Cắt dịch kính, phẫu thuật của sự phát triển 

Dịch kính là chất dạng gel, chứa đầy buồng sau của nhãn cầu cấu tạo gồm 99% là nước, có lưới colagen, chất cơ bản giàu axít hyaluronic và tế bào dịch kính.

Dịch kính là chất dạng gel, chứa đầy buồng sau của nhãn cầu cấu tạo gồm 99% là nước, có lưới colagen, chất cơ bản giàu axít hyaluronic và tế bào dịch kính.

Toàn bộ khối dịch kính được bao bởi màng hyaloit mà bản chất là sự cô đặc của dịch kính ở chu biên. Bản thân dịch kính trong suốt và là môi trường đệm, vai trò quan trọng của dịch kính trong dinh dưỡng các màng của mắt trong đó trực tiếp là màng thần kinh võng mạc. Khi có các quá trình bệnh lí của bản thân dịch kính hay các thành phần lân cận làm cho dịch kính bị tổn thương mất tính trong suốt gây giảm thậm trí mất thị lực, các bệnh lí của dịch kính và các màng lân cận có quan hệ đặc biệt khăng khít và ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp nhau. Cắt dịch kính thực chất gồm nhiều thao tác phẫu thuật từ trong buồng dịch kính nhằm loại trừ dịch kính bệnh lí, điều trị những bệnh lí dịch kính võng mạc, thay vào đó là dung dịch nước muối sinh lí. Sự ra đời phẫu thuật cắt dịch kính là kết quả nghiên cứu tìm tòi lâu dài của nhiều tác giả : Năm 1970 đánh dấu sự ra đời của phẫu thuật cắt dịch kính bằng việc chế ra dụng cụ để cắt dịch kính. Ngày 13 tháng 6 năm 1970, lần đầu tiên một số tác giả trên thế giới đã tiến hành phẫu thụât cắt dịch kính ở trên mắt người. Từ đó đến nay kỹ thuật cắt dịch kính đã tiến những bước dài. Nhờ nghiên cứu ra những phương tiện và dụng cụ mới ngày càng hoàn chỉnh, cắt dịch kính đã đạt được những thành tưụ vô cùng quan trọng. Lúc đầu cắt dịch kính đã được phát triển ở các nước tiên tiến, đến nay đã là phẫu thuật thường qui của các trung tâm nhãn khoa. Phẫu thuật cắt dịch kính được nghiên cứu ở Việt Nam vào năm 1991, nhờ được trang bị máy cắt dịch kính và những phương tiện khác. Từ những nghiên cứu ở Bệnh viện Mắt Trung ương sau đó được triển khai tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và cho đến nay chúng tôi bắt đầu được triển khai trên một số tỉnh lớn khác như Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hoá…Hi vọng trong những năm tới một số tỉnh lớn có thể phát triển được kỹ thuật phẫu thuật này.

Về chỉ định của phẫu thuật trong các bệnh lí của mắt có thể kể ra như : các đục dịch kính sau các quá trình chấn thương, bệnh lí nhãn cầu, các viêm nhiễm của màng bồ đào, nhiễm trùng nội nhãn, các bệnh lí như xuất huyết dịch kính, sau các quá trình gây đục dịch kính như là bệnh đái đường, thoái hoá dịch kính… Phẫu thuật còn để giải quyết các quá trình bệnh lí khác như loại trừ những co kéo của dịch kính võng mạc trong điều trị , dự phòng bong võng mạc, nhờ cắt dịch kính nhiều bệnh lí nặng của mắt đã có thể được cứu chữa như bong võng mạc co kéo sau các bệnh lí chấn thương, đái đường, có tăng sinh dịch kính võng mạc. Mới đây chúng tôi đang nghiên cứu cắt dịch kính kết hợp bơm dầu silicôn điều trị viêm mủ nội nhãn có tác dụng rất tốt giúp cho quá trình viêm ổn định nhanh, rút ngắn thời gian điều trị và đặc biệt có tác dụng tốt đề phòng bong võng mạc, một biến chứng thường gặp sau viêm mủ nội nhãn. Đây là nghiên cứu mới được thử nghiệm trên bệnh lí nặng nề của mắt lần đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam mang lại hiệu quả điều trị cao.

Về trang bị cho phẫu thuật cắt dịch kính trước hết là phải có máy cắt dịch kính. Đây là trang bị đắt tiền và tinh vi. Có nhiều loại máy cơ chế làm việc khác nhau có thể loại máy cắt dịch kính làm việc nhờ từ trường dòng điện, loại máy cắt dịch kính hoạt động nhờ áp lực của khí nén thường dùng là khí CO2, N2, máy nén khí...tránh những khí có thể cháy nổ . Đây là loại máy phổ biến hiện nay. Ngoài máy cắt dịch kính cần có thêm nhiều phụ kiện đi kèm như các phương tiện hổ trợ để nhìn được trong lúc cắt, các hoá chất và thuốc…vv. Để tiến hành được phẫu thuật cần đào tạo cán bộ chuyên khoa mắt có khả năng tiếp thu và thực hiện được phẫu thuật. Trong chương trình nghiên cứu cấp Bộ , chúng tôi có kế hoạch triển khai kỹ thuật ở một số tuyến chuyên khoa và với việc mở chương trình đào tạo chuyên sâu chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ có thể tiến hành được phẫu thuật ở một số bệnh viện mắt của các tỉnh lớn, và với sự phát triển như thế hi vọng người dân được thụ hưởng sự phát triển kỹ thuật cao, hệ thống chuyên khoa mắt khẳng định được sự phát triển tiến kịp nhu cầu phát triển của ngành nhãn khoa.

Trong những năm gần đây kỹ thuật phẫu thuật đã có những tiến bộ vượt bậc nhờ thụ hưởng thành quả của khoa học kỹ thuật. Những tiến bộ đầu tiên quan trọng là sự ra đời những loại máy cắt dịch kính với chức năng hoàn hảo, có thể truyền dưới áp lực cao, nhiều chức năng phối hợp, tốc độ cắt có thể đạt 2500 lần/ 1 phút thậm trí 4000 lần cắt trong một phút. Kích thước đầu cắt được hoàn thiện và bé như một kim tiêm bình thường, đến mức không cần khâu đường mở vào trong mắt. Tiến bộ còn liên quan đến sự ra đời của các phương tiện hỗ trợ như lúc đầu là ánh sáng lạnh đưa vào trong mắt nay đã có thể dùng nội soi, dùng ánh sáng trực tiếp từ hiển vi phẫu thuật và cắt dịch kính với việc sử dụng hai tay, hệ thống kính lồi có góc nhìn rộng hiện nay được nhiều tác giả ưa dùng. Tiến bộ về các thuốc hoá chất dùng trong phẫu thuật được đánh gía cao đó là sự ra đời của các loại gaz nở , các chất nặng giúp cho giải quyết được nhiều trường hợp bệnh nan giải. Ngành Nhãn khoa Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong những năm qua, chúng ta đang tự khẳng định mình trước sự tiến bộ nhanh chóng của nhãn khoa thế giới, hội nhập quốc tế chúng ta có thể trao đổi và giao lưu với bạn bè quốc tế. Đáp ứng phần nào nhu cầu được chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Tuy nhiên chúng ta cần cố gắng hơn nữa, trên con đường phát triển mỗi cán bộ ngành Nhãn khoa cần ra sức học tập nâng cao trình độ , cần tự đào tạo mình thực hiện đúng đường lối chủ trương chính sách của Đảng Nhà nước và Chính phủ. Thay mặt những người làm công tác Nhãn khoa mong được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát hơn của Bộ Y tế , sự cố gắng của toàn Ngành, sự ủng hộ và chung vai gánh vác của toàn xã hội.

PGS.TS.Bs Đỗ Như Hơn
Giám đốc bệnh viện Mắt TƯ

10607 Go top