thì đắp chăn bông. Gió lùa khắp nơi khiến anh tôi phải làu bàu đi nhét giấy vào các khe cửa sổ, dán nilon vào cửa chính. Anh tôi về chơi nên mẹ mở hầu bao, ngoài cơm bữa ngon hơn còn có ăn đêm. Chạy ra phố không quản gió rét, đêm khuya tôi mua về mấy chiếc bánh mỳ pate nóng hổi có tí tương ớt cay nồng. Một chiếc cắt đôi cho 2 người ăn. Ngon nhớ đến tận bây giờ. Tết năm đó nhờ có ngoại tệ mạnh của anh mà chúng tôi có âm nhạc từ chiếc đài Rigonda, chiếc tivi Neptuyn, lọ hoa violet và lay-ơn do chị tôi cắm thật rực rỡ trong căn nhà vỏn vẹn 12 m2. Nhà chúng tôi lâu lắm mới có đủ 6 người: Bố mẹ, 4 đứa con trong đó có anh tôi xa nhà 5 năm mới về chung vui cái Tết chưa thực sự đủ đầy nhưng cũng đã là mơ ước của nhiều người thời đó.
Thời gian cứ trôi đi, vật chất cứ chất đầy dần. Sự ngột ngạt của túng thiếu đã không còn nhường chỗ cho sự trống vắng của tâm hồn, sự chông chênh của đạo đức và lý tưởng. Sức sống của mỗi con người thời đó như tôi đã giảm nhiều, không phải vì tuổi tác mà còn vì câu hỏi sống để làm gì, nên sống như thế nào? Vốn khó trả lời, vật vã và đau khổ nữa mà vẫn không trả lời nổi. Ngày xưa hạnh phúc thật giản đơn, lẽ sống là vì gia đình và bố mẹ, vui khi nhà có đủ 6 người, có bánh mỳ để ăn, có nhạc radio, có hoa violet cắm. Nhớ ngày xưa quay quắt!
Bs Hoàng Cương
Đêm đông 12/2023