Chăm sóc mắt cộng đồng ở Việt Nam: Thực trạng và thách thức 

Mặc dù ngành mắt và chính quyền các cấp những năm qua không ngừng nỗ lực thúc đẩy công tác PCML với quy mô rộng khắp, tuy nhiên công tác PCML ở cộng đồng hiện nay đăng đặt ra nhiều vấn đề còn tồn tại, và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra

Các chương trình phòng chống mù lòa tuyến cơ sở mới dừng lại ở các đợt khám, phẫu thuật lưu động và các hoạt động truyền thông chăm sóc mắt.Còn đối với người nghèo, người khuyết tật ở vùng cao, vùng miền núi, chăm sóc mắt thực sự là “món quà xa xỉ”. Phần lớn họ trông chờ vào các chương trình phòng chống mù lòa, các hoạt động khám, mổ mắt lưu động từ thiện từ các dự án, các tổ chức phi chính phủ triển khai hàng năm.


Rào cản từ người dân:

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi, một mắt đã mờ hẳn, mắt còn lại nhìn cũng kém, chân đi tập tễnh vì bị tật từ bé, nhưng bà Lê Thị Châu ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vẫn cố ngồi tước đám lá ngô để phơi khô dành cho bò ăn trong những ngày đông mưa rét sắp tới. Gia đình bà có 5 người, gồm 4 thế hệ chung sống, nhưng bà, con dâu và cháu gái nội đều trong cảnh lẻ bóng. Thiếu vắng sự gánh vác trụ cột của những người đàn ông nên nhiều năm qua gia đình bà luôn trong diện đói nghèo của xã. Cách đây 3 năm, nhân có đợt khám chữa mắt miễn phí của  tại huyện, bà mới được người thân đưa đi mổ đục thủy tinh thể. Sau đó bà chỉ đi khám lại 1 lần. Mấy năm nay, mắt trái lại không nhìn rõ nữa nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên bà đành chịu cảnh kém mắt: “Con mắt ni là mờ hẳn, đi chập chừng chấp chới, tôi cũng ưng đi khám nhưng lên bệnh viện không ai đèo đi. Đi bộ không đi được”.

Bà Châu tuy hộ nghèo nhưng cái nghèo của vùng đồng bằng cũng khác cái nghèo ở vùng cao. Dẫu sao bà Châu đã từng một lần được mổ mắt.

Theo chân chương trình khám mắt miễn phí thường kỳ của tổ chức quốc tế CBM tại Mộc Châu, Sơn La nhưng chúng tôi vẫn gặp nhiều người chưa bao giờ được khám mắt, hoặc đã khám cách đây hơn 20 năm rồi.

Bác Vì Văn Thương, dân tộc Thái xã vùng biên Lóng Sập chia sẻ: khám mắt một lần rồi, từ thời bộ đội cách đây 20 năm rồi, thấy mờ mắt thì đi khám thôi....- Mọi lần sao bác không đi khám? – Vì đi làm ăn ở xa. – bác có biết mắt làm sao mờ không?- (cười) chắc uống rượu nhiều quá, mà cái khoản đó thì không cai được.

Khám chữa mắt cho đồng bào vùng cao đang gặp nhiều rào cản về văn hóa, nhận thức, khó khăn và các điều kiện khác từ người dân

Còn Bà Lò Thị Nghia, bản Phát thì tâm sự đây là lần đầu tiên đi khám mắt: thấy khó chịu thì đi thôi. Các y bác sỹ trong đoàn khám cho biết, bà Nghia  thị lực giờ chỉ còn 1/10, do bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, đươc chỉ định hướng dẫn xuống tỉnh phẫu thuật. Sợ lắm, không mổ đâu, không ai mang đi, không có tiền để mổ đâu - bà Nghia nói.

Y sỹ Vì Văn Khuyến, trưởng trạm y tế xã Lóng Sập, Mộc Châu cho biết: xã có 12 bản, bản xa nhất mà đi bộ phải mất cả ngày mới tới trạm y tế xã do đó họ ít khi đến trạm. Người dân khi đến khám bệnh hầu hết là nặng rồi.

Từ nhận thức của người dân về chăm sóc đôi mắt, chăm sóc sức khỏe cùng với cái nghèo, cái khó của đồng bào, cho dù nhiều chương trình chăm sóc mắt triển khai hàng năm tại cộng đồng nhưng việc khám mắt, chữa trị để mang lại ánh sáng là thách thức lớn mà ngành mắt cùng các tổ chức nhân đạo tại Việt Nam đang phải đối diện. Số lượng người mù tồn đọng tăng lên theo hàng năm, chưa kể tỷ lệ mù lòa mắc mới ở Việt Nam theo thống kê lên tới trên 150.000 người mỗi năm. Còn đối với người nghèo, khuyết tật ở vùng cao, vùng miền núi, chăm sóc mắt thực sự là “món quà xa xỉ”. Phần lớn họ trông chờ vào các chương trình phòng chống mù lòa, các hoạt động khám, mổ mắt lưu động từ thiện từ các dự án, các tổ chức phi chính phủ triển khai hàng năm.

PGS.TS Đỗ Như Hơn, Phó trưởng ban chỉ đạo Quốc gia PCML Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho biết: trong nhiều thập kỷ qua, công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam đã được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ, giúp đỡ cả về kỹ thuật và kinh phí thúc đẩy hoạt động chăm sóc mắt tại cộng đồng cũng như đào tạo cán bộ, đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị nhãn khoa. Đặc biệt các tổ chức quốc tế đã tập trung hỗ trợ ngành mắt xây dựng các mô hình chăm sóc mắt toàn diện, bền vững ở cộng đồng, cùng các chương trình khám, phẫu thuật miễn phí đã cùng với ngành mắt thúc đẩy giảm tỷ lệ mù lòa rất hiệu quả.

Nhiều người dân đến khám tại các trạm y tế cơ sở trong tình trạng bệnh đã nặng hoặc thị lực rất thấp

Đặc biệt, đối với người khuyết tật và người nghèo, bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, các tổ chức PCML quốc tế đã coi trọng và thúc đẩy các dịch vụ nhãn khoa tiếp cận các đối tượng này từ cơ sở. Tổ chức CBM là một tổ chức phi chính phủ của Đức đã đồng hành, giúp đỡ  ngành mắt suốt hơn 30 năm qua. Đa phần các dự án của CBM, trong đó có dự án chăm sóc mắt  luôn hướng tới đối tượng người nghèo và người khuyết tật. Chia sẻ những khó khăn rào cản  nào trong chăm sóc mắt cho người nghèo, người khuyết tật, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, ông Trương Đức Tùng, Trưởng đại diện tổ chức CBM cho biết: Do điều kiện kinh tế xã hội nên vùng sâu vùng xa rất thiếu cán bộ chăm sóc mắt. Khó khăn nữa là nhận thức trong công tác  chăm sóc mắt ở người nghèo, người khuyết tật chưa cao. Người nghèo người khuyết tật  còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt do những rào cản về kinh tế tâm lý và khả năng đáp ứng của y tế. Nếu như không có những đợt khám tại cộng đồng ở những vùng rất nghèo, rất xa thì người dân khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt vì khoảng cách từ xã của họ tới y tế huyện hoặc tỉnh cách hàng chục, hàng trăm cây số.

Thiếu hụt cán bộ chăm sóc mắt ở cộng đồng:

Mặc dù ngành mắt và chính quyền các cấp những năm qua không ngừng nỗ lực thúc đẩy công tác PCML với quy mô rộng khắp, tuy nhiên công tác PCML ở cộng đồng hiện nay đăng đặt ra nhiều vấn đề còn tồn tại, và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt các vấn đề như: thiếu nhân lực cán bộ mắt, hàng trăm trung tâm y tế huyện không có bác sỹ nhãn khoa, không có khoa mắt, không có trang thiết bị và cơ sở vật chất...tạo nên những “vùng trắng” về dịch vụ nhãn khoa, khiến cho hàng triệu người dân địa phương khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt... Phần lớn tại cá bệnh viện tuyến huyện, chuyên khoa mắt thuộc liên chuyên khoa mắt –tai mũi họng- răng hàm mặt, nên gặp nhiều bất cập. Các trang thiết bị sơ sài, dừng ở việc khám một số bệnh mắt thông thường, sơ cứ ban đầu và thực hiện chuyển lên tuyến...

Tại Bệnh viện ĐK huyện Diễn Châu, Nghệ An chỉ có 01 hộp thử kính (thiếu và gẫy gọng không sử dụng được), 01 đèn soi đáy mắt (cũ kỹ, chập chờn lúc dùng được, lúc không), và 01 kính lúp là tất cả những gì thuộc về trang thiết bị nhãn khoa phục vụ công tác khám, điều trị bệnh mắt ở đây. Tình trạng này là phổ biến ở hầu khắp bệnh viện tuyến huyện trên cả nước.

Các số liệu thống kê của BV Mắt TW cho thấy: tỷ lệ 14,5 bác sỹ mắt/1 triệu dân và tỷ lệ 16,2 người/1triệu dân, so với  tiêu chí của WHO và tổ chức PCML thế giới  đưa ra:  10 bác sỹ mắt/ 1 triệu dân thì Việt Nam đã đạt vượt tiêu chí này. Tuy nhiên đa số các các y, bác sỹ chuyên khoa mắt Việt Nam phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở đô thị,  ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM... Dù mỗi năm các cơ sở nhãn khoa lớn đào tạo gần 200 bác sỹ chuyên khoa mắt nhưng những con số này ra trường cũng tập trung ở các đô thị lớn... Trong khi đó tuyến huyện thiếu bác sỹ nghiêm trọng:  211/ 697 quận, huyện trên toàn quốc có y tá/ bác sỹ chăm sóc mắt (30,3%), như vậy hơn 2/3 quận, huyện không có bác sỹ nhãn khoa; Tuyến xã mới có 317 huyện (47,5% số huyện) được đào tạo chăm sóc mắt ban đầu...Một số tỉnh ở khu vực miền núi, vùng Tây Bắc và Tây Nguyên thì ngay bác sỹ ở tuyến tỉnh cũng rất thiếu. Một thông tin mới nhất, toàn tỉnh Đắk Nông hiện nay chỉ có 1 bác sỹ chuyên khoa mắt.

Hơn 2/3 tổng số quận huyện trên cả nước hiện nay thiếu y, bác sỹ nhãn khoa tạo nên những vùng trắng về dịch vụ chăm sóc mắt.

PGS.TS Đỗ Như Hơn nhận định: Thiếu nhân lực thì kéo theo nhiều yếu tố, thiếu trang thiết bị nhãn khoa, thiếu các dịch vụ nhãn khoa, khó triển khai các chương trình chăm sóc mắt cộng đồng.... Điều đó cũng có nghĩa người dân sẽ khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt, người dân phải dồn lên các cơ sở chăm mắt tuyến trên, sinh ra thực trạng quá tải bệnh viện. Đối với người nghèo và người khuyết tật do các yếu tố đi lại, kinh phí thì việc khám mắt lại càng khó khăn hơn nhiều.

Hàng trăm cơ sở y tế tuyến huyện thiếu nhân lực, các trang thiết bị khám sơ sài, khó đáp ứng công tác chăm sóc mắt cho người dân. Các chương trình phòng chống mù lòa tuyến cơ sở mới dừng lại ở các đợt khám, phẫu thuật lưu động và các hoạt động truyền thông chăm sóc mắt. Nếu thực trạng này tiếp tục tiếp diễn qua nhiều năm thì số người mù lòa hàng năm ngày càng tăng hơn, lượng tồn đọng nhiều hơn, trong khi các bệnh mắt ngày càng phức tạp, đó là thách thức, là gánh nặng với xã hội, với cộng đồng trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở mỗi địa phương, ở từng hộ gia đình và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của những người đang cam chịu cảnh mù lòa là điều hiện hữu.

Đông Phương Hồng

11734 Go top