Ban chỉ đạo Quốc gia PCML Bộ Y tế họp phiên thường kỳ lần thứ 7 – 2012: 

Ngày 9/2/2012, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa Bộ Y tế cùng với các đại diện tổ chức quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực PCML tại Việt Nam đã họp phiên thường kỳ lần 7

Gần 5,7 triệu USD hỗ trợ cho công tác PCML ở Việt Nam trong năm 2011

Ngày 9/2/2012, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống mù lòa Bộ Y tế cùng với các đại diện tổ chức quốc tế đang hoạt động trong lĩnh vực PCML tại Việt Nam đã họp phiên thường kỳ lần 7, nhằm đánh giá các hoạt động PCML trên toàn quốc năm 2011 và đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2012. Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban BCĐ QG PCML Nguyễn Thị Xuyên đã tới dự và chủ trì phiên họp.

Trong năm 2011, 9 nhiệm vụ lớn được Ban chỉ đạo QG PCML đề ra và triển khai với những kết quả cao.

Trong lĩnh vực chăm sóc mắt ở cộng đồng, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như FHF, AP, Orbis, ECF, CBM, ICEE, HKI  tiếp tục có những hoạt động dự án hỗ trợ ngành mắt ở các địa phương trên toàn quốc một cách toàn diện và theo hướng bền vững: từ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ nhãn khoa đến cung ứng trang thiết bị và tổ chức các hoạt động khám, phẫu thuật mắt tại cộng đồng. Đặc biệt nhiều tổ chức như FHF, ICEE, CBM,... không ngừng đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ trực tiếp, thiết thực tới những cơ sở nhãn khoa thuộc vùng cao, vùng sâu, những tỉnh còn khó khăn, hướng tới các đối tượng nghèo, tập trung vào những bệnh mắt phổ thông và tỷ lệ lớn tồn đọng trong cộng đồng: đục thủy tinh thể, quặm mắt hột, tật khúc xạ... Đặc biệt nhiều tổ chwucs đã quan tâm và thực hiện nhiều hình truyền thông đa dạng như cá cuộc thi, tờ rơi, poster, các hoạt động truyền thông trên báo chí – truyền hình để chuyển tải các thông điệp về chăm sóc mắt, kiến thức phòng tránh các bệnh mắt tới người dân và nâng cao ý thức coi trọng các bệnh mắt của chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể, xã hội...

Vớisự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc mắt cộng đồng trong năm 2011 ước tính gần 5,7 triệu USD. Trong đó, Dự án hợp tác giữa AP và FHF là 18 dự án, với kinh phí trên 3,4 triệu USD; ECF với gần 175.000 USD; Orbis với khoảng 450.000 USD; ICEE với khoảng 700.000USD; CBM với 9 dự án, kinh phí khoảng 380.000 EURO...

Các đại biểu đã đánh giá sự hỗ trợ hiệu quảvà to lớn, thường xuyên, liên tục trong nhiều năm theo hướng bền vững của các tổ chức phi chính phủ nói trên đối với công tác PCML tại Việt Nam và khẳng định vai trò của các tổ chức này là “đòn bẩy” quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện và đạt được những mục tiêu thị giác 2020.

Trong năm qua, Ban chỉ đạo quốc gia PCML trong vai trò thúc đẩy các hoạt động PCML theo hệ thống ngành dọc, giám sát và thúc đẩy các hoạt động của các Ban chỉ đạo PCML cấp tỉnh, thành phố...

Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 58/64 tỉnh thành phố thành lập các Ban chỉ đạo PCML tuynhiên việc hầu như các Ban chỉ đạo này không có hoạt động gì hoặc hoạt động chưa hiệu quả. Việc ra đời các Ban chỉ đạo này đang mang nặng tính hình thức. Tại phiên họp, tất cả các ý kiến đều thừa nhận rằng kính phí từ ngân sách để các Ban chỉ đạo PCML vận hành là trở ngại lớn mà trước mắt chưa có hướng giải quyết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nhấn mạnh: Chính phủ và Bộ Y tế hiện chưa có ngân sách cố định để phân bổ cho các ban chỉ đạo PCML tuyến dưới, phải do các BCĐ PCML các tỉnh chủ động đề xuất với UBND tỉnh, thành quan tâm và dành một phần ngân sách địa phương để hoạt động. Thời gian tới, Ban chỉ đạo Quốc gia PCML sẽ tham mưu Bộ Y tế đề xuất với chính phủ về mức giá viện phí cũng như hoàn thiện chính sách về bảo hiểm y tế để hỗ trợ ngành mắt, thống nhất mô hình chăm sóc mắt trên toàn quốc, cung cấp trang thiết bị cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa... Bà Xuyên chỉ đạo trong năm tới cần có những khảo sát, đánh giá toàn diện về thực trạng chăm sóc mắt, ngườn nhân lực và trang thiết bị nhãn khoa...từ đó mới có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ hiệu quả và đúng trọng tâm, đúng nhu cầu đối các cơ sở nhãn khoa địa phương.

Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu cũng nêu ra những bất cập trong các vấn đề PCML hiện nay, nổi lên là vấn đề phẫu thuật bệnh đục thủy tinh thể trong cộng đồng hiện nay đang có nhiều quan điểm khác nhau, các bệnh viện mắt, trung tâm mắt địa phương phát triển phẫu thuật phaco ồ ạt, mặc dù có những ưu điểm về kỹ thuật tuy nhiên là kỹ thuật khó cần được đào tạo bài bản kỹ càng, giá thành lại cao, không phù hợp với chiến lược PCML ở cộng đồng. Ông Huỳnh Tấn Phúc, Trưởng đại diện FHF VN khẳng định: thực tế đã chỉ ra phẫu thuật đục thủy tinh thể ngoài bao ở cộng đồng với đường rạch nhỏ thực sự hiệu quả cho cộng đồng, kỹ thuật vừa phổ thông và an toàn, chi phí thấp và giải quyết cho số lượng lớn những người mù nghèo ở cộng đồng. Ông Phúc dùng hình tượng “chiếc xe buýt” để ví với kỹ thuật mổ ngoài bao để “chở người” từ điểm A tới điểm B an toàn, trong khi phương pháp phaco ví như đi “taxi” ở thành phố, chỉ phù hợp cho người có tiền và đủ điều kiện, trong khi con số tồn đọng lớn về bệnh đục thủy tinh thể là là ở các tỉnh thành vùng cao, miền núi và là những người nghèo. Từ đó, nhiều ý kiến của các đại biểu đề xuất nên có những giải pháp chiến lược quy định cụ thể như  phương pháp phẫu thuật ở cộng đồng với chi phí hợp lý cho người dân cũng như chính sách khuyến khích các phẫu thuật viên thực hiện các kỹ thuật này trong chăm sóc mắt cộng đồng, vừa thu hút được các nguồn lực trong xã hội tham gia vừa giải quyết được số lượng lớn mù lòa tồn đọng hằng năm.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đề ra một số nhiệm vụ và phương hướng hoạt động trong năm 2012. Tuy nhiên giải pháp then chốt về kinh phí dành cho hoạt động PCML. cũng như nâng cao năng lực hoạt động cho các ban chỉ đạo PCML cấp tỉnh, thành, đồng thời đề ra những mục tiêu lớn và giải pháp chiến lược hướng tới thị giác 2020 vẫn còn bỏ ngỏ và chưa biết đến bao giờ mới có hướng giải quyết!

 

2908 Go top